Thị trường 33 tỷ USD
Kinh tế số bao gồm các lĩnh vực du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông số và dịch vụ gọi xe. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Google và Temasek Holdings, trong năm 2018, kinh tế số tại Việt Nam ước đạt 9 tỷ USD về tổng giá trị giao dịch, chiếm khoảng 4% GDP. Dự báo, đến năm 2025 sẽ đạt 33 tỷ USD.
Luật chơi của hệ sinh thái số Việt Nam nên được xây dựng dựa trên hướng tiếp cận cởi mở, “cởi trói” bớt cho các doanh nghiệp trong nước |
Với tiềm năng đó, thị trường Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước. Đã xuất hiện một làn sóng các dịch vụ Internet trực tuyến từ nước ngoài cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp trong nước và khối ngoại ngày càng lấn át nội, làm chủ thị trường.
Hệ sinh thái số Việt Nam đang thu hút rất nhiều người chơi, từ các start-up non trẻ, cho tới những doanh nghiệp đã thành danh. Tuy nhiên, do luật chơi chưa rõ ràng và đầy đủ, nên hệ sinh thái số đó vẫn chưa đủ mạnh và gắn kết để có thể tạo thành thế đối trọng với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vốn áp đảo về tiềm lực lẫn kinh nghiệm. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ hệ sinh thái số “Made-by-Việt Nam” sẽ không cạnh tranh được với hệ sinh thái số do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp tại Việt Nam, thậm chí bị lệ thuộc hoàn toàn.
Tại Tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam - người chơi và luật chơi” trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2018, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, Internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới. “Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới. Cái mà chúng ta đang còn lúng túng chính là “luật chơi”, ông Hưng nói.
Gần đây, vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa VinaSun và Grab chính là một minh chứng. Đó không chỉ đơn giản là sự xung đột giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Bất bình đẳng ngay trên quê nhà
Nhiều doanh nghiệp đã nêu vấn đề bức xúc hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài thì được “thả” mặc sức hoạt động, thậm chí được “bảo hộ ngược”, trong khi doanh nghiệp trong nước bị quản chặt, đã khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, khiến các doanh nghiệp Việt teo tóp dần.
“Trên thị trường có những doanh nghiệp nước ngoài làm trung gian thanh toán có hàng triệu khách hàng, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng qua hệ thống trong nhiều năm liền không cơ quan nhà nước nào quản lý. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam phải mất rất nhiều công sức và nhiều năm xin phép mới được cấp phép, nhưng nếu sơ sảy một chút thì bị phạt rất nặng. Doanh nghiệp Việt mà ấm ức phản ánh thì lại bị nói là chơi bẩn…”, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch NextTech Group nói.
“Chúng tôi đã hoạt động ở 7 thị trường nước ngoài, có một điều dễ nhận thấy là luật của họ rất bảo hộ cho doanh nghiệp sở tại. Ở Việt Nam, chúng tôi không cần Nhà nước phải bảo hộ, mà chỉ cần có một luật chơi công bằng”, ông Bình tâm sự.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav cũng chia sẻ câu chuyện một đơn vị tài chính lớn có chi nhánh ở miền Trung. Chi nhánh đó dùng một sản phẩm công nghệ của nước ngoài và cách đây không lâu xuất hiện sự cố. Hai tuần liên tục phía đơn vị cung cấp nước ngoài không xử lý được và Bkav đã vào cuộc giúp xử lý sự cố. Nhưng khi triển khai tiếp phần đề xuất thay thế dự án bằng sản phẩm của Việt Nam thì không được. Vấn đề là dự án đó được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài, cả phần cứng và phần mềm.
Cần một luật chơi công bằng
Có thể thấy rằng, việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam là một yêu cầu mang tính thời sự và cấp thiết để có thể phát huy, liên kết được nguồn lực khoa học - công nghệ - trí tuệ nội địa, đảm bảo sự phát triển bền vững, có giá trị lâu dài và tương xứng cho Việt Nam.
Các doanh nghiệp cho rằng, hoàn thiện luật chơi chính là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay để tiến tới một hệ sinh thái số Việt Nam mạnh mẽ và bền vững.
Luật chơi của hệ sinh thái số Việt Nam nên được xây dựng dựa trên hướng tiếp cận cởi mở, phù hợp với tinh thần 4.0. Chúng ta không nên ngăn cấm các mô hình kinh doanh mới, không ngăn cấm các doanh nghiệp công nghệ quốc tế tham gia thị trường. Thay vào đó, các hành lang pháp lý và cơ chế chính sách nên “cởi trói” bớt cho các doanh nghiệp trong nước về thuế, về điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép, thanh kiểm tra… tạo điều kiện cho họ được kinh doanh, đầu tư và mở rộng theo cách mà các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đang được hưởng.