Thời sự
Những trường đại học xét tuyển học bạ THPT
D.Ngân - 30/03/2021 09:01
Trong phương án tuyển sinh đại học năm 2021, nhiều trường đã lựa chọn phương án xét tuyển dựa trên học bạ THPT.
Các trường đại học dành lượng lớn chỉ tiêu cho phương án xét tuyển theo học bạ THPT

Rộng cửa

Đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển thí sinh là học sinh giỏi 5 học kỳ 3 năm THPT các lớp hệ chuyên thuộc trường chuyên của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc của các trường đại học và có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của 2 môn (Toán và 1 môn bất kỳ) đạt từ 14 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên.

Học viện Tài chính xét tuyển thí sinh có điểm trung bình 5 học kỳ THPT đạt từ 6.5 điểm trở lên. Đồng thời, tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12 trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 21 điểm trở lên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 hoặc 12 của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 18 trở lên. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình ba môn và điểm ưu tiên (nếu có).

Học viện Báo chí tuyên truyền tuyển 30% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển học bạ. Cách tính điểm xét tuyển có sự khác nhau giữa các ngành.

Trường ĐH Giao thông Vận tải tuyển thí sinh có tổng điểm trung bình ba môn học trong tổ hợp xét tuyển ở lớp 10, 11, 12 và điểm ưu tiên từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên, trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5.

Trường Đại học Phenikaa dành 40% của tổng 3.767 chỉ tiêu đào tạo cho phương thức xét tuyển học bạ. Theo đó, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển: Tổng điểm trung bình cộng lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên.

Đối với nhóm ngành Ngôn ngữ (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc) cần thêm điều kiện điểm trung bình cộng lớp 10, lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 của môn Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) đạt từ 6,5 trở lên;

Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của tổ hợp môn xét tuyển, cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực theo quy định của Bộ GD&ĐT, cộng điểm tiếng Anh theo quy định của trường Đại học Phenikaa

Học viện Chính sách và Phát triển xét thí sinh có điểm trung bình cộng của điểm trung bình chung học tập ba học kỳ (hai kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và điểm ưu tiên từ 7 trở lên (riêng ngành Quản lý nhà nước từ 6,5).

Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đưa ra 4 phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét học bạ THPT. Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào tất cả các ngành (trừ ngành thi năng khiếu), miễn có điểm trung bình từng môn trong tổ hợp xét tuyển của 3 năm THPT đạt từ 6 trở lên.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Trường ĐH Điện lực bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT từ ngày 25/1 đến 18/6. Thí sinh muốn xét tuyển phải có điểm trung bình chung của các môn học trong tổ hợp dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6.

Nhà trường sẽ cập nhật và thông báo kết quả sơ tuyển đợt 1 trên website tuyển sinh trước ngày 30/6. Các thí sinh đạt kết quả sơ tuyển sẽ chính thức trúng tuyển nếu tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm 2021 có thể xác nhận nhập học và nhập học ngay sau khi có kết quả sơ tuyển.

Trường ĐH Luật Hà Nội tuyển sinh theo nhiều phương thức, trong đó bao gồm phương thức xét tuyển theo học bạ THPT.

Trường sẽ xét tuyển thí sinh các trường THPT chuyên/ trường THPT trọng điểm quốc gia chất lượng cao có hạnh kiểm loại Tốt, có học lực loại Giỏi trở lên cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12, trong đó kết quả học tập học kỳ I lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 7.5.

Ngoài ra, Trường cũng xét tuyển thí sinh các trường THPT khác có hạnh kiểm loại Tốt, có học lực loại Giỏi trở lên cả năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12, trong đó kết quả học tập học kỳ I lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển phải từ 7.5 điểm.

Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp A00 và C00 thì điểm trung bình học tập môn tiếng Anh trong cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và học kỳ I của lớp 12 phải từ 7 điểm.

Trường ĐH Mỏ - Địa chất sử dụng phương thức xét học bạ với tỉ lệ 6 - 10%. Trường yêu cầu thí sinh đạt hạnh kiểm khá trở lên, có tổng điểm trung bình ba môn theo tổ hợp của cả năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12 từ 18 điểm trở lên.

Học viện Ngoại giao tuyển sinh theo kết quả học tập THPT. Thí sinh cần đáp ứng các điều kiện: Là học sinh trường THPT chuyên hoặc trường THPT trọng điểm quốc gia; có tên trong danh sách tham gia kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố lớp 10, lớp 11 hoặc lớp 12 các môn trong tổ hợp môn xét tuyển của Học viện (Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp);

Thí sinh phải có tên trong danh sách dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3/5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên.

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải dành tối đa 40% trong tổng số 3.000 chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ. Với phương thức này, trường chỉ xét dựa vào tổng điểm của tổ hợp xét tuyển môn học lớp 12 hoặc điểm trung bình chung lớp 12.

Căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2020, cả nước có hơn 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với khoảng 2,5 triệu nguyện vọng. Cả nước có tổng số 467.000 thí sinh trúng tuyển đại học, trong đó có hơn 390.000 thí sinh trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản được giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích, ủng hộ các trưởng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển.

Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các trung tâm khảo thí độ lập cùng phồi hợp xây dựng ngân hàng đề thi và thống nhất các phương thức, chuẩn về đề thi, đảm bảo chất lượng và tạo thuận lợi cho thí sinh.

PGS.TS.Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, hầu hết các trường vẫn đang sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tin cậy trong xét tuyển đại học.

Dự báo, trong năm 2021, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức hữu hiệu của nhiều trường đại học. Tuy nhiên, một số ý kiến từ các trường đại học cho rằng nên tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT để thuận tiện cho công tác xét tuyển của các trường. Ngoài ra, cũng cần tính đến việc xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập.

Lãnh đạo ĐH Y Hà Nội nêu quan điểm, năm 2020 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến học sinh trên cả nước, do đó đề thi ra ở mức vừa phải.

Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh phần nào ổn định hơn, học sinh đi học bình thường, đề thi cũng cần có tính phân hóa cao hơn để thuận lợi hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh.

Ở một góc nhìn khác, GS.Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, năm 2021 trường tái khởi động kỳ thi đánh gia năng lực, nhiều trường đại học phát huy tinh thần tự chủ, có các phương án tuyển sinh chung và riêng.

Tuy nhiên, GS.Đức cho rằng, trong lộ trình dài hơn, cần hình thành các trung tâm khảo thí độc lập, trong đó đề thi có mức độ tương đương nhau, có mặt bằng chung. Bộ GD&ĐT giữ vai trò giám sát chung.

Lãnh đạo Học viện Tài Chính cũng ủng hộ việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, song  băn khoăn nếu thời gian tới, nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực sẽ tạo ra sự không đồng nhất giữa các trường, “trăm hoa đua nở”. Do vậy, cần gộp các trung tâm khảo thí riêng lẻ, tạo ra sự thống nhất trên cả nước, hoặc thành lập các trung tâm khảo thí lớn lại các vùng.

Tin liên quan
Tin khác