Một khách sạn 3 sao trên khu phố cổ Hà Nội |
Xu hướng nâng cấp chất lượng
Thời gian qua, Hà Nội chào đón sự trở lại của nhiều khách sạn 5 sao, điển hình như Movenpick Hà Nội đã mở cửa sau thời gian bảo trì. Thị trường cũng đang có sự hiện diện của nhiều dự án 5 sao khác như The Ritz Cartion, L7 Westlake, Four Seasons...
Những tín hiệu trên khiến các chuyên gia tư vấn nước ngoài cho rằng, các chủ đầu tư khách sạn ở Hà Nội đang có xu hướng chuyển dịch hoặc nâng cấp lên phân khúc 4 và 5 sao.
Dẫn số liệu từ Savills cho thấy, tính đến hết quý I/2024, Hà Nội có 67 dự án khách sạn với tổng quy mô 11.120 phòng, giảm nhẹ so với quý cuối năm ngoái sau khi 2 dự án không còn được xếp hạng 3 sao. Song, nếu so với quý đầu năm 2023, nguồn cung trong quý I năm nay vẫn tăng 8% nhờ 2 dự án chính thức được cấp hạng 4 sao và 4 dự án được cấp hạng 5 sao.
Việc đóng cửa nguồn cung kém chất lượng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là tốt hơn cho thị trường. Báo cáo của Savills nhấn mạnh, không có dự án 3 sao dự kiến đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới. Thay vào đó, 9 dự án 5 sao sẽ chiếm 76% thị phần nguồn cung tương lai và các dự án 4 sao sẽ chiếm 24%. Tổng cộng 13 dự án ra mắt từ năm 2024 đến 2026 sẽ cung cấp cho thị trường 2.896 phòng khách sạn.
Trong đó, nguồn cung nội địa mới gồm 1.179 phòng đến từ 6 dự án. Còn 7 dự án quốc tế sẽ cung cấp 1.177 phòng, với các nhà vận hành nổi bật là Hilton chiếm 25% thị phần và Fusion chiếm 17%. Phần lớn dự án mới nằm ở khu vực nội thành, với 1.732 phòng từ 8 dự án, tương đương 60% thị phần.
Xét về hiệu quả hoạt động, trong quý đầu năm nay, giá thuê khách sạn trung bình tại Hà Nội tăng 2% theo quý và 11% theo năm. Nhờ lượng khách du lịch phục hồi, công suất cho thuê cũng đạt tới 65%, tăng 1% theo quý và 7% theo năm.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong quý I đạt 6,5 triệu lượt, tăng 11% theo năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, tăng đến 40% theo năm và lượng khách nội địa đạt 5,1 triệu lượt, tăng 5%. Doanh thu từ khách du lịch đạt 25.500 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, các chỉ số du lịch quốc gia đang tiếp tục được cải thiện. Thị trường vẫn còn cơ hội để phát triển khi con số này mới chỉ bằng 87% so với năm 2019.
Khách sạn 3 sao phố cổ luôn “hot”
Mặc dù một số chuyên gia nhận định là phân khúc khách sạn 3 sao tại thị trường Hà Nội sẽ dần thu hẹp, nhưng thực tế, các môi giới ở khu vực này cho biết, thị trường bất động sản khu vực phố cổ Hà Nội luôn dẫn đầu về sự đắt đỏ, xu hướng còn không ngừng tăng cao. Thậm chí, có những thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), chỉ trong 3 tháng, giá nhà phố cổ tăng 200%, có nơi tăng đến 400%. Ngay cả trong đại dịch, việc chuyển nhượng ở khu vực này rất ít. Chỉ những người đang gặp khó khăn về tài chính mới rao bán, nhưng giá cũng “trên trời”.
Chị Lê Kiều Trang, chủ một khách sạn 3 sao trên ngõ Thọ Xương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, do đầu tư nhiều nơi, gặp khó khăn về nguồn vốn nên chị quyết định rao bán khách sạn rộng hơn 250 m2, có 6 tầng với giá 280 tỷ đồng. Quy mô 15 phòng kinh doanh, đầy đủ nội thất cao cấp, 2 thang máy, kèm theo đủ tiện ích.
Cũng rao bán một khách sạn tại phố cổ với lý do chủ nhà đang nợ vay ngân hàng, gặp áp lực tài chính, anh Hoàng Văn Đạt (quản lý khách sạn) cho hay, khách sạn có 8 tầng, 23 phòng. Trong đó, có 2 phòng hội nghị, 1 phòng gym, massage, chủ nhà đang chào bán với giá 380 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Dự, một môi giới nhà đất chuyên ở khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, anh mới đăng 4 tin rao bán tòa nhà khách sạn ở phố Hàng Chuối, Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), quy mô 5-10 tầng, diện tích 350 - 900 m2, giá từ 188 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng.
Lý giải việc giá mua bất động sản phố cổ vì sao lại cao đến vậy, anh Dự cho hay, kinh doanh tại đây rất thuận lợi, chỉ riêng việc cho thuê cũng đủ để gia đình 5-6 người sống sung túc. Đồng thời, nhà tại phố cổ thông thường đã “hiếm” nên “quý”, những ngôi nhà có diện tích lớn, kinh doanh khách sạn lại càng hiếm. Khách tây khi du lịch Hà Nội thường thuê khách sạn ở phố cổ để tiện di chuyển, thăm viếng các di tích, thắng cảnh của Thủ đô. Ngay cả khi kinh tế suy thoái như thời năm 2008, nhà đất ở phố cổ vẫn luôn hút khách săn tìm.
Trong xu hướng nâng cấp chất lượng cơ sở lưu trú, các chủ đầu tư khách sạn khu vực phố cổ cũng cải tạo, sửa chữa, tăng cường tiện ích cho khách sạn để phục vụ khách thuê tốt hơn.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch, kiêm CEO của LuxGroup - đơn vị kinh doanh du lịch thường làm tour cho khách quốc tế, khách sạn đúng chuẩn 3 sao ở khu vực phố cổ Hà Nội đang thiếu nhiều. Các khách sạn mà LuxGroup đặt phòng cho khách quốc tế luôn kín phòng.
“Hiện giá thuê phòng khách sạn khu vực phố cổ đang tăng trở lại. Giá thuê phòng cho các tour khách của LuxGroup tăng 30% so với năm ngoái, khách thuê chủ yếu đến từ Đức, Tây Ban Nha, Italia”, ông Hà chia sẻ.