100 doanh nhân trẻ của 6 tỉnh miền núi Tây Bắc tham gia Tọa đàm Giải pháp phát triển phong trào doanh nhân trẻ Tây Bắc |
Năm 2015, Cụm Doanh nhân trẻ miền núi Tây Bắc Bộ đã được thành lập. Khi đó, mục tiêu được xác định là đẩy mạnh hoạt động kết nối theo khu vực, giúp hội doanh nhân trẻ các địa phương, các ngành tăng cường giao lưu, hợp tác, từ đó đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động tổ chức hội và phong trào doanh nhân trẻ tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, sau một thời gian hoạt động, Cụm Doanh nhân trẻ miền núi Tây Bắc phát triển yếu, không thực hiện được các mục tiêu ban đầu.
“Hội mạnh được hay không là do thủ lĩnh. Có phải đây là lý do của Cụm”, ông Vương đặt vấn đề.
Cũng phải nói thêm, trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân trong khu vực, trong đó có các doanh nhân thuộc các hội doanh nhân trẻ các tỉnh đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. Số doanh nghiệp tăng cả về số lượng và năng lực sản xuất.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển thuận lợi của môi trường kinh doanh khu vực.
Mặc dù vậy, ông Đỗ Duy Liên, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hoà Bình cho rằng, thực trạng kinh tế của các địa phương chưa mạnh nên cũng hoạt động của hội cũng khó phát triển. Việc thu hút kết nạp hội viên mới rất khó.
“Câu hỏi chúng tôi hay nhận được là tham gia hội được gì. Vì vậy, chúng ta phải làm được những việc thiết thực cho hội viên, chẳng hạn việc tiếp cận vốn và khẩu thẩm định của các ngân hàng sẽ được thuận lợi. Hoặc tăng cường sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau, có cơ chế ưu đãi”, ông Liên nói.
Đây là những phần việc là Hội Doanh nhân trẻ Yên Bái đang làm để thu hút hội viên. Ông Bùi Thanh Dân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Yên Bái ví dụ, Hội kịp thời có kiến nghị về về chính sách thuế, lệ phí khoáng sản, nhờ vậy có doanh nghiệp đã giảm được mức nộp từ 1 tỷ đồng xuống còn 200 triệu đồng. Hay kịp thời kiến nghị giảm lãi suất… “Hội đã tích cực tham vấn chính sách cho chính quyền địa phương, đảm bảo quyền lợi của hội viên. Hiện nay, mỗi một năm Hội có kế hoạch kết nạp khoảng trên 10 hội viên, quan điểm của chúng tôi là phát triển bền vững”, ông Dân nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, thành lập hội thì dễ, nhưng để giữ lửa cho phong trào là việc khó, cần sự chung tay vun đắp của tất cả thành viên.
“Đây là một trăn trở không nhỏ của UBTW Hội cũng như của tất cả các Hội, hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam”, ông Hồng Anh nói.
Chính vì vậy, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang tập trung vào những giải pháp để hỗ trợ sự phát triển phong trào chung.
Cụ thể, Hội đang nâng cấp trang Web, xây dựng App, nhằm tích hợp hoạt động Hội của 63 tỉnh/thành phố, 4 ngành và hơn 10.000 hội viên. Đây là nền tảng để các hội viên chia sẻ kiến thức kinh nghiệm điều hành; lắng nghe ý kiến của các hội viên trong từng lĩnh vực về các cơ chế chính sách vướng mắc, qua đó kịp thời kiến nghị gửi tới các bộ ngành, chính quyền địa phương tháo gỡ.
“Đây cũng là nền tảng để các hội viên trao đổi với các định chế tài chính, tìm kiếm nguồn vốn với các điều kiện, tiêu chí tốt hơn so với bình thường. Các hội viên cũng có thể gắn kết giao thương, sử dụng sản phẩm dịch vụ lẫn nhau, nhất là các chương trình khuyến mại”, ông Hồng Anh cho biết.
Đặc biệt, để thúc đẩy hoạt động Hội, UBTW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động đào tạo nâng cao năng lực của các văn phòng hội địa phương, đưa KPI áp dụng cho thường trực và lãnh đạo các Hội địa phương.