Cảng Tam Hiệp của THACO nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai. |
Những “ngọn hải đăng”
Không khó để nhận diện được những đổi thay ở miền Trung thông qua các dự án đầu tư tại các khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình); Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), Chân Mây-Lăng Cô (Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa)...
Ở các khu kinh tế này, qua nhiều năm, việc đầu tư hạ tầng, định hình chính sách, nỗ lực thu hút đầu tư, cải cách hành chính, lựa chọn và ưu tiên lĩnh vực đầu tư… đã đem lại những kết quả tích cực khi thu hút được những dự án lớn. Những dự án này như “ngọn hải đăng” lan tỏa và tạo ra lực hút mạnh mẽ các dự án đầu tư khác đến với khu kinh tế, với các địa phương và tạo nên bức tranh thu hút đầu tư sôi động thời gian qua. Những dự án “hải đăng” ấy cũng tạo ra nhiều việc làm tại chỗ, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông (sân bay, bến cảng, quốc lộ…).
Và điều cũng dễ nhận thấy tại các khu kinh tế này là đường chạy song hành giữa các dự án lớn có vốn đầu tư trong nước và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên con đường tìm bến đỗ an toàn nơi “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Đó là Dự án luyện cán thép Fomosa Vũng Áng hơn chục tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 có tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng; Cảng quốc tế Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng…; Dự án du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Laguna Lăng Cô 2 tỷ USD; Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, dự án sản xuất đồ chơi trẻ em, dự án sản xuất găng tay y tế và sợi polyethylen…
Nếu Chân Mây - Lăng Cô có sự hiện diện của những thương hiệu nghỉ dưỡng lãng mạn bên chân sóng, thì Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) là một trung tâm công nghiệp với các nhà máy quy mô của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp và sản xuất ô tô của Trường Hải. Khu kinh tế Dung Quất, từ nhà máy lọc dầu đầu tiên, cũng đang tiến lên trung tâm lọc hóa dầu quốc gia.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới Tổ hợp luyện cán thép đồ sộ Hòa Phát - Dung Quất; những dự án đô thị, công nghiệp lắp ráp, sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo; Dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp FLC tại Khu kinh tế Nhơn Hội; Khu kinh tế Nam Phú Yên dồi dào dư địa đang bắt nhịp cùng các dự án lớn; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) với Dự án khí hóa lỏng Millenium (Hoa Kỳ) trị giá 15 tỷ USD...
Theo số liệu thống kê gần đây của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng đã thu hút hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký); thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng (chiếm 70 - 75%).
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang trở thành một trong những trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng và cả nước.
Tư duy và tầm nhìn mới
Đến thời điểm này, trên bàn làm việc của lãnh đạo các địa phương vùng miền Trung, chắc hẳn đã có bản phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây không chỉ là một quyết định hành chính thể hiện những con số theo hướng cho phép tăng diện tích, bổ sung nhiều cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, mà vĩ mô và sâu xa hơn là muốn “trao quyền” nhiều hơn nữa nhằm đánh thức những tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, bước đi táo bạo, tạo thêm những cú hích đủ mạnh, khai thác triệt để tiềm năng, thúc đẩy miền Trung phát triển cùng hai đầu đất nước.
Để tận dụng cơ hội, tạo ra những hướng đi khác biệt, Chủ tịch UBND TP. Ðà Nẵng, ông Huỳnh Ðức Thơ cho rằng, các địa phương cần chủ động bàn bạc, phối hợp để xây dựng một cơ chế chung cho cả vùng, bắt buộc đầu tư quy hoạch, phân công luồng thu hút đầu tư.
“Ưu tiên tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực, khu vực có lợi thế khác biệt sẵn có tại các địa phương, xem đây là định hướng chung của cả vùng. Cần nghiên cứu xác định mỗi địa phương có ít nhất một mục tiêu ưu tiên chung của cả vùng và đương nhiên, ngành, lĩnh vực này chính là lợi thế khác biệt của địa phương đó, cần được ưu tiên”, ông Thơ nói.
Với Ðà Nẵng, ông Thơ cho biết, Thành phố luôn nỗ lực hơn nữa để xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh, với mục tiêu đặt ra là trở thành thành phố sự kiện của khu vực và quốc tế. Do vậy, hướng đi sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, thu hút chất xám và nguồn lực lớn.
Đồng quan điểm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với định hướng là Khu kinh tế Dung Quất hội tụ các dự án công nghiệp nặng như lọc hóa dầu và các sản phẩm phụ trợ khác, nên việc phân nhánh các hướng đầu tư chính sẽ tạo nên sự bổ trợ, tương tác và liên kết tốt nhất trong quá trình phát triển của các khu kinh tế trong vùng miền Trung.
Liên quan đến sự phát triển của miền Trung, tại Hội nghị Kinh tế vùng miền Trung - Tây Nguyên giữa tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, miền Trung có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, nhưng động lực tăng trưởng hiện nay còn yếu, nhất là chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay sẵn có. Vì vậy, công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư còn chưa đạt yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số lượng và chất lượng dự án đầu tư FDI vào vùng còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, các dự án đã thu hút được chủ yếu nhỏ và vừa; tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp còn thấp.
Nhiều lần tham dự Hội nghị Phát triển vùng miền Trung, TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những nhận định khá xác đáng rằng, muốn có một tư duy mới trong phát triển kinh tế, trước hết, lãnh đạo các địa phương cần thống nhất và xây dựng định hướng quy hoạch cả vùng miền Trung; xóa bỏ tình trạng quy hoạch theo từng tỉnh, thiếu tính liên kết như hiện nay.
“Trong quy hoạch sẽ có sự phân chia các xu hướng đầu tư phát triển cho từng tỉnh, từng cụm... một cách hợp lý để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương trong tổng thể phát triển chung của cả vùng cũng như của cả nước”, TS. Ngoạn gợi mở.
Ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết cấu hạ tầng vùng miền Trung chậm phát triển có nguyên nhân chủ quan như môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, năng lực cạnh tranh, đội ngũ cán bộ, sự liên kết của vùng còn yếu. Qua đó, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt, cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, cơ chế thông thoáng?”.
Về hạ tầng, Thủ tướng giao liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.