Lượng khách quốc tế chưa như kỳ vọng, nhưng tăng trưởng cao
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch đã đón 71,8 triệu lượt khách trong nước, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, ngành mới đón được 954.600 lượt khách quốc tế, đạt gần 15% mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay.
“Mổ xẻ” nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều như kỳ vọng và còn nhỏ giọt, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart cho rằng, đó là do dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến một số thị trường lớn bắt đầu chững lại.
“Hàn Quốc dự kiến mở các đường bay dồn dập vào Việt Nam, nhưng do biến chủng mới, nên đã chậm lại. Một số thị trường lớn truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc hoàn toàn chưa mở, vẫn áp dụng chính sách Zero Coivd. Nhật Bản, Đài Loan có mở, nhưng độ mở không lớn do dịch đang bùng phát trở lại tại các nước này”, ông Dũng phân tích.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, CEO Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng, chính sách mở cửa của các nước chưa được thông thoáng, đặc biệt là với khách quốc tế vào Việt Nam, họ đòi hỏi một lộ trình kế hoạch cụ thể. Thêm nữa, dịch bệnh kéo dài khiến tài chính, kinh tế của khách hàng hạn hẹp hơn. Giá xăng dầu tăng, chiến tranh... kéo theo rất nhiều hệ lụy khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt con số như mong muốn.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) lý giải, mùa du lịch inbound của Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 năm nay kéo dài đến tháng 4 năm sau, nên 7 tháng đầu năm không có nhiều khách quốc tế. Ngoài ra, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn đang siết chặt phòng chống dịch.
Tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn khiêm tốn, nhưng theo ông Đức, đã có những dấu hiệu khá tích cực từ thị trường, tốc độ tăng trưởng hàng tháng từ khi mở cửa ngày 15/3 rất cao. Tính bình quân 7 tháng đầu năm, mức tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam là 62%/tháng.
“Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Google Destination Insights, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng 50 - 75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú, hàng không quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 60 - 75% và Việt Nam là một trong bốn quốc gia có mức tăng trưởng tìm kiếm du lịch cao nhất”, ông Đức thông tin.
Cũng theo ông Đinh Ngọc Đức, việc du khách quay lại còn phụ thuộc vào các sản phẩm du lịch Việt Nam. Nếu Việt Nam có nhiều sản phẩm hấp dẫn về nghỉ dưỡng, thì du khách sẽ quay lại nhiều lần. Nhưng chỉ để tham quan, thì đương nhiên du khách chỉ đến một lần, sang năm họ sẽ đi chỗ khác.
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành du lịch phải nỗ lực hơn rất nhiều để cải thiện một số chỉ số, như nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, công tác quản lý điểm đến, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, môi trường kinh doanh và sẵn sàng các gói sản phẩm thật sự hấp dẫn để phù hợp với thị hiếu của khách...”, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch nhấn mạnh.
Tiếp tục khơi thông “điểm nghẽn” visa
Một điểm nghẽn khác trên “dòng chảy” khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay được nhiều chuyên gia, nhà tư vấn, doanh nghiệp nêu ra là mức độ mở cửa về thị thực cho khách quốc tế còn rất hạn chế so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam mới chỉ công nhận miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và thời hạn 15 ngày. Trong khi đó, nhu cầu của khách nước ngoài dài hơn.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Đức cho biết, không chỉ hiện nay mà trước dịch, những người làm du lịch luôn mong muốn mở rộng thị trường, kéo dài thời gian miễn thị thực để thu hút khách quốc tế nhiều hơn, tạo điều kiện cho họ lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn. “Có nhiều ý kiến cho rằng, nên kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày, hoặc miễn thị thực cho khách hưu trí từ 6 tháng đến 1 năm để thu hút dòng khách ở lâu, chi tiêu lớn này”, ông Đức nói.
Để đạt được mục đón 5 triệu du khách quốc tế trong năm nay, Tổng cục Du lịch định hướng kết nối lại tất cả thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Australia và thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, cần có những giải pháp đồng bộ về sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá. Cần đẩy mạnh quảng bá Chương trình Live fully in Việt Nam hướng tới thị trường khách quốc tế qua hoạt động E-marketing, qua website và mạng xã hội, cũng như chuẩn bị những hoạt động xúc tiến quảng bá tại chỗ.
Đặc biệt, năm 2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động và sẽ chủ trì tổ chức một số chương trình, hoạt động xúc tiến mang tầm quốc gia tập trung vào các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Khi có sự liên kết, bắt tay giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, địa phương tạo thành một sức mạnh tổng hợp, du lịch Việt Nam mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh về dài hạn và cao hơn hết là đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.