Bầu Kiên khiếu nại bổ sung
Trong phiên xét xử chiều hôm qua, bị cáo Nguyễn Đức Kiên khi được thẩm vấn đã xin phép được trình bày đơn kháng cáo 118 trang. Đơn khiếu nại viết trong tù dài hơn 144 trang, trong đó 118 trang gửi TAND Tối cao, 26 trang gửi VKSND Tối cao.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, đơn của bị cáo dài 118 trang, Hội đồng xét xử đều nghiên cứu kỹ từng nội dung. 26 trang bị cáo gửi Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử cũng đã được nghiên cứu.
Bầu Kiên đọc bản khiếu nại bổ sung tại phiên xét xử ngày 1/12. Ảnh: Thu Trang. |
Bầu Kiên quay sang xin đọc đơn khiếu nại bổ sung: “Do tôi viết đơn ở trong trại, có thể có những sai sót, tôi xin được bổ sung lá đơn nói trên”, ông Kiên khẩn khoản.
Đề xuất này được HĐXX chấp thuận. Qua đơn bổ sung, ông Kiên tái khẳng định, 5 Cty của mình được thành lập theo đúng luật định.
“Quyết định mua cổ phần là ý chí của tập thể, không phải cá nhân tôi”, ông Kiên khẳng định.
“Trong nội dung phần Nhận thấy, tòa sơ thẩm đã không nhận thấy như sau: Các Cty được cấp phép đúng pháp luật và tính đến nay, các Cty này vẫn hoạt động bình thường. Chưa có bất cứ quyết định nào khác từ phía cơ quan chức năng”, lá đơn có đoạn.
Nguyễn Đức Kiên sau đó xin phép gửi đơn khiếu nại bổ sung, vì 118 trang viết trong trại giam khó đọc và có thể có trích dẫn không chính xác.
Tại tòa, bầu Kiên cho rằng, khẳng định mình không kinh doanh tài chính trái phép. Tòa nhiều lần phải nhắc nhở bị cáo này giữ bình tĩnh khi trình bày.
Thẩm vấn hành vi kinh doanh vàng trái phép
Về kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam, Nguyễn Đức Kiên bị quy kết đã dùng 6 công ty để kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính trái phép với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.
Bị cáo Kiên khẳng định, chỉ có 3 trường hợp kinh doanh vàng phải xin phép và Thông tư 1168 của Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rõ. Kinh doanh trạng thái giá vàng không nằm trong số các trường hợp phải xip phép mà Thông tư 1168 đã nêu.
“Không phải kinh doanh vàng nào cũng là kinh doanh có điều kiện”, bị cáo Kiên nói.
Cũng theo bị cáo này, Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hợp đồng số 17 giao dịch vàng trạng thái được ký kết giữa 2 đơn vị trong nước là ACB và Thiên Nam, trên tài khoản của Công ty Thiên Nam mở tại Ngân hàng ACB. Hợp đồng cũng không có điều khoản nào thể hiện Công ty Thiên nam cho phép ACB kinh doanh vàng ở nước ngoài thay mặt Công ty Thiên Nam.
Trong 2 năm thực hiện hợp đồng 2009 - 2010, kể từ khi Công ty Thiên Nam ký và nhận chuyển giao từ VietBank và tiếp tục thực hiện với ACB đến khi kết thúc đều là trạng thái âm. Kinh doanh trạng thái âm thì không phù hợp với tội Kinh doanh trái phép, bởi “tội mà tôi bị truy tố thì phải kinh doanh dương 500 triệu đồng” – bị cáo nói.
Số liệu 11.000 tỷ đồng mà cáo trạng nêu chỉ là trạng thái quy mô giao dịch, mà không phải là giao dịch mua bán bởi không có thanh toán nào được thanh toán, không có lượng vàng nào được chuyển giao trong 2009 - 2010.
Ngày 5/12/2009, Công ty Thiên Nam có cuộc họp HĐQT do bị cáo Kiên chủ trì, sau đó ra Nghị quyết với nội dung thông qua quy mô hạn mức giao dịch là 150.000 ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD và giao cho Nguyễn Đức Kiên thông báo lệnh qua điện thoại.
Tại phiên tòa, Nguyễn Đức Kiên trình bày, việc ký hợp đồng với ACB là thẩm quyền của Tổng giám đốc Lê Quang Trung (đã mất – PV), không cần thông qua HĐQT. Kiên chỉ là người thông báo lệnh mua bán của Công ty Thiên Nam đến ACB thay cho ông Trung, bởi hệ thống giao dịch qua điện thoại, nhân viên ACB không nhận ra giọng nói của ông Trung, nên mới chuyển sang bị cáo Kiên thông báo.
Kiên nhận phiếu lệnh bằng văn bản từ ông Lê Quang Trung và thông báo lệnh đến ACB. Sau đó, chính phiếu lệnh này được chuyển sang ACB để xác nhận lệnh.
Bị cáo khẳng định, nếu không có phiếu lệnh của ông Lê Quang Trung mà chỉ có thông báo lệnh bằng giọng nói của bị cáo thì giao dịch bị dừng lại ngay lập tức để các bên thẩm định lại.
