Cho “hộ” vay vốn là trái luật
Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) của NHNN (có hiệu lực từ ngày 15/3/2017), quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thì đối tượng vay vốn chỉ có hai loại: thể nhân và pháp nhân. Các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không còn đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.
. |
Trường hợp muốn vay vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng có thể vay dưới tư cách cá nhân (chủ hộ).
Ngay sau khi Thông tư 39 được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định trên sẽ “loại” đối tượng hộ kinh doanh, tổ hợp tác ra khỏi tiếp cận vốn ngân hàng, buộc các đối tượng này phải vay vốn với lãi suất cao như cá nhân vay tiêu dùng. Cũng có ý kiến cho rằng, quy định trên là một trong những cách để “ép” các các hộ kinh doanh nhanh chóng nâng cấp lên thành doanh nghiệp để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 mà Chính phủ đề ra (hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh vẫn chưa chuyển lên thành doanh nghiệp).
Tuy nhiên, những suy diễn này không có căn cứ.
Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho hay, những quy định trên không phải là do NHNN “nghĩ ra”, mà NHNN chỉ triển khai Bộ luật Dân sự 2015 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ đầu năm 2017. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ thể tham gia quan hệ dân sự là pháp nhân và cá nhân. Do đó, Thông tư 39 cũng phải quy định khách hàng vay vốn là pháp nhân và cá nhân.
“Hoàn toàn không có chuyện bắt buộc thành lập doanh nghiệp mới được vay vốn ngân hàng, văn bản của NHNN không có quy định nào như vậy. Tuy nhiên, theo quy định mới, thay vì vay theo tư cách “hộ” thì các đối tượng trên có thể vay vốn với tư cách cá nhân, bởi theo Bộ Luật Dân sự, không còn chủ thể “hộ” nữa. Nếu ngân hàng thương mại tiếp tục ký hợp đồng cho vay “hộ” là trái luật, có nghĩa là hợp đồng vô hiệu”.
Ngân hàng không “bỏ rơi” khách hộ, tổ hợp tác
Được biết, ngay khi ban hành Thông tư 39, NHNN đã tổ chức cuộc họp với Tổng giám đốc tất cả ngân hàng thương mại lớn để thông tin và giải thích về quy định trên. Đến nay, tất cả ngân hàng thương mại đã hiểu về quy định này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều ngân hàng thương mại cho hay, do Thông tư 39 mới ban hành nên các ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng.
“Nhìn chung, sự thay đổi chỉ là về mặt câu chữ, còn đối tượng vay vốn và chính sách cho vay của ngân hàng với đối tượng trên không có gì thay đổi. Không có chuyện ngân hàng lại bỏ qua ngoài một bộ phận khách hàng tiềm năng như các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương, tổ hợp tác…”, đại diện ngân hàng TMCP VPBank khẳng định.
Thậm chí, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP còn cho rằng, quy định mới của Thông tư 39 và Bộ luật Dân sự 2015 sẽ tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc ký kết hợp đồng vay vốn cũng như đòi nợ. Ví dụ, trước đây, đại diện tổ hợp tác hay hộ gia đình đứng ra vay vốn, thì tất cả thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm, song khi nợ xấu xảy ra, các thành viên phủ nhận trách nhiệm khiến sự việc kéo dài. Trong khi nếu ký hợp đồng với cá nhân, sự việc dễ xử lý hơn.
Nhiều luật sư cũng cho hay, thực tế, không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự tới đây đều không còn chủ thể giao dịch là “hộ”. Theo đó, các hợp đồng dân sự (ví dụ hợp đồng mua bán tài sản) nếu ký với hộ sẽ trở thành vô hiệu, vì chủ thể này không được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận.
Khẳng định với phóng viên báo Đầu tư cuối tuần qua, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, không có chuyện phải thành lập doanh nghiệp mới được vay vốn ngân hàng.
Cũng theo ông Hải, thông lệ thế giới, chủ thể giao dịch dân sự chỉ là thể nhân (cá nhân) và pháp nhân. Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử trước đây giao đất cho hộ gia đình, phát triển kinh tế tập thể, nên hộ gia đình và tổ hợp tác được Bộ luật Dân sự cũ gộp chung thành một loại chủ thể. Tuy nhiên, loại chủ thể này gây ra nhiều rắc rối về quan hệ pháp lý. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 sửa theo hướng thể nhân và pháp nhân để tăng tính minh bạch, không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
“Quy định này không phải để bắt buộc các hộ gia đình kinh doanh, tổ hợp tác phải thành lập doanh nghiệp mà là để quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự”, ông Hải khẳng định.
Liên quan đến lãi suất cho vay khi khách hàng chuyển từ “hộ” sang cá nhân, NHNN khẳng định, vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng giống như trước đây.
Về vấn đề này, các ngân hàng thương mại cho biết, lãi suất cho vay được căn cứ vào mục đích sử dụng và mức độ rủi ro chứ không phải căn cứ theo cá nhân hay hộ gia đình. Hộ kinh doanh lâu nay vẫn là đối tượng nhắm tới của các ngân hàng, nên chắc chắn đối tượng này vẫn sẽ được ưu đãi lãi suất thời gian tới.