Khả năng các doanh nghiệp giao thông ở cả 5 phương thức (gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải) nhận được những khoản hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước hiện vẫn là ẩn số, dù áp lực do giá nhiên liệu trong thời gian gần đây đã khiến tình hình tài chính của nhiều đơn vị vận tải “căng như dây đàn”.
Vào cuối tuần trước, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ký công văn đề nghị Bộ Tài chính sớm giảm một số loại phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Theo đề xuất từ Bộ GTVT, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở mỗi loại hình sẽ được giảm 2-3 loại phí, lệ phí với mức giảm dao động từ 20 đến 30% so mức thu vào cuối tháng 12/2019 và dự kiến kéo dài đến hết năm 2022. Để được giảm phí như đề xuất, các doanh nghiệp giao thông cần chờ quyết định cuối cùng của Bộ Tài chính.
Điều đáng nói, phần lớn các khoản hỗ trợ nói trên là sự kéo dài của các chính sách thuế, phí dành cho doanh nghiệp giao thông vượt qua tác động của dịch Covid-19 vốn hết hạn từ ngày 30/6/2022.
Trong bối cảnh doanh nghiệp vận tải đang trong giai đoạn “vừa ốm dậy”, việc có thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào cũng rất hữu ích, nhất là trong bối cảnh không ít đơn vị đang phải tính đến phương án “niêm cất xe” do không dám tăng giá vé, vì tăng thì khách bỏ, mà giữ nguyên giá vé thì càng chạy càng lỗ. Tuy nhiên, ngoài việc các chính sách hỗ trợ cần được ban hành càng sớm càng tốt, các cơ quan quản lý cũng cần xem lại mức độ “trợ lực”, khả năng mở rộng chính sách thuế phí, giá vé cho doanh nghiệp.
Theo tính toán, toàn bộ khoản giảm thuế, lệ phí sẽ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm 2.000 - 3.000 tỷ đồng chi phí trong 6 tháng cuối năm 2022. Trên thực tế, con số này không quá lớn khi tổng số doanh nghiệp vận tải trong phạm vi cả nước hiện lên tới hàng chục ngàn đơn vị.
Cần phải nói thêm rằng, các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các hãng hàng không đang rất khó khăn do phải chịu tác động kép từ hệ lụy của dịch Covid-19, cũng như việc tăng giá nhiên liệu bay.
Đơn cử như Vietnam Airlines. Nếu giá xăng Jet A1 duy trì ở mức 160 USD/thùng cho 6 tháng cuối năm 2022, thì chi phí ước tính của hãng hàng không quốc gia sẽ tăng thêm 4.324 tỷ đồng. Đối với tổng thể ngành hàng không dân dụng, nếu không có biện pháp tháo gỡ thì sự gia tăng chi phí nhiên liệu sẽ ảnh hưởng lớn tới sản lượng khai thác toàn ngành. Hệ quả là, các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn khi phục hồi, mở rộng mạng bay, thậm chí phải đóng bớt một số đường bay do không cân đối được chi phí.
Với Vietjet - hãng bay có tiếng là tiết kiệm chi phí, chính sách giảm giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không trong năm 2020, 2021 đã giúp Vietjet giảm được trên 300 tỷ đồng chi phí. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2020, 2021 cũng giúp hãng này giảm 380 tỷ đồng chi phí. Trong kế hoạch năm 2022, Vietjet xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở giá xăng dầu ở mức 80 USD/thùng. Với giá xăng dầu hiện nay, Vietjet sẽ gánh thêm 6.500-7.500 tỷ đồng chi phí. Mức tăng này có thể bào mòn toàn bộ khoản tích lũy của doanh nghiệp trong nhiều năm.
Chính vì vậy, ngoài việc sớm nhận được các khoản hỗ trợ từ giảm một số loại thuế, phí, các hãng hàng không rất cần thêm sự trợ giúp từ các cơ quan quản lý, bao gồm việc nâng trần khung giá vé và cho phép được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa. Đây cũng là chính sách mà nhiều quốc gia đang hỗ trợ doanh nghiệp trong cơn biến động giá nhiên liệu hiện nay.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các khoản hỗ trợ kịp thời, tới tầm chính là những lực đẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này, nhất là khi sức chịu đựng của nhiều đơn vị đã chạm giới hạn cuối cùng.