Ngân hàng - Bảo hiểm
Không thể "thả phanh" cho lãi suất cao
Thùy Liên - 08/06/2015 08:53
Ngành ngân hàng muốn vứt bỏ “con dao treo hờ” mang tên lãi suất cơ bản khỏi Bộ luật Dân sự sửa đổi để rộng đường cho tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại lo ngại việc này, bởi đã từng có những bài học đắt giá trong quá khứ.

Xem kỳ 1: Lãi suất cơ bản: "Con dao treo hờ" trên cổ tổ chức tín dụng

Ngân hàng đòi cơ chế riêng

Bấy lâu nay, các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận (theo Luật Các tổ chức tín dụng) mà “ngơ ngác” không biết có vi phạm Bộ luật Dân sự hay không. Trong thực tế, nhiều trường hợp, ngân hàng áp dụng lãi suất thỏa thuận cao gấp 3 - 4 lần lãi suất cơ bản và khi bị khách hàng tố cho vay ngang ngửa tín dụng đen, thì ngân hàng buộc phải tìm cách xoa dịu.

 

Giải quyết dứt điểm mâu thuẫn về lãi suất cho vay giữa hai bộ luật là yêu cầu chính đáng của ngành ngân hàng và cũng là mong mỏi của cơ quan hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, hai bên lại chưa tìm được điểm chung.

Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng cho rằng, nên bỏ quy định về lãi suất cơ bản ghi trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi hoặc cho phép các các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi quy định trên, mà được thực hiện lãi suất thỏa thuận.

Việc ngân hàng đòi “cơ chế riêng” bị nhiều đại biểu Quốc hội cho là không hợp lý. “Sẽ không bình đẳng, khi mà các tổ chức tín dụng được cho vay với mức lãi suất thoải mái, còn dân sự bị áp trần cho vay”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bình luận.

Thực tế, hiện nay, nhiều công ty tài chính tiêu dùng độc lập hoặc công ty tài chính trực thuộc ngân hàng cho vay với lãi suất rất cao, 30 - 120%/năm. Mức lãi suất “cắt cổ” này không kém tín dụng đen, song mặc nhiên được chấp nhận, trong khi người dân cho vay như vậy sẽ bị quy vào tội cho vay nặng lãi.

Kiến nghị của các ngân hàng nhận được sự tán thành của một số chuyên gia kinh tế. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội nêu quan điểm: “Theo tôi, chúng ta cần phải hướng tới lãi suất thị trường. Hơn nữa, khái niệm lãi suất cơ bản, ngay cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không rõ là cái gì, vì hiện nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ bằng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, không sử dụng lãi suất cơ bản. Ngoài ra, chống cho vay nặng lãi là chống trong dân, chứ không phải trong hệ thống ngân hàng, nên việc quy định trần lãi suất cơ bản như trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi là gây khó cho các ngân hàng thương mại, mà cũng không chống được cho vay nặng lãi”.

Quả thực, không chỉ các ngân hàng, mà nhiều công ty tài chính tiêu dùng, tài chính vi mô cũng bày tỏ lo ngại về trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự hiện nay. Bản chất của các công ty này là cho vay các đối tượng rủi ro cao (không có tài sản thế chấp), nên phải áp lãi suất cho vay cao để bù đắp rủi ro, do đó, quy định trần lãi suất quá chặt sẽ khiến các mô hình này khó phát triển.

Không thể “thả phanh” cho lãi suất cao

Thừa nhận lãi suất cơ bản đang bị vô hiệu, song nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội nghiêng về quan điểm cho rằng, đối với nền kinh tế phát triển chưa bền vững như nước ta, nếu “thả phanh” lãi suất cho vay sẽ gây ra nhiều hệ lụy, mà việc hàng loạt doanh nghiệp phá sản do lãi suất cao giai đoạn 2011 - 2012 là bài học nhãn tiền.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho biết, việc sử dụng trần lãi suất để chống cho vay nặng lãi trên thế giới vẫn được một số nước áp dụng và ở Việt Nam lại càng nên thực hiện.

“Theo tôi, chúng ta đang tiến tới quá trình tự do hóa lãi suất, nhưng hiện tại thì chưa thể tự do hóa lãi suất hoàn toàn, nếu không sẽ “loạn” thị trường, sẽ xuất hiện tình trạng cho vay với lãi suất cắt cổ. Vẫn cần có công cụ khống chế để chặn nạn cho vay nặng lãi, đầu cơ, bắt chẹt người vay, bảo vệ lợi ích của người yếu thế, đồng thời có căn cứ để cơ quan hành pháp thực thi nhiệm vụ của mình”.

Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào từng chia sẻ, nhiều vụ án liên quan đến quan hệ vay mượn, khi tòa xét xử không biết lấy lãi suất nào làm căn cứ để phán xét bên cho vay có vi phạm tội cho vay nặng lãi hay không. Theo ông Hào, sử dụng lãi suất nào cũng được, gọi tên lãi suất đó là gì cũng được, nhưng cần có một mức lãi suất chuẩn nào đó để cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở giải quyết các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến tội cho vay nặng lãi.

Ngay cả TS. Trần Du Lịch, dù ủng hộ bỏ lãi suất cơ bản, song cũng cho rằng, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cần tính toán để đưa ra một cơ sở định tội danh cho vay nặng lãi.

Quan điểm duy trì “chốt chặn” lãi suất cũng nhận được sự đồng thuận của giới luật sư. Theo luật sư Trần Thanh Tùng (Công ty Luật P&P), nhà làm luật sử dụng lãi suất cơ bản để khống chế trần lãi suất cho vay là hướng tới nhiều mục đích: hạn chế cho vay nặng lãi và cân bằng lợi ích cho các bên. Dĩ nhiên, lãi suất cơ bản chỉ là một phương án, nhà làm luật có thể lựa chọn lãi suất bình quân liên ngân hàng, lãi suất bình quân trên thị trường hoặc lãi suất khác. Về nguyên tắc, dù chọn lãi suất nào thì cơ quan soạn thảo luật cũng phải có dữ liệu để chứng minh.

Tin liên quan
Tin khác