Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) cho thấy những người Mỹ trẻ tuổi, giàu có đang ngày càng quay lưng lại với các tài sản truyền thống. Nghiên cứu được thực hiện với hơn 1.000 người tham gia thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau, sở hữu tài sản từ 3 triệu USD trở lên.
Theo cuộc khảo sát, các kết quả cho thấy khoảng cách thế hệ ngày càng sâu sắc giữa các nhà đầu tư Gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) và Millennial (sinh năm 1981 đến 1996) với những người thuộc thế hệ trước đó. Gần 3/4 số người Mỹ trẻ tuổi nói rằng chỉ riêng cổ phiếu và trái phiếu không thể mang lại cho họ lợi nhuận trên mức trung bình, cũng như tương lai của sự giàu có ngày càng phụ thuộc vào nhiều khoản đầu tư thay thế khác.
Drew Watson, người đứng đầu bộ phận dịch vụ nghệ thuật tại Ngân hàng Hoa Kỳ, cho biết: “Thế hệ Millennials và Gen Z có xu hướng quan tâm đến các tài sản thay thế”.
Theo như nghiên cứu này, 94% Gen Z và thế hệ Millennials quan tâm đến các món đồ mang tính sưu tầm, như đồng hồ, trang sức hay rượu mạnh phiên bản giới hạn. Họ cũng thể hiện sự hứng thú với những chiếc xe hơi quý hiếm, đồ cổ, giày thể thao và các tác phẩm nghệ thuật.
Dù theo đuổi chiến lược đầu tư tích cực, ôn hòa, hay thận trọng, những nhà đầu tư trẻ tuổi có xu hướng phân bổ tỷ lệ ngang nhau cho cổ phiếu, trái phiếu, tiền điện tử và các tài sản thay thế.
Vào tháng 1/2024, một báo cáo từ Bain & Co. cũng tiết lộ rằng đến năm 2030, Gen Z, thế hệ sẽ sớm trở thành những người giàu có nhất thế giới, dự kiến chiếm 25% đến 30% lượng mua hàng ở thị trường xa xỉ, trong khi thế hệ Millennials sẽ chiếm 50% đến 55%.
Các tác giả của báo cáo này nói thêm rằng: “Thị trường đồ trang sức trên toàn cầu đã đạt giá trị 30 tỷ Euro vào năm 2023, trong đó đồ trang sức cao cấp trở thành điểm sáng đầu tư giữa bối cảnh thế giới đầy bất định. Đồng hồ đeo tay cũng là một kênh đầu tư ngày càng được quan tâm”.
Với thị trường tranh nghệ thuật, khảo sát của Ngân hàng Hoa Kỳ cho thấy rõ ràng rằng Gen Z và thế hệ Millennials muốn biến việc “thưởng tranh” thành một lối sống. Bởi thế, họ sẵn sàng mua tranh hoặc hiến tặng những bức tranh quý giá cho các tổ chức nghệ thuật một cách phi lợi nhuận.
Cụ thể, 56% những người trong 2 nhóm tuổi này cho biết họ sẽ tiếp tục đa dạng hóa bộ sưu tập tranh nghệ thuật của mình, 32% sẽ tặng một hoặc một vài tác phẩm cho các bảo tàng hoặc tổ chức tư nhân, và 26% khẳng định sẽ chia sẻ một số tác phẩm với các tổ chức phi nghệ thuật.
Không chỉ có tư duy đầu tư khác với những thế hệ đi trước, Gen Z còn bắt đầu đầu tư sớm hơn và duy trì thái độ tích cực hơn về tình hình tài chính của mình. Ngay cả khi niềm tin của họ vào các kênh đầu tư truyền thống suy yếu, hơn một nửa số người Mỹ trẻ tuổi trong cuộc khảo sát vẫn đánh giá nền kinh tế Mỹ hiện “rất tốt” hoặc “xuất sắc”. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi tỷ lệ của những người Mỹ thuộc thế hệ trước.
Đặc biệt hơn, với giới trẻ, mạng xã hội là nguồn cung cấp tin tức tài chính, giáo dục và tham khảo hàng đầu, trong khi thế hệ lớn tuổi vốn ưa chuộng các kênh tin tức truyền thống
“Một nửa số người trẻ thích xem nội dung tài chính từ mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này có thể khiến các thông tin, lời khuyên chưa được kiểm chứng lan truyền dễ dàng, trà trộn vào các nguồn tin đã được xác minh”, báo cáo khẳng định.