Du lịch
Mở cửa hoàn toàn du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn "nhỏ giọt"
Hồ Hạ - 15/08/2022 11:01
Mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2022 đến nay mới chỉ đạt 15%. Ngành kinh tế xanh cần những giải pháp mạnh mẽ, đột phá để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Bảy tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Khách quốc tế nhỏ giọt

Tại cuộc bàn tròn lữ hành toàn quốc 2022, chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3, doanh nghiệp lữ hành đã quay trở lại thị trường và bắt đầu phục hồi hoạt động kinh doanh.

Bảy tháng đầu năm, cả nước đã đón và phục vụ 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành đề ra trong cả năm. Nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cả nước mới đón khoảng 733.400 lượt du khách nước ngoài, chỉ đạt gần 15% so với kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Mổ xẻ những nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn nhỏ giọt, ông Khánh liệt kê gồm: xung đột Nga - Ukraine; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á vẫn đang siết chặt phòng chống dịch; hiện vẫn chưa phải là mùa du lịch quốc tế…

Song, ông Khánh tin tưởng tốc độ phục hồi thị trường du lịch quốc tế sẽ mạnh mẽ. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Triển khai những giải pháp mạnh mẽ, đột phá  

Để thu hút khách du lịch quốc tế trong mùa cao điểm, giúp ngành kinh tế xanh bứt phá, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, toàn ngành cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá…

Muốn giải được những bài toán trên, ông Khánh cho rằng, yếu tố then chốt là thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh nổi trội của từng doanh nghiệp, từng địa phương, tạo ra sức mạnh tổng lực cho ngành du lịch.

Ông Khánh cũng đề nghị ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…

Trước tình trạng lượng khách quốc tế còn rất khiêm tốn, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi phát triển du lịch, tập trung liên kết và giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh thông tin quảng bá xúc tiến, khởi động lại các hoạt động hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế, trong đó liên kết và hợp tác là giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Tương tự, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống và ứng dụng chuyển đổi số để đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng một cách trực tiếp. Bởi lẽ, 100% khách du lịch quốc tế đều tìm kiếm thông tin trước khi đi du lịch, có 70% trong số đó tìm hiểu rất sâu về điểm đến để chuẩn bị tốt nhất hành trình khám phá.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group kiến nghị, từ nay tới cuối năm 2022, ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN…

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lưu ý các doanh nghiệp lữ hành phải là nơi liên kết giữa nhu cầu và điểm đến, thực hiện bằng cách kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour tuyến mới phục vụ nhu cầu đã và đang thay đổi của dòng khách ngoại.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có tư duy mới, hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch như vừa qua. Tư duy đó cần hài hòa giữa các yếu tố “Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa và kết nối”.

Đặc biệt, để làm rõ thêm một số vấn đề trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, được các đại biểu Quốc hội quan tâm sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nếu đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, nhiều giải pháp đã được xác định nhưng quá trình thực hiện còn chậm, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Phó thủ tướng nêu một số ví dụ cụ thể như việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch, nhưng phải mất 5 năm 1 tháng, Bộ Tài chính mới ban hành được thông tư hướng dẫn. Hay việc đẩy mạnh cải tiến, thực hiện cấp thị thực (visa) điện tử, miễn visa thì cũng còn ý kiến khác nhau. Giá điện đang được tính trên nguyên tắc ưu tiên cho sản xuất công nghiệp nên giá điện sản xuất thấp hơn giá điện cho dịch vụ, nhưng đến nay dù chúng ta xác định ưu tiên phát triển dịch vụ thì vẫn chưa có phương án cụ thể cho du lịch và các ngành dịch vụ.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển du lịch cần sự phối hợp của các bộ, ngành, nhất là sự hưởng ứng, tham gia trực tiếp của người dân để cải thiện môi trường du lịch. Có như vậy, ngành kinh tế xanh Việt Nam mới phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Tin liên quan
Tin khác