Nhóm nhạc Maroon 5 bùng nổ trong đêm diễn ở Phú Quốc |
Thương vụ độc quyền và độc đáo
Sáu buổi biểu diễn của Taylor Swift tại Singapore (ngày 2 - 4/3 và ngày 7 - 9/3) diễn ra tại sân vận động quốc gia với sức chứa 55.000 khán giả đều “cháy vé”, dù giá không hề rẻ, dao động từ 88 đến 1.228 đô la Singapore (SGD)/vé.
Thậm chí, vé các đêm diễn của “công chúa nhạc đồng quê” tại Singapore còn xuất hiện trên thị trường chợ đen với giá lên đến 3.000 SGD (tương đương 2.200 USD) cho 1 vé VIP. Điều đặc biệt là, lượng vé này chủ yếu được mua bởi khán giả từ các nước Đông Nam Á và châu Á, trong đó có lượng lớn khán giả đến từ Việt Nam.
Theo ước tính của Ban Tổ chức, ngoài doanh thu bán vé, Singapore còn thu về khoảng 500 triệu USD từ chi phí ăn ở, đi lại, giá vé máy bay, phòng khách sạn... của những khán giả nước ngoài đến Singapore để xem show diễn. Đây là con số đáng mơ ước.
Đáng chú ý hơn, Singapore là quốc gia độc quyền The Eras Tour trong khu vực Đông Nam Á. Để có được điều này, ông Edwin Tong, Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore cùng một số quan chức cấp cao đã đến Mỹ để thuyết phục Taylor Swift và có khoản tài trợ để siêu sao này đồng thuận thực hiện buổi diễn độc quyền tại đảo quốc sư tử.
Nhà kinh tế Yun Liu (HSBC) nhìn nhận, những sự kiện âm nhạc toàn cầu như The Eras Tour mang lại lợi ích lớn cho các dịch vụ liên quan đến du lịch. “Singapore tiếp xúc nhiều với sản xuất công nghệ và tài chính, nhưng các dịch vụ liên quan đến du lịch lại chiếm 10% GDP của nước này”, bà Yun Liu phân tích.
Đặc biệt hơn, với sự gia tăng nhanh chóng về lượng du khách và chi tiêu của họ, “thương vụ” độc quyền và độc đáo với Taylor Swift tại Đông Nam Á được ví như cuộc đua F1 Grand Prix về quy mô, làm tăng sức hút, năng lực của
Singapore, đưa Singapore lên bản đồ du lịch sự kiện thế giới. Việc tổ chức các buổi biểu diễn với những ngôi sao thế giới như Taylor Swift còn có vai trò chiến lược trong việc hồi sinh điểm đến hậu đại dịch Covid-19, khi nhu cầu tham gia các sự kiện trực tiếp và du lịch đang phục hồi mạnh mẽ.
Không thể “bình chân”
Nhìn lại lịch sử, chưa có một sự kiện giải trí cá nhân nào đạt được thành công vang dội như tour diễn The Era Tour của siêu sao Taylor Swift. Thống kê ban đầu cho thấy, số tiền chi tiêu trực tiếp tại các đêm nhạc thuộc chương trình The Era Tour tổ chức ở 20 thành phố lớn của Mỹ trong 5 tháng cuối năm 2023 là 5 tỷ USD. Hiệp hội Du lịch Mỹ ước tính, toàn bộ tác động doanh thu từ chuyến lưu diễn tại Mỹ của Taylor Swift, bao gồm cả chi tiêu trực tiếp và gián tiếp, có thể lên tới 10 tỷ USD.
Chưa dừng lại ở đó, sau thành công vang dội ở Bắc và Nam Mỹ, các nhà điều hành tour châu Âu như Contiki đang cung cấp trải nghiệm kết hợp giữa du lịch và xem ca nhạc, chuẩn bị cho chuyến lưu diễn châu Âu của Taylor Swift trong năm 2024. Một số doanh nghiệp du lịch đang tìm những cách độc đáo để gắn kết và thu hút người hâm mộ Taylor Swift lại với nhau.
Đơn cử, Marvelous Mouse Travels đã ra mắt gói trải nghiệm du thuyền thân mật theo nhóm dành riêng cho những người hâm mộ Taylor Swift trên con tàu Allure of the Seas (thuộc hãng tàu Royal Caribbean) vào tháng 10/2024. Rất nhanh chóng, 50 cabin đầu tiên đã bán hết, dù gói trái nghiệm này không liên quan đến bản thân ca sỹ Taylor Swift, mà nhằm mục đích gắn kết những người hâm mộ ca sỹ này lại với nhau.
Công ty Future Market
Insights dự báo, thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu sẽ tăng từ 5,5 tỷ USD trong năm 2022, lên 11,3 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7%.
Rõ ràng, du lịch âm nhạc là thị trường ngách, nhưng có sức phát triển mạnh mẽ. Đáng tiếc, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa chú trọng khai thác “kho báu” này. Ngay với show diễn đình đám của Taylor Swift, các hãng lữ hành Việt Nam cũng gần như đứng ngoài cuộc.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, các show âm nhạc và sự kiện giải trí có thể mang theo rủi ro liên quan đến điều kiện đặc biệt như thời tiết, yếu tố đi lại, nhập cảnh…, khiến các đơn vị lữ hành cảm thấy không chắc chắn về khả năng tổ chức tour hiệu quả. Đó cũng là lý do tại Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp lữ hành nào chỉ chuyên tổ chức tour du lịch âm nhạc.
Nhấn mạnh, du lịch âm nhạc đang là xu hướng được nhiều khách hàng quan tâm, ông Bảy cho biết, Vietravel từng tổ chức tour du lịch Đà Lạt kết hợp xem show Mây lang thang, thu hút đa số khách hàng trẻ tuổi, tour Thái Lan kết hợp xem show Paris by Night, tour Hàn Quốc xem Busan One Asia Festival (BOF) - buổi diễn Kpop quy mô lớn diễn ra thường niên.
“Muốn tổ chức được các chương trình này, đơn vị du lịch phải có thông tin show từ sớm, chủ động được nguồn vé hoặc được hỗ trợ vé như Tổng cục Du lịch Hàn Quốc từng hỗ trợ khách của Vietravel vé xem BOF”, ông Bảy nói.
Thực tế, ở Việt Nam, những năm gần đây, du lịch âm nhạc đã xuất hiện và dần định hình rõ nét hơn. Tour diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink diễn ra tại Hà Nội, hay đêm nhạc của ca sỹ, nhạc sỹ người Mỹ Charlie Puth và nhóm nhạc Maroon 5 tại Phú Quốc đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến với các địa phương này.
Thế nhưng, trong quá khứ, Việt Nam chưa có tiền lệ bỏ ngân sách tài trợ cho các ngôi sao ca nhạc thế giới đến biểu diễn như cách Singapore và Thái Lan đang quyết tâm làm. Nhìn vào thành công của
Singapore, có thể thấy rõ, muốn khai thác “kho báu” du lịch âm nhạc, rất cần những ý tưởng thông minh, sắc sảo tương tự cách mà các nhà chức trách Singapore đã thực hiện trong thương vụ độc quyền với siêu sao Taylor Swift. Thương vụ này mang tính thời cơ, thời điểm, nên thật khó lặp lại hay bắt chước, nhưng thật đáng để chúng ta học hỏi, không thể “bình chân” thêm, mà phải quyết tâm xây dựng những chiến lược kinh doanh, kế hoạch tiếp cận các ngôi sao hạng A thế giới thật bài bản và có tầm nhìn xa.