Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Chọn trúng vấn đề cử tri quan tâm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong việc giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Các đại biểu biểu quyết thông qua kết luận vấn đề được giải trình. Ảnh: mediaquochoi |
Bài 1: Một phiên giải trình ấn tượng
“Mở màn” thực hiện hướng dẫn mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thực sự ấn tượng, từ khâu tổ chức đến “sức nặng” nội dung.
Từ khoảng trống pháp lý
Mới đây, ở Phiên họp thứ 35 (tháng 7/2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phản ánh, “cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng về tình trạng hút thuốc lá điện tử diễn ra trong các cấp học, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và việc học tập của học sinh”.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội (bế mạc ngày 29/6/2024), một số phiên thảo luận và chất vấn cũng ghi nhận những lo ngại của đại biểu Quốc hội về tác hại khôn lường của thuốc lá thế hệ mới (trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng).
Đó cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu tại nghị trường, bởi khoảng trống pháp lý trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được nhận diện từ khá lâu.
Gần 5 năm trước, vào tháng 10/2019, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2018 - 2019, Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xây dựng quy định, nhằm quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện, như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm khác. Tức là, yêu cầu quản lý mặt hàng mới chứa nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng này đã lọt vào “tầm ngắm” của những nhà lập pháp.
Hai năm sau, ở báo cáo thẩm tra hoàn thành vào tháng 10/2021 (việc thẩm tra nội dung trên được tiến hành 2 năm 1 lần), thuốc lá thế hệ mới không chỉ xuất hiện ngắn gọn ở phần kiến nghị nữa, mà được đặt thành vấn đề cần phải được quan tâm.
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, từ hơn 3 năm nay, trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs). Các sản phẩm này có hại cho sức khỏe và đặc biệt nguy hiểm đối với thanh thiếu niên do nguy cơ nghiện chất nicotine. Bên cạnh đó, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo kết quả một số cuộc điều tra được dẫn tại báo cáo thẩm tra, năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Cuối tháng 8/2021, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng theo hướng, đối với thuốc lá làm nóng, cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông như một sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Còn đối với thuốc lá điện tử, giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý thí điểm, trình Thủ tướng trong năm 2022.
Một tháng sau, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào Danh mục Hàng hóa cấm kinh doanh trong Phụ lục của Luật Đầu tư. Tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận kinh tế - xã hội, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cấm thuốc lá thế hệ mới.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, những năm gần đây, thuốc lá thế hệ mới đã tồn tại trên thị trường và chưa có biện pháp quản lý phù hợp. Cơ quan thẩm tra thể hiện rõ quan điểm “không nên cho thí điểm sản phẩm thuốc lá gây nghiện và có hại sức khỏe như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, càng không thể đưa sức khỏe người dân ra thực hiện việc thí điểm, nhất là khi chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, dự báo những tác hại gây ra”.
Việc cho phép nhập khẩu, lưu thông, sử dụng thuốc lá thế hệ mới là đi ngược lại mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia Phòng chống tác hại thuốc lá về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, theo khẳng định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Lần này, kiến nghị với Chính phủ từ Ủy ban Xã hội của Quốc hội mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là, trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, thì cần bổ sung hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào Danh mục Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư 2020.
Kiến nghị dành cho Bộ Y tế là chủ trì nghiên cứu, phối hợp việc đánh giá ảnh hưởng của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe; đề xuất giải pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe người dân, tương lai giống nòi.
Đến “khoảng trống” trách nhiệm
Hai năm rưỡi đã trôi qua. Đầu tháng 5/2024, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, các con số liên quan đến thuốc lá thế hệ mới trở nên nhức nhối.
Chưa đến 10 ngày sau phiên giải trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại Công điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công thương và các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể, nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tất cả những con số có thể đưa ra, tất cả các văn bản liên quan cho thấy khoảng trống pháp lý và cả khoảng trống trách nhiệm đều được đặt ra tại phiên giải trình được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam này.
Đặc biệt, nội dung gợi ý dung lượng hơn 7 trang đề cập khá đầy đủ trách nhiệm được giao của từng bộ, những việc đã làm/chưa làm được, cả những nội dung “khó hiểu” trong các văn bản một số bộ đã ban hành. Việc này đã giúp các đại biểu tham gia phiên giải trình dù chưa có điều kiện khảo sát thực tế, hay nghiên cứu sâu tài liệu, vẫn hình dung được bức tranh tổng thể, cũng như những “điểm nghẽn” về trách nhiệm, cần được tháo gỡ.
Rồi, càng đặt câu hỏi, càng nghe trả lời, thì khoảng trống trách nhiệm càng lồ lộ. Bộ Y tế kiên trì cấm thuốc lá điện tử, nhưng chưa đề nghị sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bộ Công thương muốn thí điểm quản lý các loại thuốc lá mới, nhưng cũng không giải trình được sự cần thiết phải đưa ra chính sách này.
Quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Nhưng điều đáng nói là, các bộ không ngồi lại để bàn bạc, thống nhất, cũng không kịp thời báo cáo Chính phủ. Chỉ đến khi tại phiên giải trình, trước các câu hỏi thẳng băng và “nói có sách, mách có chứng” của các vị đại biểu của dân, lãnh đạo Bộ Công thương mới hứa, “qua phiên giải trình này, sẽ báo cáo trung thực nhất các thông tin liên quan để xin ý kiến Chính phủ”.
Kết luận phiên giải trình được thông qua, khẳng định có khoảng trống pháp lý trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Một trong những nguyên nhân là quan điểm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa thống nhất, dẫn đến chậm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chậm ban hành văn bản pháp luật để quản lý và phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá mới.
Đồng thời, các cơ quan liên quan thiếu sự phối hợp chặt chẽ để tập trung giải quyết dứt điểm những hạn chế, vướng mắc, bất cập và đề ra giải pháp đồng bộ về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới, cũng như biện pháp hữu hiệu để cấm trẻ em sử dụng sản phẩm có hại cho sức khỏe này.
Với những thông điệp rõ ràng từ phiên giải trình, ở Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội, một số vị đại biểu tiếp tục chất vấn, “đòi” câu trả lời mạch lạc từ người đứng đầu Bộ Công thương về ứng xử với thuốc lá thế hệ mới.
Trước Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: “Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có hại sức khỏe tới mức phải cấm, thì Bộ Công thương ủng hộ là cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để các loại sản phẩm này không được lưu hành ở Việt Nam”.
(Còn tiếp)