Trước đó, trong phiên xét xử buổi sáng, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục làm rõ hành vi kinh doanh vàng trái phép.
Tại phiên xét xử, Công ty Thiên Nam khẳng định, vẫn giữ nguyên kháng cáo cho rằng, Công ty không kinh doanh trái phép.
Trước đó, tòa cấp sơ thẩm xác định, Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng vẫn ký hợp đồng để thay thế VietBank thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với ACB.
Người đại diện Công ty Thiên Nam thực hiện giao dịch vàng tài khoản là Nguyễn Đức Kiên thông qua hệ thống ghi âm tại Ngân hàng ACB. Từ ngày 30/11/2009 đế 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã giao dịch tổng cộng hơn 462.000 ounce vàng, tương đương 9.796 tỷ đồng. Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với ACB.
Tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã hỏi những người có liên quan để làm rõ về hành vi kinh doanh giá vàng của bị cáo Kiên tại Công ty Thiên Nam. Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bị cách ly.
Theo lời khai của những người bị thẩm vấn, HĐQT Công ty Thiên Nam đã ủy quyền cho ông Kiên thực hiện giao dịch qua hệ thống điện thoại ghi âm tại ngân hàng ACB.
Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó tổng giám đốc ACB khai, việc giao dịch đặt lệnh qua điện thoại, Nguyễn Đức Kiên là người đặt lệnh. Ngoài ông Kiên ra không còn có ai khác làm việc này. Giao dịch diễn ra ngoài giờ làm việc Việt Nam. Nhân viên công ty thông báo khách hàng thông tin nhận lệnh, sau đó đại diện công ty ký xác nhận giao dịch.
Tòa hỏi bị cáo Lý Xuân Hải, cựu CEO của Ngân hàng ACB, người đại diện ACB ký Hợp đồng số 17 với Công ty Thiên Nam để làm rõ thêm về giao dịch này. Bị cáo Hải khai, ACB không mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài cho Công ty Thiên Nam, mà dùng tài khoản trạng thái vàng ở nước ngoài cho chính mình để giao dịch.
Khi giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ACB tạo ra trạng thái vàng, ACB có thể giữ trạng thái đó hoặc mang bán cho ai đó trong nước. Ví dụ khi khách hàng đặt mua 1 ounce vàng, nếu ACB không muốn chịu rủi ro thì có thể đặt lệnh mua. Nếu ACB dám chịu rủi ro thì có thể không đặt mua. Đó là kinh doanh trên giá vàng, chứ không phải kinh doanh vàng. Đó là sản phẩm phái sinh trên giá vàng, chứ không phải bản thân hoạt động kinh doanh vàng.
Cựu CEO này đã lấy một ví dụ để làm rõ việc kinh doanh giá vàng không phải là kinh doanh vàng.
“Giống như cá độ bóng đá, phát sinh từ bóng đá, không có bóng đá thì không có cá độ, nhưng cá độ không phải là bóng đá. Lô đề phát sinh từ xổ số, nhưng nó không phải là xổ số”, Lý Xuân Hải trình bày.
Nội dung thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải cũng làm rõ, khi Thiên Nam đặt lệnh mua, ACB sẽ đặt mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài cho Thiên Nam. Giá mà Thiên Nam phải trả sẽ là giá mà ACB mua cùng với một khoản phí được thỏa thuận trước.
Bị cáo Lý Xuân Hải cho biết, nếu ACB mua vàng về rồi bán lại thì có thể khách hàng chê không mua. Do đó, ACB thỏa thuận, cứ 1 ounce mua về thì cộng thêm một khoản chẳng hạn là 1 USD.
Tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. Ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời điểm 2009 phải tuân thủ theo Quyết định 03/2006. Ngoài ra, Nghị định 174 điều chỉnh kinh doanh vàng vật chất. Quyết định 03 có nêu định nghĩa kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.
Ông Đào Xuân Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kinh doanh ngoại hối Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ hơn quy định về trạng thái vàng, khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, ACB mở tài khoản ở nước ngoài, khi giao dịch thì phát sinh trạng thái. Quy định trạng thái vàng là để hạn chế, ví dụ như mua hoặc bán không quá 200 kg vàng. Trạng thái vàng của doanh nghiệp kinh doanh vàng thì đó là giới hạn để doanh nghiệp được mở trạng thái.
Về giá vàng quy đổi trạng thái, ông Tuấn giải thích, doanh nghiệp được cấp phép giới hạn trạng thái vàng tính theo trên phần trăm vốn điều lệ, vốn điều lệ bằng VND, kinh doanh vàng tài khoản thì bằng USD, do đó phải quy đổi ra VND. Ví dụ, doanh nghiệp mua 200 kg vàng thì phải quy đổi ra cùng tiền đồng.
Khi Hội đồng xét xử đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước làm rõ Hợp đồng 17 bị điều chỉnh bằng văn bản nào, ông Đặng Văn Thảo cho rằng, đây là hợp đồng dân sự, điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng thì chỉ có 2 văn bản và Quyết định 03 và Nghị định 174.
PV (Tổng hợp)