Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào. Ảnh: Chí Cường |
Mạng di động 2G đầu tiên được xây dựng vào năm 1993 khi Ericsson bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang thí điểm 5G với sự hỗ trợ của Ericsson. Theo ông, tốc độ triển khai 5G tại Việt Nam có theo kịp các nước trong khu vực không?
Ngày nay, nhiều quốc gia đang ở các giai đoạn triển khai 5G khác nhau. Mỗi quốc gia và thị trường đều có lộ trình riêng, trong đó Việt Nam được đánh giá rất cao, là một trong những điểm đến đầu tư năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới với nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào chuyển đổi số trên toàn quốc. Ericsson luôn ủng hộ tầm nhìn này và cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu quan trọng đó.
Trên thế giới hiện có 235 mạng 5G thương mại với độ phủ sóng hơn 30% dân số. Việt Nam đang sẵn sàng thương mại hóa 5G trong năm nay và sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các sản phẩm và giải pháp 5G mới nhất, tiên tiến nhất, cũng như học hỏi kinh nghiệm triển khai từ các thị trường khác đã khai thác 5G trên thế giới.
Thưa ông, Việt Nam cần tập trung vào những yếu tố quan trọng nào để có thể thương mại hóa 5G vào năm 2023, cũng như đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số?
Việt Nam đặt trọng tâm chiến lược chuyển đổi số trong 3 trụ cột chính gồm xã hội, kinh tế và chính phủ. Cách tiếp cận 3 trụ cột này có tầm nhìn xa, nhận được sự hỗ trợ và ưu tiên hoàn toàn của Ericsson.
Để thương mại hóa 5G, Chính phủ sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ phổ tần 5G cho các nhà cung cấp dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ cần triển khai 5G trên toàn quốc, thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia cần thiết.
Kinh nghiệm toàn cầu của chúng tôi cho thấy rằng, những người đi đầu trong lịch sử có thể nắm bắt được hầu hết giá trị, thu hút đầu tư và tạo ra sự đổi mới thông qua khởi nghiệp kinh doanh. Điều này sẽ giúp tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới từ những cơ hội to lớn bắt nguồn từ kết nối vô hạn.
Sự phát triển của hệ sinh thái 5G sẽ góp phần thúc đẩy quá trình ứng dụng 5G của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa các ngành - Chính phủ - Học viện sẽ giúp xây dựng các trường hợp sử dụng 5G phù hợp với Việt Nam.
Ví dụ, Ericsson đang hợp tác với Đại học RMIT để cung cấp chương trình đào tạo 5G, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo/máy học (AI/ML), tự động hóa (Automation), thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (AR/VR), điện toán biên (Edge computing) và chuỗi khối (Blockchain) cho sinh viên kỹ thuật/khoa học/công nghệ của RMIT tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Ericsson và Đại học RMIT sẽ khai trương Phòng thí nghiệm AI tại khuôn viên RMIT vào quý II/2023, hỗ trợ và phù hợp với tầm nhìn của Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực vào năm 2030. Đây là một sáng kiến đặc biệt quan trọng vì AI là công nghệ mũi nhọn của công nghiệp 4.0.
Công nghệ 5G là một phần cốt lõi trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngành như sản xuất, tài chính ngân hàng và thương mại điện tử có thể gặt hái lợi ích như thế nào khi 5G được thương mại hóa?
Nhiều doanh nghiệp đang xem xét đầu tư để hiện đại hóa những hệ thống cũ của họ bằng cách sử dụng các công nghệ và ứng dụng mới nhằm thúc đẩy những sáng tạo mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trưởng.
Những trường hợp sử dụng ban đầu của mạng 5G sẽ hướng tới đạt được tính linh hoạt, hiệu quả và độ tin cậy trong hoạt động, góp phần tiếp tục cải thiện tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam, hướng tới mục tiêu Chính phủ đề ra là 7,5%/năm vào năm 2030. Chẳng hạn, lĩnh vực sản xuất có thể ứng dụng 5G vào các giải pháp như sản xuất thông minh, VR/AR, robotics và tự động hóa để đạt được hiệu quả, tính linh hoạt, an toàn và cải thiện chất lượng.
Nhằm tăng hiệu quả hoạt động, ngành vận tải và hậu cần đang xem xét áp dụng robot di động tự động (AMRs) có thể di chuyển xung quanh khu vực sản xuất khi vận chuyển, theo dõi, kiểm tra hàng hóa và phụ tùng. Ngành khai thác mỏ cũng đang xem xét các robot cộng tác nhằm hỗ trợ hoạt động khoan, lắp ráp và kiểm tra từ xa, cũng như giám sát tình trạng hàng hóa.
Những trường hợp sử dụng 5G hàng đầu mà doanh nghiệp xác định các ưu tiên là phát trực tuyến nội dung nâng cao, phân tích video theo thời gian thực, kiểm soát phương tiện tự lái và máy bay không người lái.
Ericsson tin rằng, việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam, là lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường. Ericsson tự hào được đồng hành cùng Việt Nam, hợp tác với tất cả các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ di động tại Việt Nam, cũng như các học viện để mở rộng 5G một cách liền mạch.
Các nhà mạng đang giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng để triển khai 5G. Là doanh nghiệp hàng đầu về mạng 5G, Ericsson đang và sẽ hỗ trợ các nhà mạng tại Việt Nam như thế nào để triển khai 5G thành công, thưa ông?
Ericsson đã giúp các khách hàng triển khai hơn 140 mạng 5G thương mại trên toàn cầu. Chúng tôi là nhà cung cấp hạ tầng 5G toàn cầu hàng đầu theo các báo cáo độc lập gần đây của Frost & Sullivan và Gartner Magic Quadrant. Chúng tôi đã thiết lập vị trí dẫn đầu về 5G với khoảng 50% lưu lượng 5G (không tính Trung Quốc) được truyền qua các mạng vô tuyến của Ericsson.
Là đối tác chiến lược lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam, Ericsson sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm triển khai 5G toàn cầu của chúng tôi với các khách hàng, giúp đảm bảo triển khai công suất và phủ sóng thành công, chú trọng vào đảm bảo hiệu suất mạng ổn định, độ khả mở, tính đơn giản và bảo mật.
Kể từ năm 2017, Ericsson đã tăng cường tập trung hỗ trợ khách hàng là các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ với hạ tầng 4G rộng khắp và 5G thử nghiệm thương mại trên toàn quốc, đặc biệt là ở các khu vực công nghiệp và có tốc độ tăng trưởng cao, là những nơi được hưởng lợi từ hiệu quả sản xuất thông minh và tăng năng suất bền vững với sự hỗ trợ của công nghiệp 4.0 và khả năng vượt trội của 4G/5G.