Thời sự
Không để doanh nghiệp chờ
Khánh An - 28/06/2015 09:28
Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm đang sáng dần lên, song vẫn chưa đủ để khỏa lấp những khó khăn của khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước.

Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của khu vực này giảm 2,9%, trong khi khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng tới 20,8% (không kể dầu thô) so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khối DN FDI cũng vẫn chiếm tới 67,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Số DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh, dù có giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn trên 31.700 DN, một con số khá lớn so với 45.400 DN thành lập mới. Trong khi đó, giải ngân của khu vực DN FDI 6 tháng qua lại tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Có lẽ, những chính sách đơn lẻ, hỗ trợ DN tồn tại đã hết dư địa, cần đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa giải pháp tổng thể thúc đẩy các DN trong nước cơ cấu lại, lựa chọn hướng phát triển bền vững hơn. Chỉ khi đó, bức tranh kinh tế Việt Nam mới thực sự cân sáng.

Nhưng tình thế dường như vẫn đang ở khúc “nếu… thì”. Cho tới thời điểm này, mặc dù thông tin từ các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành các luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở… đều cho thấy nỗ lực để bắt kịp tiến độ hiệu lực, song khả năng hoàn thành toàn bộ văn bản hướng dẫn theo quy định gần như rất khó.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc DN, nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải đợi để được thực hiện đúng, đầy đủ và nhất quán các đổi mới có tính đột phá của pháp luật về đầu tư và kinh doanh từ ngày 1/7 tới. Song, đó chỉ là lý thuyết và vào thời điểm này, đây lại là nỗi hồ nghi lớn nhất từ cộng đồng DN.

Không khó để giải thích khi nhìn vào thực tế thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Tâm lý luật đợi nghị định, nghị định đợi thông tư đã ăn sâu vào ứng xử của giới công chức với các quy định mới, ảnh hưởng nặng nề tới sự sẵn sàng trong việc thực thi.

Chỉ vài tuần trước thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, một số bộ vẫn tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh. Nếu các thông tư này được ban hành sẽ ngay lập tức vi phạm quy định của Luật Đầu tư.

Ngay tại cuộc họp giao ban tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 về tình hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu và đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đề nghị sớm có hướng dẫn được đưa ra theo hàm ý để các địa phương triển khai thực hiện các văn bản luật mới hơn là tạo áp lực cho các bộ ngành trong việc phải hoàn tất trách nhiệm theo quy định. Cũng không thấy có câu hỏi hay băn khoăn nào về việc sẽ triển khai các điều luật mới.

Có lẽ, phải có chỉ đạo của Chính phủ trong việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hiểu rõ những đổi mới cơ bản của các luật mới, yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện ngay các điều luật mới ngay cả khi các văn bản hướng dẫn chưa kịp ban hành đúng thời điểm hiệu lực.

Điều đó không chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp, mà còn khôi phục và củng cố niềm tin của thị trường, của cộng đồng DN đối với những cam kết của Chính phủ, của Thủ tướng chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đây cũng chính là trợ lực quan trọng để khu vực DN trong nước thực sự chuyển mình.

Tin liên quan
Tin khác