Tiêu thụ điện cho sản xuất có dấu hiệu giảm
Năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 242,3 tỷ kWh, bằng 99,97% kế hoạch đề ra. Điều đáng lưu ý là, tại miền Bắc, khu vực có sự đổ bộ lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong làn sóng dịch chuyển đầu tư gần đây, lại đang gặp phải tình trạng giảm nhu cầu tiêu thụ điện.
Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), những ngày cuối năm 2022 càng bộc lộ rõ mức độ suy thoái, suy giảm trong sản xuất công nghiệp, kéo theo nhu cầu điện giảm. Một số hộ tiêu thụ điện lớn là xi măng, sắt thép đã giảm sản xuất, khiến sản lượng điện giảm 300 triệu kWh.
“Đầu năm 2022, nhu cầu tiêu thụ điện không đến nỗi. Đặc biệt, nửa đầu năm, việc đầu tư, sản xuất vẫn tốt, nhưng bắt đầu suy giảm từ quý III. Thậm chí tháng 11, tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC bị âm. Với thực tế tại EVNNPC là điện cho sản xuất công nghiệp chiếm 65% tỷ trọng, sự suy giảm này cũng phản ánh những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại miền Bắc”, bà Ánh nói.
Năm 2022, tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC ở 27 địa phương miền Bắc dự kiến là 89,2 tỷ kWh, nhưng khả năng chỉ đạt khoảng 86,3 tỷ kWh (đã bao gồm khoảng 1 tỷ kWh do dịch chuyển ngày ghi chỉ số).
Đáng nói là, năm 2021 và 2022, hệ thống điện tiếp tục chứng kiến tình trạng căng thẳng trong cấp điện tại miền Bắc. Dù nhu cầu điện miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng nhiều năm qua, miền Bắc không được bổ sung nhà máy điện mới có số giờ vận hành ổn định cao, đóng vai trò chạy nền cho hệ thống với tổng công suất đủ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thời gian qua.
Ở khu vực này, điện mặt trời các loại phát triển khá yếu, trong khi đường truyền tải từ miền Nam, miền Trung ra Bắc bị giới hạn, khiến cho thách thức về việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng lớn.
Hồi đầu tháng 7/2022, hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp, ảnh hưởng tới việc cung cấp điện cho một số khách hàng lớn ở phía Bắc. Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng, tiêu thụ điện tăng cao, một số tổ máy phát điện bị sự cố đã gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn việc cung cấp điện cho một số khách hàng lớn ở phía Bắc.
Rất may là các đơn vị vận hành nguồn, lưới điện đã khắc phục được sự cố ngay trong ngày, toàn bộ khách hàng bị gián đoạn nguồn cung đã được cấp điện trở lại, hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định.
Huy động nguồn đắt tiền để ổn định hệ thống
Năm 2022, hệ thống điện vận hành trong tình trạng thủy điện khu vực miền Bắc hụt 857 triệu kWh do các hồ thủy điện không tích được nước so với mực nước dâng bình thường ở thời điểm ngày 1/1/2022. Cũng có khoảng 2.000 MW công suất có khả năng thiếu hụt tại hệ thống điện miền Bắc do sự cố các nhà máy (Phả Lại, Vũng Áng), suy giảm công suất do nước làm mát (Mông Dương, Quảng Ninh…).
Trên hệ thống có khoảng 21.000 MW năng lượng tái tạo khiến vấn đề ổn định hệ thống, giải tỏa công suất, chất lượng điện năng gặp thách thức lớn khi vào buổi tối không có mặt trời, hay mùa lặng gió vào tháng 3-4-5 hàng năm.
Trong quý I/2022, nhiều nhà máy nhiệt điện như Thái Bình 1, Nghi Sơn 1, Hải Phòng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Hải Phòng, Quảng Ninh đã phải ngừng vận hành, giảm công suất do thiếu than trong giai đoạn tháng 3-4. Tổng công suất không huy động được lên tới 3.000 MW, dẫn tới phải huy động các nguồn điện có giá cao hơn, huy động thêm các nhà máy sử dụng than nhập khẩu để đáp ứng cung cấp điện.
Hiện tượng thiếu than cũng xuất hiện trong quý IV/2022, một số tổ máy đã phải ngừng do thiếu than như S2 của Thái Bình, S2 của Hải Phòng, S3 Quảng Ninh, S1 Vĩnh Tân 2.
Khả năng cung cấp của các nguồn khí nhiều thời điểm trong năm 2022 bị suy giảm so với dự kiến. Các công tác sửa chữa, bảo dưỡng cũng thường xuyên lệch hoặc kéo dài so với kế hoạch, đặc biệt là nguồn khí Tây Nam bộ. Vì thế, trong một số trường hợp, hệ thống bắt buộc phải huy động các nguồn chạy dầu để chống quá tải lưới điện khu vực, phụ tải đỉnh miền Nam, đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho hay, tỷ trọng cơ cấu nguồn điện có giá thành thấp như thủy điện ngày càng giảm, năm 2022 chỉ đạt khoảng 36% sản lượng của toàn hệ thống, dù đây là năm khai thác thuỷ điện đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tỷ trọng các nguồn điện có giá thành cao ngày càng tăng, trong đó nhiệt điện chiếm hơn 50%, năng lượng tái tạo chiếm 13,7% tổng điện năng toàn hệ thống kế hoạch năm 2022, làm tăng chi phí mua điện bình quân của EVN.
Thực tế giá bán lẻ điện bình quân cơ sở vẫn đứng im từ tháng 3/2019 tới nay, trong khi giá cả đầu vào cho điện như lương tối thiểu, tỷ giá ngoại tệ hạch toán đều thay đổi, giá nhiều loại nhiên liệu cho phát điện trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, khiến EVN càng đảm bảo điện càng lỗ nặng, ước tính lỗ hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022.