Ngày 28/10/2022, Hội thảo quốc tế các nhà khoa học trẻ (ICYREB 2022) lần thứ 8 đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học về kinh tế trong và ngoài nước. Tại đây, các nhà khoa học trẻ có cơ hội được trình bày, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới của mình và được lắng nghe các đóng góp chuyên sâu từ hội đồng chuyên môn, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, là trường đại học nghiên cứu hàng đầu về kinh tế và kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu với các nhà nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế.
“Hội thảo ICYREB 2022 được coi là một trong những hoạt động này. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không chỉ tạo điều kiện để các giảng viên chia sẻ các luận điểm khoa học mà còn nhằm tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ tiếp tục say mê nghiên cứu, cống hiến cho sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.
Hội thảo quốc tế các nhà khoa học trẻ (ICYREB 2022) lần thứ 8 thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà khoa học. |
Với chủ đề “Sức chống chịu, khả năng phục hồi & tăng trưởng của nền kinh tế”, Hội thảo đã nhận được trên 200 bài viết và sau 2 vòng phản biện bởi hội đồng chuyên môn đã có 118 bài nghiên cứu được chọn để xuất bản trong kỷ yếu, trong đó có 60 bài được trình bày tại các phiên toàn thể và các tiểu ban, với 5 chủ đề chính là: (1) Tài chính; (2) Quản trị thông tin/quản trị hệ thống; (3) Quản trị kinh doanh; (4) Kinh tế học; và (5) Nghiên cứu khu vực, quy hoạch và môi trường.
Các bài nghiên cứu đều mang hàm lượng khoa học và thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận các nội dung về khả năng phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ngoài các nhà khoa học trẻ trong nước, Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm viết bài của các tác giả đến từ Bỉ, Nga, Hàn Quốc… Nhiều bài viết đã cho thấy được năng lực nghiên cứu tốt của các nhà khoa học trẻ với việc áp dụng chặt chẽ phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, cấu trúc logic, lập luận chặt chẽ và có luận cứ vững vàng.
Các nhà khoa học trẻ đã thể hiện sự hiểu biết và nghiên cứu nghiêm túc của mình về các chủ đề chính và nhận được rất nhiều những phản biện thẳng thắn từ các nhà khoa học, những nhà hoạch định chính sách cũng như đại diện các doanh nghiệp.
Theo GS. Lê Văn Cường (Paris School of Economics), Hội thảo lần này thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều nhà nghiên cứu trẻ, các bài tham luận mang hàm lượng khoa học cao, tiếp cận trực tiếp đến những vấn đề căn bản và cấp bách của khởi nghiệp trẻ của Việt Nam nói riêng, các nước trên thế giới nói chung.
“Tôi rất vinh dự được tham dự và chứng kiến sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ nước nhà và tôi hy vọng sẽ luôn được đồng hành cùng với các nhà khoa học của Việt Nam nói chung, của Trường Đại học Kinh tế nói riêng trong việc chia sẻ các công trình nghiên cứu và các bài giảng dành cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu về kinh tế”, GS. Cường nói.
Kết thúc hội thảo, 05 bài nghiên cứu đã được hội đồng chuyên môn trao giải “Best paper award”, bao gồm: Early Warning Model for Commercial Banks in Vietnam (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN); Exchange rate misalignment: an application of the behavioral equilibrium exchange rate to Vietnam (ĐH Kinh tế Quốc dân); Cost and benefit analysis of adaptation methods to climate change. A case of saltwater intrusion in Central Coastal region of Vietnam (ĐH Kinh tế Huế); The impact of corporate social responsibility on strategic objectives: Evidence from Vietnam (Học viện Ngân hàng); The effect of mobile banking applications' design feature on perceived aesthetics, psychological engagement, and behavioral intention (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng).