Khi “đai” quy hoạch phát triển ngành hàng không được nới, cơ hội bay thương mại sẽ mở ra đối với Hàng không Tre Việt, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air). Đây là những đơn vị đã hội đủ các tiêu chí về vốn và năng định bay, nhưng chưa được cấp phép do dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.
Cần phải nói thêm rằng, sau 7 năm triển khai Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030, quy mô thị trường hàng không Việt Nam vẫn khiêm tốn.
Vietnam Airlines đã đạt được nhiều bước tiến trong thời gian qua |
Cụ thể, thị trường hàng không Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong ASEAN; kết cấu hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay lớn còn tình trạng quá tải; chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không còn nhiều bất cập...
Quan trọng hơn, việc giới hạn quy mô đội tàu bay, năng lực hạ tầng sân bay hạn chế, cơ chế huy động vốn chưa phù hợp… đã làm hẹp cơ hội gia nhập thị trường của nhiều nhà đầu tư mới, bó buộc năng lực đầu tư của các hãng hàng không hiện hữu, từ đó trực tiếp làm giảm năng lực của toàn thị trường.
Cùng với tốc độ tăng trưởng hành khách bằng đường hàng không dự báo đạt khoảng 16% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030, kết quả kinh doanh ấn tượng của Vietnam Airlines và Vietjet - hai hãng hàng không chủ lực của Việt Nam – đang góp phần làm tăng sức hấp dẫn của thị trường này. Thực tế, dù có sự vươn lên mạnh mẽ của Vietnam Airlines và Vietjet trong những năm gần đây cả về chất lượng, quy mô đội tàu bay, nhưng so với các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á, thì chúng ta vẫn còn một khoảng cách không nhỏ.
Trên thực tế, trong quý I/2018, thị phần hành khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đã giảm khá sâu, xuống còn 43,3% do các hãng nước ngoài đẩy mạnh hoạt động khai thác, trong đó một số hãng đã có thêm thương quyền khai thác sâu hơn thị trường Việt Nam. Nếu không duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay, thì nhiều khả năng, thị phận vận chuyển khách sẽ rơi vào tay các hãng hàng không ngoại.
Việc phát triển các hãng hàng không Việt gắn với xây dựng sản phẩm vận chuyển hàng không chủ đạo hướng mạnh ra thị trường quốc tế, vì lẽ đó, đang đòi hỏi một chiến lược quốc gia tổng thể về phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển mạng đường bay với việc mở thêm đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn trọng điểm đến Việt Nam. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công quy hoạch điều chỉnh vừa được Chính phủ thông qua.
Trong giai đoạn trước mắt, bên cạnh việc giải quyết vấn đề mãn tải sớm tại hai sân bay chủ chốt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất… cần xây dựng các trung tâm hàng không mới như Chu Lai, Cát Bi… bằng phương thức xã hội hóa với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Trong chiến lược quốc gia về hàng không này, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh dạn từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” để thực sự làm tốt vai trò “bà đỡ” chính sách, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Đây cũng là giải pháp giúp hàng không Việt Nam phát triển bền vững, sớm vươn lên trở thành ngành mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập và thu hút đầu tư.