Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng Nguyễn Quốc Vương vì đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên |
“Ngọn lửa” khởi nghiệp từ cơ chế chính sách
Những năm qua, Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cũng như huy động mọi nguồn lực để khởi động chương trình khởi nghiệp, như đẩy mạnh công tác hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025”;
triển khai Nghị quyết 09/2020/HĐND ngày 2/11/2020 về việc quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025…
Là một trong số các doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chủ trương, chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Quảng Nam, anh Nguyễn Quốc Vương cho biết, tỉnh Quảng Nam nói chung và Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh luôn đồng hành, quan tâm và thường xuyên hỏi thăm tình hình cũng như hỗ trợ các cơ chế có liên quan để giúp doanh nghiệp phát triển.
Ngày 22/9/2022, sáng chế “Quy trình công nghệ xử lý nước thải thủy sản bằng vi tảo Chlorella Vulgaris kết hợp thu hồi sinh khối bằng phương pháp điện phân keo tụ - tuyển nổi” của anh Vương và cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận.
Theo anh Vương, trong năm, dự án xử lý nước thải bằng vi tảo này đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tổ chức tại Khánh Hòa.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam có nhiều doanh nhân khởi nghiệp thành công như anh Hà Nhật Ánh với dự án LACO - Ứng dụng kết nối dịch vụ địa phương; chị Trần Thị Minh Thúy với dự án Sữa chua sấy thăng hoa...
Theo ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, Trưởng ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Quảng Nam chính thức vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2017. Dù là một tỉnh đi sau, song chỉ thời gian ngắn, Quảng Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, năm 2020, Quảng Nam công bố slogan “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” và chính thức vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp mở. Năm 2022, tỉnh hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra; về đích trước 3 năm so với kế hoạch; trong đó, có chỉ tiêu vượt rất cao. Năm 2022, được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh là địa phương tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo (TechFest) thành công, quy mô quốc tế, quốc gia và là địa phương tổ chức TechFest lớn nhất toàn quốc.
Năm 2023, Quảng Nam tổ chức Năm Khởi nghiệp và được Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia vinh danh là địa phương khởi nghiệp năng động, xuất sắc. Năm 2024, được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn là một trong 16 tỉnh, thành phố để tuyên dương về xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng khẳng định, tỉnh chỉ đạo Ban Điều hành, Sở Khoa học và Công nghệ và đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... tổ chức ký kết chương trình hợp tác khung đến năm 2025 và các chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể với các cơ quan chuyên môn trong cả nước để tổ chức các hoạt động liên quan xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
“Ngay từ khi vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp, UBND tỉnh đã chú trọng triển khai chương trình phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp cả nước nhằm huy động lực lượng và một phần xã hội hóa kinh phí cùng nhà nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu nhiều kết quả rất quan trọng”, ông Dũng nói.
Hành trình mới
Để hệ sinh thái vận hành theo đúng định hướng, tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng đào tạo chuyên gia, giảng viên nguồn khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia “Liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam” với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan, Trường cao đẳng Quảng Nam và gần 120 chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, start-up trong tỉnh và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế theo chủ đề “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”.
“Từ vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo đến lan tỏa khát vọng khởi nghiệp quốc gia là hành trình dấn thân, với tâm thế và khát vọng chủ động giao thương để mở ra cơ hội phát triển Quảng Nam. Năm 2025 là năm kết thúc giai đoạn khởi động và mở ra hành trình mới - hành trình cùng nhịp bước bứt phá trong “Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đồng thời, tổ chức khảo sát, liên kết cộng đồng khởi nghiệp tỉnh với mạng lưới khởi nghiệp vùng, quốc gia để xây dựng và phát triển mô hình tổ chức hội khởi nghiệp vững mạnh. Đã khởi nghiệp phải thành doanh nghiệp. Đó là chiến lược của tỉnh đến năm 2030”, ông Sinh nhấn mạnh.