Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp đảm bảo cung ứng xăng dần thông suốt cho nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh |
Đủ nguồn cung
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp phải đảm bảo cung ứng thông suốt cho nền kinh tế và tiêu dùng, không để xảy ra đứt gãy trong mọi tình huống.
Việc này càng trở nên cấp thiết, bởi từ ngày 15/3 tới, một trong 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) sẽ tạm dừng sản xuất 48 ngày để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS), đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, kế hoạch ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể Nhà máy đã được thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để họ chủ động kế hoạch nhập khẩu sản phẩm phù hợp, cũng như công tác chuẩn bị các phương án, kế hoạch dự trữ, đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng tăng 120% công suất để bù vào.
Được biết, năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cung cấp ra thị trường hơn 6,2 triệu tấn xăng dầu. Hiện nay, Nhà máy đang hoạt động hơn 100% công suất, dự kiến sản lượng năm 2024 là 7,2 triệu tấn.
Hai doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đều chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn. Do vậy, không lo thiếu xăng dầu trong năm nay.
Sau năm 2022 chịu nhiều biến động, thị trường xăng dầu một số thời điểm bị thiếu hụt, đứt gãy, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Dữ liệu của Bộ Công thương cho biết, tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn; trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 10,2 triệu tấn.
Năm 2023, việc điều hành xăng dầu trong nước của Bộ Công thương và thực hiện tổng nguồn phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: tình hình kinh tế thế giới và trong nước hồi phục chậm hơn so với dự báo; biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới.
Để lo đủ xăng dầu cho thị trường, kịch bản điều hành được Bộ Công thương đề xuất là thực hiện theo từng tháng và hàng quý. Trong tình huống bất thường, doanh nghiệp chủ động phản ánh, đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế với cơ quan quản lý nhà nước.
Để lo đủ nguồn cung, Bộ Công thương đã điều chỉnh tăng tổng nguồn phân giao tối thiểu cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn hàng khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng.
Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công thương cân đối tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (cao hơn năm ngoái 2,4 triệu m3/tấn).
Mức 28,42 triệu tấn này đảm bảo nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024.
Tại cuộc gặp đầu xuân của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Petrolimex cam kết sẽ hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, gồm cung ứng, bình ổn giá để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Petrolimex hiện cung ứng lượng xăng dầu lớn nhất cả nước, với hơn 2.700 điểm kinh doanh. Doanh nghiệp này cho biết, năm 2024 được Bộ Công thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, tăng 12% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023. Đối với mặt hàng dầu diesel, được phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023.
Cũng theo đại diện Petrolimex, doanh nghiệp luôn bám sát chỉ tiêu được giao, cũng như thực hiện đúng quy định về hạn mức tồn kho tối thiểu. Ngay đầu tháng 1/2024, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn mua từ 2 nhà máy trong nước, cũng như nhập khẩu với lượng tăng khoảng 10% so với sản lượng phân giao bình quân. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký các hợp đồng dài hạn đủ để cung cấp 70% sản lượng của cả năm.
Tương tự, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xác nhận có giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023.
Với Tổng công ty Xăng dầu quân đội (Mipecorp), ông Nguyễn Như Chiến, Chủ tịch HĐTV cho biết, doanh nghiệp nhập đủ xăng dầu theo kế hoạch được phân giao, nên đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Năm 2024, Mipecorp được giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023 và tăng 18% so với thực hiện của năm 2023.
“Từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương luôn theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nói.
Doanh nghiệp kiến nghị vấn đề không mới
Xăng dầu là vật tư chiến lược, là mặt hàng có tác động lớn đến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn thế, năm 2022, thị trường trong nước từng xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung ở một số địa phương. Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ liên tiếp chỉ đạo Bộ Công thương đảm bảo nguồn cung mặt hàng này, không để đứt gãy trong bất kỳ tình huống nào.
Động thái này là cần thiết, bởi đầu năm nay, Hải Hà Petro, một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (không gồm đơn vị đầu mối nhiên liệu bay) đã bị thu hồi giấy phép do vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Khi doanh nghiệp này không còn là đầu mối kinh doanh xăng dầu, không ít lo ngại sẽ tác động đến tổng nguồn cung.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) nhận định, trước mắt, việc rút giấy phép kinh doanh của Hải Hà Petro không làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu do các đơn vị đầu mối khác như Petrolimex, Mipecorp… đã được chỉ đạo lo thêm nguồn cung.
Nhận định năm 2024 còn nhiều khó khăn. Để thị trường xăng dầu phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đại diện Petrolimex đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, theo hướng nâng cao chất lượng doanh nghiệp đầu mối, qua việc siết điều kiện về kho cảng. Doanh nghiệp phải có khả năng chủ động nhất định về vật chất, kỹ thuật, tài chính.
“Cần sớm điều chỉnh lại mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với thực tế, vì phí dự trữ quốc gia ban hành từ năm 2003, trải qua 21 năm mà chưa thay đổi”, Chủ tịch Petrolimex đề xuất.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng, kết nối trực tiếp dữ liệu từ các kho xăng dầu, cột bơm xăng dầu đến cơ quan hải quan, thuế; xác định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Hiện cả nước có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Đến cuối tháng 2/2024, theo số liệu từ Bộ Tài chính, có hơn 7.500 cây xăng trên cả nước thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023.