Tiêu dùng
Khu vực FDI xuất siêu hơn 14 tỷ USD
Thế Hải - 21/05/2023 08:19
Xuất khẩu sụt giảm sâu vì thiếu vắng đơn hàng, nhưng thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) qua 4 tháng đầu năm đã vượt 14 tỷ USD. Có thể thấy, FDI vẫn là khu vực tạo tăng trưởng chính cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp FDI xuất siêu, doanh nghiệp trong nước nhập siêu

Theo số liệu thống kê mới nhất mà Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 25,68 tỷ USD); khối doanh nghiệp trong nước đạt 62,74 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 11,79 tỷ USD).

Kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng giảm 13% (tương ứng 16,08 tỷ USD), nhưng khu vực FDI vẫn xuất siêu lớn, đạt 14,18 tỷ USD; ngược lại, doanh nghiệp trong nước nhập siêu 8 tỷ USD.

Có thể thấy, xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Năm 2022, xuất khẩu toàn nền kinh tế đạt 371,5 tỷ USD, trong đó, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 275,9 tỷ USD (tương ứng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu), còn kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ tăng 6,8%.

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 79,1 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng 11,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; kim ngạch nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 64,92 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 14,49 tỷ USD).

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Vai trò của khu vực FDI rất lớn đối với tăng trưởng của nền kinh tế, thể hiện rõ qua đóng góp doanh thu xuất khẩu, tạo việc làm, hình thành chuỗi cung ứng trong các ngành xuất khẩu chủ chốt, từ điện tử, tới dệt may, giày dép…”.

Thực tế cũng cho thấy, xuất siêu của Việt Nam liên tục được cải thiện trong gần 10 năm qua là nhờ sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp FDI.

Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam (chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo) đã làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đạt 319,2 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khi “ông lớn” giảm lao động

Việt Nam đã lọt top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với đóng góp lớn của khu vực FDI. Dòng vốn lớn đổ vào sản xuất đã tạo nền tảng để có tăng trưởng, đưa Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thương mại toàn cầu. Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 730 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Nhưng, một khi xuất khẩu quá phụ thuộc vào khu vực FDI, cũng bộc lộ yếu tố kém bền vững. Đáng chú ý, trong nhiều lĩnh vực đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, thì FDI nắm đến 99%.

Đơn cử, FDI chiếm 99,67% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại; 98,31% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính; 93% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc. Tính riêng năm 2022, ba ngành hàng này, đã tạo nên 159 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khu vực FDI chiếm xấp xỉ 155 tỷ USD.

Những con số này cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đạt thành tích cao và liên tục xuất siêu nhờ đóng góp chủ yếu của khối FDI, trong khi đó, doanh nghiệp trong nước nhập siêu rất lớn. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về chất lượng xuất khẩu và sự ứng biến linh hoạt khi thị trường có biến động.

Ông Lê Quốc Phương, chuyên gia kinh tế phân tích: “Xuất khẩu mới tăng trưởng mạnh về số lượng, song chất lượng chưa theo kịp, giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp hơn các nước ASEAN như Thái Lan,

Singapore, Indonesia. Hiện 86% tỷ trọng xuất khẩu từ công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp là chính”.

Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng quá trình phục hồi chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng không thể phục hồi nhanh.

Có thể thấy rõ thực tế này khi nhìn vào sự sụt giảm đơn đặt hàng của các hãng/nhà mua hàng lớn tại Việt Nam. Các “ông lớn” trong các ngành xuất khẩu vài chục tỷ USD từ dệt may, đến điện tử, giày dép… đều buộc phải cắt giảm lao động, nhẹ hơn là cho công nhân nghỉ việc luân phiên, hết cảnh tăng ca thường thấy.

Do khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Đài Loan) có trụ sở ở quận Bình Tân (TP.HCM) thông báo sẽ sắp xếp lại lao động theo nguyên tắc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động. Doanh nghiệp này hàng năm đóng góp hàng tỷ USD doanh thu xuất khẩu cho ngành giày dép.

“Doanh nghiệp FDI là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp đều có mục đích riêng... Phải từng bước nâng khả năng cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nâng trình độ để tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI nhiều hơn ngay tại thị trường trong nước”, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác