Tiêu dùng
Việt Nam sớm có thêm thị trường xuất khẩu chục tỷ USD
Hải Yến - 10/03/2024 12:05
Australia sẽ sớm trở thành thị trường xuất khẩu chục tỷ USD của Việt Nam và còn tiếp tục vượt xa, đặc biệt với cú hích từ sự kiện nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện.
Xuất khẩu sang Australia sẽ tăng nhanh sau khi Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Xuất khẩu tăng tốc

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Australia đã sang một chương mới, bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn khi quan hệ 2 nước đã chính thức nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Australia. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và Australia năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022.

Việt Nam - Australia đã và đang hợp tác tích cực trong quá trình thực hiện các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có nông sản 2 nước, tạo thuận lợi hóa thương mại ở mức cao nhất, góp phần đưa thương mại song phương vượt xa mức 14 tỷ USD trong năm 2023 và mức 15,7 tỷ USD của 2022.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Australia giảm 5,3%, đạt gần 5,23 tỷ USD, nhập khẩu đạt trên 8,53 tỷ USD, giảm 15,7%, cán cân thương mại Việt Nam nhập siêu từ Australia gần 3,31 tỷ USD.

Còn theo số liệu của Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham), Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia và Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam vào năm 2023.

Nhận định về triển vọng thu hút đầu tư, thương mại 2 nước trong thời gian tới, ông Simon Pugh, Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) cho biết: “Chúng tôi đang có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam, với nền tảng sản xuất đa dạng, có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng này”.

Tuy nhiên, để kết nối đầu tư, thương mại thực chất và tăng tốc mạnh hơn, ông Simon Pugh cho rằng, cần một nền tảng cụ thể để kết nối các cơ sở sản xuất của Việt Nam với chuỗi cung ứng của Australia và nên giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.

Chia sẻ tại họp báo thông báo nâng cấp quan hệ song phương, Thủ tướng Australia, Anthony Albanese cho rằng: “Nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước sâu rộng, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực, như chuyển đổi năng lượng, tài nguyên, bao gồm các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thương mại đầu tư, nông nghiệp…”.

Chưa cần chờ đến cú hích tù nâng tầm quan hệ hợp tác lên mức cao nhất, quy mô thương mại song phương Việt Nam - Australia gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ khai thác một số hiệp định thương mại đa phương.

Năm 2022, thương mại song phương 2 nước lập kỷ lục với 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%; nhập khẩu hàng hóa từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3%.

Đáng nói, năng lực của ngành sản xuất Việt Nam vẫn đang được củng cố và nâng cao. Năm 2022, quy mô thương mại của nước ta đã vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371 tỷ USD, lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, cán cân thương mại xuất siêu 8 năm liên tiếp với 28 tỷ USD.

Tận dụng tối đa các FTA, chuẩn hóa sản xuất

Tại báo cáo "Việt Nam và Australia: sẵn sàng một giai đoạn mới" của HSBC, thương mại song phương Việt Nam - Australia đã bùng nổ trong một thập kỷ qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, theo các chuyên gia HSBC, vẫn còn nhiều dư địa để thương mại, cũng như đầu tư 2 nước gia tăng mạnh hơn nữa, không chỉ là hàng hóa mà còn cả dịch vụ. 

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế quan trọng thứ hai đối với Australia xét về xuất khẩu hàng hóa, chiếm 2,1% xuất khẩu hàng hóa của Australia trong năm 2023, tăng từ khoảng 1,5% trước đại dịch.

Hiện, Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 FTA gồm: Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN Australia - New Zealand (AANZFTA).

Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việt Nam và Australia có nhiều dư địa để gia tăng thương mại song phương, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường lẫn nhau. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác những lợi ích đến từ FTA để cân bằng lại cán cân thương mại”.

Cụ thể, về vấn đề mở cửa thị trường, Bộ trưởng Diên cho biết thời gian qua, các Bộ chủ quản của hai bên đã hợp tác tích cực trong quá trình thực hiện các thủ tục mở cửa thị trường với quả chanh leo. Hiện, Australia đã tiến hành khảo sát thực địa, đồng nghĩa loại trái cây này đang tiến gần hơn đến thị trường Australia.

"Hy vọng sau chanh leo, hồ sơ mở cửa cho quả bưởi cũng sẽ sớm được xem xét. Việt Nam cũng đang nghiên cứu tích cực hồ sơ tiếp cận thị trường của quả mận và việt quất của Australia", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật, tới đây, người tiêu dùng Việt Nam sớm được thưởng thức sản phẩm mật ong có nguồn gốc từ Australia sau khi hai Bên hoàn tất các thủ tục cuối cùng về thống nhất mẫu chứng thư kiểm dịch.

Nhằm tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại giữa hai quốc gia như AANFTA, CPTPP và RCEP, nhiệm vụ mà các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải thực hiện là không ngừng nâng cao kiểm soát chất lượng đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt trong bối cảnh tiêu chuẩn chất lượng và quy định của Australia ngặt nghèo hơn cả Mỹ và EU trong một số lĩnh vực.

Tin liên quan
Tin khác