Doanh nghiệp
Không đối đầu với Facebook, Festizen là một sự lựa chọn
Phi Vũ - 24/04/2016 07:18
Ba bài học rút ra từ những lần khởi nghiệp thất bại là hành trang cho Nguyễn Khánh Hòa, Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Festizen mang vào sân chơi thách thức là mạng xã hội dành cho giới trẻ Việt Nam.

Hướng tới một xu hướng mạng xã hội mới

Dự án mạng xã hội đó có tên là Festizen, ra đời từ tháng 11/2015. Hòa cho biết, Công ty đang đi theo những chiến lược đã được vạch ra từ một năm trước đó.

Đầu tiên là sự ra mắt của website Festizen.com. Đây là website hoạt động như mô hình website bán vé sự kiện nhạc hội, ẩm thực, văn hóa… trực tuyến. Đối tượng khách hàng nằm trong độ tuổi từ 18 đến 25.

CEO Nguyễn Khánh Hòa (trái) và đồng sáng lập Festizen Toàn Minh Hiệp. Ảnh: Công Sang

Dự kiến, bước tiếp theo (vào khoảng tháng 7 năm nay), Festizen sẽ ra mắt ứng dụng cùng tên trên hai hệ điều hành iOS và Android.

Đây là hai bước đệm để Công ty chuẩn bị cho cú hích lớn vào cuối năm nay với sự kiện Lễ hội mật ngữ 12 chòm sao có quy mô khoảng 40.000 người. Hòa cho biết, đây là sự kiện mà Festizen đã mua bản quyền và độc quyền khai thác từ năm 2016.

Về lý do đeo đuổi ý tưởng này, Hòa không phủ nhận rằng, hiện nay tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội nước ngoài Facebook, Twitter, Instagram… là quá lớn đối với giới trẻ trong nước. Nhưng người sử dụng hiện nay quên rằng, ngoài đời thực còn rất nhiều hoạt động xã hội, thể thao bổ ích; và rằng không thể mãi dành phần lớn thời gian lên các mạng ảo.

Chính vì thế, Festizen ra đời phục vụ việc kết nối: một là, kết nối người sử dụng với người sử dụng; hai là, kết nối những người có cùng chung sở thích đi đến những hoạt động văn hóa, giải trí ngoài đời thực.

“Với cách làm như vậy, Festizen không cạnh tranh trực tiếp với Facebook hay Twitter, mà có thể xem là một lựa chọn mới cho người sử dụng”, Hòa phân tích.

Bên cạnh đó, việc đi theo mô hình mạng xã hội gần như là lựa chọn duy nhất cho Hòa, bởi theo anh, nếu chỉ làm mô hình bán vé trực tuyến, Festizen sẽ không có gì khác biệt so với một số công ty đi trước như Ticketbox hay Bigtime.

Thời điểm các công ty bán vé sự kiện trực tuyến xuất hiện là khoảng 3, 4 năm trước, việc xây dựng website bán hàng, bán vé khá khó khăn vì hạn chế mặt về công nghệ, nên họ có lợi thế đi đầu. Điều này không còn khi mọi khó khăn cũ đã trở nên dễ dàng. Nếu theo chân các mô hình này, không chỉ bị cạnh tranh bởi tên tuổi doanh nghiệp đi trước, Fiestizen còn bị đe dọa bởi lớp đàn em theo sau nếu cứ chăm chăm vào mô hình bán vé trực tuyến.

Ý tưởng thành lập mạng xã hội Festizen của Hòa được cho là khá liều, vì hiện nay, thị trường mạng xã hội Việt Nam toàn những doanh nghiệp “đại gia” trong ngành công nghệ trong nước tham gia như VNG với Zalo, MobiFone với Zoota… Đáng nói là chưa thấy ai công bố đã có doanh thu.

Nhưng với Hòa, anh vẫn thấy đường đi cho Festizen. Bởi, việc kết hợp với mô hình bán vé trực tuyến, Công ty sẽ có nguồn thu từ việc bán vé và dịch vụ hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị sự kiện cho doanh nghiệp.

Thứ đến, Festizen đang nắm trong tay cộng đồng “Mật ngữ 12 chòm sao”. Đây được xem là át chủ bài của Công ty, bởi qua đó sở hữu 2 triệu thành viên trên fanpage và khoảng 1 triệu lượt truy cập/ngày vào website cùng tên.

Cuối cùng, Công ty cũng đã có một số “nhà đầu tư thiên thần” cùng hoạch định chiến lược và hỗ trợ một phần vốn cho kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.

“Vấn đề của Festizen hiện nay là làm sao cung cấp dịch vụ cho cộng đồng này thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng vẫn không làm phiền lòng người sử dụng”, người sáng lập Nguyễn Khánh Hòa nói.

Ba bài học

Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Hồng Bàng), mới 25 tuổi, nhưng Hòa đã có tới 3 lần khởi nghiệp và nếm trải đau thương đủ cả ba.

Năm 2011, Hòa thành lập AZ Marketing Solution. Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong cung cấp dịch vụ tiếp thị trên mạng xã hội facebook ở TP.HCM. Không lâu sau đó, công ty vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng mạnh hơn cả về vốn và thương hiệu.

Năm 2013, Hòa tham gia phát triển chuỗi cà phê. Tuy nhiên, khi giai đoạn ăn nên làm ra cũng là lúc rắc rối đến với công ty. Anh cười và bảo đây là tình trạng “khi có tiền cũng khóc”, vì nội bộ lục đục về việc phân chia quyền lợi.

Trong suốt quá trình khởi nghiệp hai dự án nói trên, Hòa vẫn phát triển cộng đồng “Mật ngữ 12 chòm sao”. Có thể hiểu, đây là dự án về kiến thức và văn hóa về 12 cung hoàng đạo dựa trên ngày và tháng sinh, có nguồn gốc từ phương Tây. Qua đó, người đọc có thể hiểu được mình thuộc cung hoàng đạo nào, từ đó biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy.

Nhóm của Hòa nghiên cứu kiến thức này và đưa ra cách thể hiện phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nhưng giai đoạn này lại được xem là thất bại của Hòa khi năm 2014, cho dù đây là thời kỳ đỉnh điểm của “Mật ngữ 12 chòm sao” tạo được trào lưu trên Internet.

Vì khi đó, Facebook “thanh trừng” hàng loạt fanpage sử dụng các chiêu trò để lôi kéo người dùng. “Mật ngữ 12 chòm sao” là một trong số ít các trang có trên một triệu người theo dõi còn tồn tại. Nhưng, Hòa lại bỏ lỡ cơ hội kết nối kinh doanh vì không đưa ra được mô hình kinh doanh phù hợp.

“Sau ba lần thất bại, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc nhìn nhận thị trường, biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, chọn đồng đội và quan trọng nhất là phải có một mô hình kinh doanh khả quan. Tất cả các bài học tổng kết được, tôi đưa vào Festizen”, Hòa nói.

Hòa cho biết, đam mê lớn nhất của anh là xây dựng sản phẩm có cộng đồng lên đến hàng triệu người sử dụng. Nhưng quan trọng hơn, cộng đồng đó phải có văn hóa và cá tính.

“Festizen là viết tắt của Festival of Citizen – Lễ hội dành cho mọi người. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 2 triệu người sử dụng mạng xã hội này trong 2 năm tới”, Hòa nói.

Tin liên quan
Tin khác