Ảnh minh họa. |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2023, với thị trường Mỹ, Việt Nam xuất khẩu 53,096 tỷ USD, nhập khẩu 8,052 tỷ USD; với thị trường Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu 30,844 tỷ USD, nhập khẩu 58,656 tỷ USD.
Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất - nhập khẩu, xuất - nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Xuất nhập khẩu với 2 thị trường này chiếm tới 40,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, Mỹ chiếm 16,3%, Trung Quốc chiếm 23,9%.
Xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ chiếm 27,2%, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm 15,8%.
Nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 37,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu từ Mỹ chiếm 4,5%; nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 32,9%.
Với cả thị trường Mỹ và thị trường Trung Quốc, Việt Nam vừa ở vị thế xuất siêu, vừa ở vị thế nhập siêu. Với Mỹ, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn nhất, lên đến 45,044 tỷ USD (chiếm tới 53,2% tổng mức xuất siêu với 55 thị trường). Với Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu tới 27,813 tỷ USD (chiếm tới 38,9% tổng mức nhập siêu với 30 thị trường).
Về mặt hàng chủ yếu, chỉ tính với 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì 2 thị trường này chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu 5 mặt hàng lớn. Trong đó, xuất khẩu vào Mỹ chiếm 31,3%, vào Trung Quốc chiếm 16%. Cụ thể:
Với máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, 2 thị trường này chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, thị trường Mỹ chiếm 28,5%, thị trường Trung Quốc chiếm 24,6%.
Với dệt may, 2 thị trường này chiếm 47,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 44,4%, thị trường Trung Quốc chiếm 3,2%.
Với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, 2 thị trường này chiếm 47,5% kim ngạch xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 40%, thị trường Trung Quốc chiếm 7,5%.
Với giày dép, 2 thị trường này chiếm 44% kim ngạch xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 35,2%, thị trường Trung Quốc chiếm 8,8%.
Với điện thoại và linh kiện, 2 thị trường này chiếm 42,1% kim ngạch xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 17,1%, thị trường Trung Quốc chiếm 25%.
Ngoài ra, 2 thị trường này còn chiếm tỷ trọng lớn đối với nhiều mặt hàng khác của Việt Nam, như sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, rau quả, hạt điều, cao su, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù…
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ và Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay giảm sâu hơn kim ngạch xuất nhập khẩu chung cả nước (-15,2% so với -13,9%); kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường này giảm sâu hơn kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước; kim ngạch nhập khẩu vào 2 thị trường này cũng giảm sâu hơn kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước.
Có thể thấy, thị trường Mỹ và Trung Quốc có vai trò quan trọng cả về quy mô xuất khẩu, nhập khẩu, xuất siêu và về tốc độ tăng... 7 tháng đầu năm, các chỉ tiêu trên với 2 thị trường này sụt giảm mạnh hơn so với các chỉ tiêu tương ứng của cả nước, nên đã kéo quy mô và tốc độ xuất nhập khẩu chung của cả nước bị giảm sâu. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các chỉ tiêu với 2 thị trường này đã có dấu hiệu hồi phục trở lại, góp phần kéo kết quả chung phục hồi theo.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào 2 thị trường này còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với quy mô nhập khẩu của 2 nước. Do vậy, cần khai thác tối đa lợi thế của 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế có quy mô lớn thứ nhất và thứ 2 trên thế giới, 2 nước có số dân đông (chiếm trên 20% dân số toàn cầu).
Trung Quốc là thị trường gần, có dân số đông, đã và đang bị thiệt hại lớn về nông nghiệp, lại chuyển chiến lược phòng chống đại dịch và chuyển hướng phương thức nhập khẩu từ Việt Nam…
Đối với thị trường Mỹ, giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khá rẻ (tính theo sức mua tương đương); số người Việt Nam tại Mỹ hiện có khoảng 2,5 triệu người, nên nhu cầu tiêu dùng hàng Việt rất lớn. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Mỹ còn là cầu nối trong hoạt động xuất, nhập khẩu, đầu tư…