Để chuyển hóa các vấn đề kỹ thuật khô khan, cũng như sự liên quan chằng chịt của các loại con số trong ngành điện thành dân dã, dễ hiểu hơn đòi hỏi nỗ lực không chỉ của nhà báo/giới báo chí, mà còn từ cả những người có chuyên môn về ngành. |
Để không thành nhà đầu tư bất đắc dĩ
Trong thời gian 3 năm trở lại đây, tôi đã nhận được nhiều đề nghị nói chuyện riêng tư để chia sẻ kiến thức, giúp hiểu thêm về ngành điện khi ngành này bất ngờ trở nên “nóng”, hấp dẫn các nhà đầu tư F0 với trào lưu xanh, tái tạo cùng điện mặt trời, điện gió, hay điện khí LNG.
Thậm chí có những người thân trong gia đình hay bạn bè, đồng nghiệp vốn chỉ quen tiêu thụ điện cũng bất ngờ inbox, gọi điện hỏi tư vấn “có nên đầu tư điện mặt trời không” khi được chào mời rất hấp dẫn rằng: “đầu tư vào điện mặt trời lợi nhuận chỉ đứng sau làm bất động sản, mà còn đều đặn”, hay “làm điện mặt trời nhanh giàu lắm, mất độ 6-7 năm để hoàn vốn và sau đó ngồi đếm tiền”.
Với tất cả mối quan tâm đó tôi đều phải nói đi, nói lại rằng: “Chiếc bánh thì chỉ có vậy. Nếu 1 người ăn sẽ rất dư dả, tới 10 người ăn thì vẫn còn mỗi người 1 phần nhất định, nhưng nếu có hàng trăm người lao vào giành ăn và tới hàng ngàn người nhăm nhe lao vào vì được rỉ tai là rất ngon, thì cái bánh dù ngon tới mấy cũng không đủ chia”.
Có lẽ với nhiều người, khởi đầu của suy nghĩ “làm điện ngon, ăn tiền nhanh và đều” xuất phát từ thực tế hàng ngày, hàng tháng đều phải dùng điện, dùng càng nhiều lại càng đắt, hay đời sống ngày càng cao, trang thiết bị ngày càng nhiều lại càng phải dùng điện. Đó là chưa kể suy nghĩ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền, tiền điện thu về nhiều thế, mình “ông ấy” hưởng thì giàu quá…
Không phải ai cũng chấp nhận sự thật là đã rất nhiều năm nay, không chỉ có mỗi EVN đầu tư vào làm nguồn điện cũng như độc quyền bán điện tới người tiêu dùng cuối cùng.
Trước khi có sự đổ xô của hàng ngàn nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân vào điện mặt trời, điện gió, thì đã có cả trăm doanh nghiệp lớn bé trong và ngoài nước đầu tư làm nguồn điện.
Ở phía bán điện tới người tiêu dùng, sự có mặt của các hợp tác xã, công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị lên tới hơn 100 đơn vị.
Khi trò chuyện với nhiều người, hay trên các diễn đàn về năng lượng nói chung, tôi đều không quên chia sẻ, nhắc nhở với các nhà đầu tư rằng, phải cùng cất tiếng nói để giá điện được thị trường hóa, tính đúng, tính đủ ở mức hợp lý. Có vậy thì việc kinh doanh và kiếm tiền của họ mới được dài lâu và bền.
Còn nếu các nhà đầu tư hả hê với suy nghĩ đơn giản “mình phải khôn, tận dụng được thời cơ có chính sách tốt, làm ra bao nhiêu thì ông ngành điện (mà ở đây là EVN) phải mua hết và mình sẽ hốt lời to” thì đó là sai lầm, sẽ phải trả giá không nhỏ.
Đó là bởi, nếu người mua điện cho các nhà đầu tư tư nhân ở vào tình thế mua cao, bán thấp mà lại cứ nhẫn nại, cần cù dài lâu, rồi ăn lẹm vào vốn của mình, hay bị định danh làm thất thoát tài sản của Nhà nước thì nhìn thấy trước kết cục buồn.
