Thời sự
Hậu Giang phát triển du lịch xứng với tiềm năng và lợi thế
Huy Tự - 29/06/2015 13:48
Ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh chủ trương tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng.

Ông có thể cho biết đôi nét về vị thế, tiềm năng của du lịch tỉnh Hậu Giang trong định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh?

Hậu Giang tiếp giáp với TP. Cần Thơ - trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nên có những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Đồng thời, Hậu Giang còn có tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn rất phong phú và hấp dẫn.

Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Hậu Giang có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều vườn cây ăn trái, sản vật hấp dẫn. Nằm ở trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu, nên Hậu Giang rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và kết nối với các tour, tuyến du lịch của các tỉnh trong vùng.

Đặc biệt, Hậu Giang có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, lồng trong chương trình du lịch tổng hợp, như tham quan du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục bảo vệ môi trường, vui chơi, giải trí trên sông và nghỉ ngơi dân dã, kết nối với các điểm du lịch khác: Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân…

Về tài nguyên du lịch nhân văn, Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử - cách mạng, mang đậm nét đặc trưng về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân vùng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng. Đó là các di tích: Chiến thắng Chương Thiện, Chiến thắng Tầm Vu, Đền thờ Bác Hồ, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu…

Nhìn chung, du lịch Hậu Giang tuy còn mới mẻ so với các tỉnh trong vùng, nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành du lịch Hậu Giang đã có bước khởi sắc. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với sự nỗ lực, chung sức của ngành du lịch và ý thức cộng đồng, du lịch Hậu Giang đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Khách du lịch đến Hậu Giang tăng bình quân trên 5%/năm, một số dự án về du lịch đã và đang được triển khai, các dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành bước đầu phát triển… Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã có những định hướng, quy hoạch gì nhằm đạt các mục tiêu về phát triển du lịch?

Hậu Giang chú trọng công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy hoạch có hệ thống qua các cấp độ từ quốc gia đến địa phương và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ vào Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của địa phương mình phù hợp với tình hình thực tế và hoàn thành vào cuối năm 2015. Tỉnh tập trung lập quy hoạch phát triển du lịch đối với các khu vực ưu tiên phát triển. Theo đó, các khu vực có tài nguyên du lịch hấp dẫn phải có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở lập dự án và quản lý thực hiện các dự án đầu tư du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các khu, tuyến, điểm du lịch theo quy hoạch phát triển du lịch. Chú trọng phát triển vùng và dịch vụ trọng điểm, nhất là hai đô thị lớn của tỉnh là TP. Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy.

Trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND để triển khai thực hiện Nghị quyết, với các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch Hậu Giang, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần tăng trưởng GDP và nâng cao thu nhập của người dân, tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức của nhân dân trong đầu tư phát triển du lịch.

Thứ hai, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, huy động tối đa mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng của các điểm đến, đa dạng hóa dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch, tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ tư, các cấp, các ngành cần tập trung nguồn lực, quan tâm, ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch. Mỗi huyện, thị xã, thành phố, mỗi doanh nghiệp du lịch cần lựa chọn lợi thế của địa phương, đơn vị mình để có kế hoạch phát triển hiệu quả và thiết thực nhất. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một công trình hoặc một dự án khả thi cho phát triển du lịch của địa phương trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Hậu Giang sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới, để phát triển du lịch xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh?

Hậu Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng riêng của địa phương, như du lịch sinh thái kết hợp du lịch nông nghiệp và văn hóa tâm linh, tín ngưỡng; nâng cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu du lịch; phát triển nguồn nhân lực, thị trường, xúc tiển quảng bá, thu hút đầu tư du lịch... Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Cụ thể:

Xây dựng hoàn chỉnh đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn (phần đi qua tỉnh Hậu Giang), tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61B (đoạn đi qua tỉnh Hậu Giang), xây dựng mới và nâng cấp các trục đường tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu vùng phát triển; xây mới, nâng cấp hệ thống các tuyến đường huyện, đường nội thị, hệ thống bến xe, các cầu cống, hệ thống giao thông đường thủy; xây dựng mới các tuyến đường ô tô về trung tâm xã ở những địa phương chưa có; kết hợp hoàn thiện hệ thống thủy lợi với phát triển giao thông đường thủy, đường bộ, nhất là giao thông nông thôn, sớm xây dựng hệ thống cầu phục vụ giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực.

Nâng cấp và mở rộng các tuyến đường bộ, đường thủy đến các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn, như đường vào Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, Di tích Đền thờ Bác Hồ…

Từng bước hoàn thiện các công trình văn hóa - thể thao gắn với du lịch, như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Sân vận động tỉnh, bến tàu du lịch tại Chợ nổi Ngã Bảy và trên Kênh xáng Xà No.

Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh đón 500.000 lượt khách du lịch với doanh thu 200 tỷ đồng và năm 2030 đón 1,2 triệu lượt du khách với doanh thu 440 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác