Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) |
Chưa bao giờ lãi suất tiền gửi lại thấp như hiện nay. Thưa ông, vì sao Kho bạc Nhà nước không mua lại trái phiếu chính phủ nhằm giảm gánh nặng nợ cho ngân sách nhà nước?
Năm 2023, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 298.476 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, đạt 98% kế hoạch (305.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành bình quân là 12,58 năm; kỳ hạn còn lại bình quân trong danh mục trái phiếu chính phủ là 9,05 năm; lãi suất phát hành bình quân năm 2023 là 3,21%. Đây là mức lãi suất rất thấp, thời gian huy động tương đối dài so với khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành trước đây.
Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước không sử dụng số tiền huy động được để mua lại trái phiếu chính phủ đã phát hành trước đây. Vì ngân sách nhà nước có hạn, nên phải sử dụng 100.966 tỷ đồng thanh toán tiền gốc trái phiếu chính phủ đến hạn và 83.622 tỷ đồng thanh toán lãi trái phiếu, số còn lại được sử dụng vào việc cân đối bội chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Việc huy động trái phiếu chính phủ mới với lãi suất thấp, thời hạn dài cũng chính là nghiệp vụ tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ.
Lãi suất thấp, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm là “cơ hội vàng” để tái cơ cấu danh mục nợ. Ông có thể giải thích thêm lý do Kho bạc Nhà nước không đề nghị tăng huy động vốn để mua lại trái phiếu chính phủ?
Huy động vốn bao nhiêu không phải muốn là được, vì phải thực hiện theo quy định. Cụ thể là các quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15; Nghị quyết số 43/2022/QH15; Nghị quyết số 69/2022/QH15 và Quyết định số 458/QĐ-TTg (ngày 28/4/2023) phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023 - 2025.
Theo Quyết định số 458/QĐ-TTg, hoạt động huy động vốn phải đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước vẫn bội chi, nên toàn bộ các khoản vay đến hạn đều phải vay mới để thanh toán nợ cũ.
Thưa ông, năm 2024, Kho bạc Nhà nước có kiến nghị tăng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ để mua lại trái phiếu không?
Thông thường, vào tháng 4 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ của năm đó cũng như kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ năm 2024, nhưng tôi cho rằng, năm nay cũng chưa tính đến phương án huy động trái phiếu chính phủ để mua lại trái phiếu đã phát hành trước đây.
Lý do là, tổng bội chi ngân sách nhà nước năm nay khá cao, lên đến 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, nên phải huy động đủ vốn để bù đắp bội chi, đồng thời phải huy động đủ vốn để thanh toán nợ gốc đến hạn và lãi trái phiếu đã phát hành.
Số nợ gốc trái phiếu đến hạn năm 2024 và 2025 rất lớn, vì vậy, tổng số vay nợ năm nay được Quốc hội cho phép lên đến 690.553 tỷ đồng. Nếu Kho bạc Nhà nước tăng khối lượng phát hành, thì sẽ đẩy lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng lên, ảnh hưởng đến sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, tăng khả năng cạnh tranh, kích cầu nội địa, qua đó kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, mặc dù Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 5/1/2024) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 yêu cầu kiểm soát bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; thực hiện hiệu quả việc mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu chính phủ; chi trả kịp thời các nghĩa vụ nợ của ngân sách nhà nước, nhưng với trái phiếu phát hành trước đây có lãi suất cao, bây giờ lãi suất giảm, trái chủ thường giữ lại cho đến khi đến hạn, chứ không bán lại.
Như vậy, sẽ có những thời điểm tồn dư ngân sách rất lớn nếu không mua lại trái phiếu chính phủ, thưa ông?
Kho bạc là nơi giữ ngân khố quốc gia, vì vậy, thanh khoản ngân quỹ nhà nước phải được đảm bảo trong mọi thời điểm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản chi bằng nội tệ và ngoại tệ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp và các đơn vị, tổ chức mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, đặc biệt là khoản chi an sinh xã hội, chi phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, bão lũ…
Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng cho ngân sách trung ương vay có thời hạn, qua đó, giảm chi phí vay hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nguồn ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi còn lại (sau khi đã được sử dụng để cho ngân sách trung ương vay) được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại hoạt động an toàn theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương để trả nợ gốc.
Vì vậy, công tác huy động trái phiếu chính phủ được Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh ngay từ đầu năm, bảo đảm đủ vốn cho các công trình, dự án, nên vốn huy động tồn dư do giải ngân chậm như những năm 2022 trở về trước, nếu có cũng không nhiều.