Khi đầu tư vào một lĩnh vực rất chuyên ngành như điện, nếu quan niệm đơn giản, không thấu đáo, các quyết định đưa ra của nhà đầu tư dễ bị phiến diện và ảo tưởng. Còn ở phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu không thấu hiểu thực chất nền kinh tế lẫn khả năng chi trả của các bên và dám quyết định thì không dễ làm nhà máy điện trong thời gian ngắn.
Hàng hóa đặc biệt không thể ứng xử đơn giản
Nói gì thì nói, điện vẫn là hàng hóa đặc biệt, bởi sản xuất và tiêu thụ đồng thời, làm ra phải có dây tải chứ không phải cho lên ô tô, xe máy ship đi được. Chưa kể mấy chuyện rất chuyên ngành như tần số, điện áp, sóng hài phải cân đối nếu không rã lưới khu vực hoặc toàn hệ thống, gây mất điện thì chả mấy người hiểu.
Giá điện hiện không vận hành theo cơ chế thị trường hay ai trả cao sẽ được ưu tiên mua trước. Ngay cả khi giá nhiên liệu đầu vào như than, khí ăn theo giá thế giới đã lên gấp 2, gấp 3 so với năm ngoái, thì EVN cũng không thể tự tăng giá điện để bù đắp chi phí được, mà phải đợi khi nào Nhà nước đồng ý cho tăng mới được tăng.
Điện cũng còn đặc biệt ở khía cạnh tất cả các dự án nguồn điện trong vòng 20 năm trở lại đây đều cần những cơ chế riêng mới đầu tư được, còn không thì vô cùng khó khăn hay bất thành. Điều này nếu ai quan tâm sẽ thấy rõ qua các dự án thủy điện lớn nhỏ, nhiệt điện than, các dự án điện BOT hay các dự án điện gió, điện mặt trời gần đây.
Tham gia vào ngành năng lượng một cách bất ngờ từ khoảng 20 năm trước, cũng như không ít nhà báo nói riêng và người bình thường nói chung với tâm lý “chuyện của mình thì luôn tốt, còn chuyện người khác làm kiểu gì cũng có điểm xấu”, tôi cũng hay nhìn ngó, soi mói để tìm điều gì đó ấn tượng với độc giả.
Thời gian cũng cho thấy rằng, nếu chỉ “trơn mồm, trơn tay” viết cho vui tai, khiến người khác bừng bừng xúc cảm để câu like thì sẽ khó bền, bởi độc giả có kinh nghiệm thực tiễn thương trường không phải là những tay mơ.
Dẫu vậy, để chuyển hóa các vấn đề kỹ thuật khô khan, cũng như sự liên quan chằng chịt của các loại con số trong ngành điện thành dân dã, dễ hiểu hơn, giúp nhiều người hiểu đúng vấn đề, đòi hỏi nỗ lực không chỉ của nhà báo/giới báo chí, mà còn từ cả những người có chuyên môn về ngành.
Nếu e ngại minh bạch dữ liệu sẽ tạo sóng dư luận, gây ồn ào hay ảnh hưởng tới uy tín cá nhân thì sẽ khó lòng thay đổi quan niệm điện là độc quyền. Đó là chưa kể trong thế giới phẳng và được số hóa mạnh như hiện nay, văn bản, thông tin được lan truyền nhanh. Nhưng bởi không có kiến thức được bồi đắp, người tiếp nhận thông tin dễ bị rơi vào mớ bòng bong kiểu đẽo cày giữa đường, ai nói cũng hay, cần lắng nghe.
Bởi vậy nên tôi cũng cố làm thêm chức năng dẫn giải cho đơn giản nhất có thể các vấn đề “loằng ngoằng như dây điện”, để độc giả của Báo Đầu tư có nhiều chiều thông tin và nhìn được bức tranh tổng thể.