Trên cơ sở thực hiện Chương trình hành động số 02/CT-BCH ngày 20.7.2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam khóa XII, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, hướng tới thí điểm đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo chuyên ngành, tạo sự liên kết đồng bộ của các tổ chức công đoàn, đồng thời cơ cấu lại hoạt động công đoàn ngành theo hướng tập trung, xuyên suốt, hiệu quả. Chương trình hội thảo tập trung những ý kiến đóng góp, góp phần hoàn thiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt.
Hội thảo là cơ hội để cùng đề xuất những giải pháp trọng tâm đưa hoạt động của tổ chức Công đoàn ngày càng hiệu quả, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của đoàn viên, người lao động trong ngành. Đồng thời là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hướng tới Đại hội VII Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Hội thảo cũng khẳng định sau 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam theo mô hình tập trung, xuyên suốt hoạt động đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình tổ chức, phù hợp theo yêu cầu tất yếu của phong trào công nhân, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng. Đồng thời cũng thể hiện xu thế của công đoàn ngành nghề các nước trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh: “Ngành Ngân hàng đã có 30 năm hoạt động theo mô hình công đoàn ngành. Chặng đường đi qua đã chứng minh mô hình Công đoàn Ngành hiệu quả, phù hợp với đặc thù, chức năng mô hình tổ chức dọc của ngành Ngân hàng (từ Trung ương đến địa phương).
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo |
Việc tiếp tục hoàn thiện mô hình này cũng là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt sau Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có những Nghị quyết, chỉ đạo chung để 10 công đoàn chuyên ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để mô hình hoạt động này nhằm phát huy hiệu quả vai trò của những tổ chức công đoàn và chăm lo cho người lao động”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có những Nghị quyết, chỉ đạo chung để 10 công đoàn chuyên ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để mô hình này hoạt động, phát huy hiệu quả vai trò của những tổ chức công đoàn và chăm lo cho người lao động”.
Thông qua hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong muốn sẽ tập hợp được sức mạnh và tạo ra diễn đàn chung theo tính chất ngành nghề. Ông Tú đánh giá, việc công đoàn tiếp tục hoàn thiện theo mô hình dọc là hết sức phù hợp.
3 nội dung chính được 10 công đoàn chuyên ngành nêu ý kiến và thảo luận chuyên sâu trong buổi hội thảo. Một là cơ sở lý luận, pháp lý để triển khai mô hình Công đoàn chuyên ngành; Hai là đã đi sâu vào những khó khăn vướng mắc trong thực hiện, triển khai mô hình Công đoàn chuyên ngành, còn lẫn giữa Liên đoàn Lao động các địa phương cũng như sự phối hợp còn chưa được nhiều... Ba là một số đơn vị đã nêu ra những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đây là những ý kiến rất sâu sắc bởi hoạt động đoàn thể không chỉ đảm bảo tâm tư, nguyện vọng của người lao động ở mặt vật chất và chính trị mà còn cả về tình cảm, tinh thần, văn hoá...
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá: “Nghị quyết 02 là cơ hội vàng để củng cố Công đoàn ngành. Đầu tiên là tiếp tục phát triển công đoàn 4+, kết hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành. Khi nói về tác động tới từng hệ thống, cần củng cố và phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả của công đoàn địa phương. Sau đó là thí điểm thành lập công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty theo hướng tập trung tinh gọn hiệu quả. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn mở linh hoạt”.
Theo ông Hiểu, xu hướng chung của thế giới là công đoàn ngành, thậm chí nói đến công đoàn tỉnh, nhiều nước không hiểu. Ví dụ, tại Úc có công đoàn ngành, nhưng địa phương quản lý ngành chứ không phải địa phương giống như Việt Nam. Trong bối cảnh mới khi thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, họ chỉ thành lập công đoàn ngành. Đây là một sự cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
“Tôi quan điểm rằng, ngành đặc trưng rõ ràng thì phải về ngành, từ đó đưa ra những tiêu chí phù hợp”, ông Hiểu đánh giá. Bên cạnh đó, ông Hiểu còn cho rằng, cần thành lập công đoàn điện tử bởi số công nhân trong ngành điện tử hiện nay đang rất lớn.
Bế mạc Hội thảo, ông Tú đã ghi nhận các ý kiến từ nhiều đơn vị hôm nay đã tập trung thể hiện nguyện vọng, mong muốn làm rõ nét mô hình hoạt động chuyên ngành để phát huy vai trò gắn kết chuyên môn với hoạt động Công đoàn.
Mục tiêu chính vẫn là chăm lo đoàn viên và đảm bảo mục đích chính đáng của người lao động, đoàn viên trong tổ chức công đoàn. Đồng thời, tổ chức công đoàn nào cũng mong muốn thực hiện vai trò, sức mệnh động viên, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như làm tốt chuyên môn ở mỗi vị trí của mình.
Qua đây, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thay mặt các đơn vị đưa ra hai kiến nghị chính. Một là, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai đề án làm thí điểm mô hình xuyên suốt, từ đó đánh giá tính khách quan, khoa học và cần thiết. Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa công đoàn chuyên ngành với liên đoàn các địa phương. Từ đó như một văn bản quy định, buộc các tổ chức phải chấp hành để phối hợp thực hiện.