Hàng trăm phụ huynh có con học tại Học viện Múa Việt Nam đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí vì con em họ tốt nghiệp ra trường nhưng không được cấp bằng văn hóa lẫn bằng nghề.
Gần 300 học viện của Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng sau nhiều năm đào tạo. |
Kể về sự việc nhiều phụ huynh bức xúc cho hay, trong suốt quá trình học tại đây, con em họ ngoài học múa, vẫn học các môn theo đúng chương trình PTCS, PTTH, cũng có các kỳ kiểm tra, thi học kỳ văn hóa đều đặn từ lớp 6 đến lớp 12. Vậy mà khi tốt nghiệp học sinh không được cấp bất kỳ bằng cấp nào.
Đơn kêu cứu của nhiều phụ huynh được gửi tới nhà trường song mọi sự hồi đáp chỉ là chờ đợi. Chỉ sau khi sự việc một thí sinh sau khi trúng tuyển vào Đại học Sân khấu điện ảnh bị trả lại hồ sơ vì không đủ bằng cấp theo quy định khiến dư luận, báo chí vào cuộc mạnh mẽ thì lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam mới chịu chất vấn.
Theo lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam, nguyên nhân khiến hàng trăm học sinh bị "mắc kẹt" vì bằng cấp là do trường Cao đẳng Múa Việt Nam trước đây (nay là Học viện Múa Việt Nam) đã không đăng ký đào tạo đầu vào trung cấp với Bộ GD&ĐT mà chỉ đăng ký đầu vào là hệ cao đẳng. Vì vậy, 273 học sinh đã và đang học theo hệ liên thông trung cấp lên cao đẳng đã không có bằng tốt nghiệp trung cấp.
Đồng thời, lãnh đạo trường này cũng thừa nhận việc học sinh không được cấp bằng là “lỗi kỹ thuật”, là “quên” của nhà trường khi triển khai thực hiện.
Vụ việc trường Đại học Sân khấu điện ảnh không nhận hồ sơ thí sinh trúng tuyển, theo lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam đó là trách nhiệm của trường đại học, không liên quan tới Học viện Múa Việt Nam.
Là cơ quan chủ quản của Học viện Múa Việt Nam, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận, để xảy ra kiến nghị của phụ huynh học sinh có một phần trách nhiệm của Học viện Múa Việt Nam đã không giải thích cặn kẽ những vướng mắc cho phụ huynh và học sinh.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Học viện Múa Việt Nam phải thông tin rõ về những thay đổi trong quá trình đào tạo của nhà trường đến phụ huynh và học sinh. Đồng thời trường phải quán triệt nội bộ, nghiên cứu, nắm rõ những quy định hiện hành về giáo dục và đào tạo; chú trọng thông tin đầy đủ trong quá trình làm công tác tuyển sinh.
Theo lời của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Học viện Múa Việt Nam thì lỗi của nhà trường chỉ là “không giải thích rõ ràng, cặn kẽ” về những thay đổi trong đào tạo của nhà trường hay là "lỗi kỹ thuật" giống như một văn bản chỉ đạo sai thì lỗi do nhân viên đánh máy.
Lỗi này xét ra quả thực giản đơn, nhưng lỗi đó được đánh đổi bằng 7 năm học tập, 7 năm tuổi trẻ của gần 300 học sinh, cũng đồng nghĩa với 7 năm vất vả lo toan cả tiền bạc và thời gian của các bậc cha mẹ.
Vậy với lỗi được xem là nhỏ nhặt ấy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tương lai mờ mịt của các em? Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Múa Việt Nam, cơ quan nào sẽ là chiếc phao cứu sinh?
Từ sự giải thích, biện bạch của lãnh đạo nhà trường, dư luận đặt dấu hỏi về sự mập mờ, không rõ ràng, không minh bạch của nhà trường trong chiêu sinh và đào tạo để ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng trăm học viên.
Để “chữa cháy” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đến Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, cho phép Học viện Múa Việt Nam cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh đã hoàn thành Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của Học viện.
Đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép Học viện cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT trong Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành múa.
Muộn còn hơn không, hy vọng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng gần 300 học sinh của Học viện Múa Việt Nam sẽ có một vé để bước vào cánh cửa tương lai chứ không phải bơ vơ, hoang mang, bất an như hiện tại.
Bản thân Học viện Múa Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc với vài lời giải thích, biện minh mà cần cùng với các cơ quan chức năng tìm kiếm giải pháp để khắc phục cho lỗi quên tai họa này. Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận sai phạm, chứ không phải đá quả bóng trách nhiệm cho cơ sở khác.