Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó trưởng Ban tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam 2020 tổ chức Hội nghị lần 2. Đây là công việc cuối cùng để chuẩn bị cho các cuộc so tài của các thí sinh bắt đầu từ hôm nay (30/3).
Ban Tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã đưa ra những giải pháp nhanh, kịp thời, phù hợp, đảm bảo công tác thi diễn ra đúng tiến độ, công bằng và đạt chất lượng.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, Hà Nội có 4 Hội đồng thi diễn ra tại 5 điểm trường là: Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Xây dựng Công trình đô thị; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Tại tỉnh Lạng Sơn có 1 hội đồng thi, diễn ra tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc.
Do kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn chưa kết thúc nên Ban tổ chức đã bổ sung thêm các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra thi.
"Mặc dù tình hình dịch bệnh có lắng xuống nhưng các hội đồng thi, chuyên gia, thí sinh không được chủ quan, các hội đồng thi cần bố trí cán bộ y tế và các phương tiện phòng dịch chu đáo", bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó trưởng ban Tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam đưa ra chỉ đạo.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 11 có 50 đơn vị đến từ các bộ, ngành, tập đoàn, hiệp hội, công ty… thuộc 43 tỉnh thành tham gia với hơn 505 thí sinh dự thi ở 34 nghề.
Năm nay, đề thi được xây dựng tiệm cận với kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN nên thời gian thi được tăng lên từ 12 đến 15 tiếng thay vì không quá 8 tiếng như trước đây.
Kỳ thi sẽ giúp tìm ra những thí sinh xuất sắc để tiếp tục huấn luyện để tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới dự kiến diễn ra vào năm 2021.
Trước đó, Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chuyên gia kỹ thuật và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin kỳ thi kỹ năng nghề (CIS). Qua tập huấn, các chuyên gia bên cạnh việc đáp ứng kinh nghiệm và năng lực chuyên môn còn đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ những quy định, đặc biệt là những nội dung mới về kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, ASEAN và thế giới và nắm chắc các nhiệm vụ của chuyên gia tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. Việc tổ chức tập huấn thành công góp phần đảm bảo tính chuyên môn, chuyên nghiệp cũng như tạo dựng "ngân hàng" các chuyên gia có kinh nghiệm cho kỳ thi này cũng như các kỳ thi sau.