Thời sự
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng
Nguyễn Lê - 12/10/2021 15:35
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2021 đến ngày 30/9/2021, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng
Đến 30/9, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 6.681 tỷ đồng. (Ảnh: Duy Linh) 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô ngân sách lớn, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội chưa thể triển khai hoặc tạm dừng.

Thông tin trên được Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nêu tại báo cáo công tác năm 2021, gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo, năm 2021 có 12 đoàn kiểm toán đề xuất không thực hiện, 11 đoàn chuyển sang thực hiện trong năm 2022; 71 đoàn điều chỉnh giảm thời gian kiểm toán, 48 đoàn điều chỉnh giảm đầu mối so với phương án được duyệt.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2021 đến ngày 30/9/2021, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước 6.681 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.459 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.566 tỷ đồng).

Qua kiểm toán còn kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không phù hợp, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 160 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

Báo cáo của Tổng kiểm toán cũng nêu một số kết quả kiểm toán chủ yếu tại các lĩnh vực. Cụ thể trong kiểm toán báo cáo tài chính lĩnh vực doanh nghiệp, kết quả kiểm toán cho thấy một số doanh nghiệp còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Như, PV GAS - Công ty mẹ (6.863,70 m2 đất trống, quá thời hạn đầu tư), Công ty cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (13.002 m2 đất đang chờ thực hiện dự án); Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau: chưa sử dụng đất theo đúng kế hoạch (Công ty mẹ 34.228 m2, Công ty cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam 8.868 m2); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí: Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (17.284 m2 đất chưa sử dụng).

Sử dụng đất không đúng mục đích có PV GAS: Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam 34.100 m2; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí: Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung 6.602 m2.

Được nhắc đến với hiệu quả đầu tư tài sản cố định thấp là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí: Năm 2020, dây chuyền sản xuất NPK chỉ đạt 45,6% công suất và 63,2% sản lượng sản kế hoạch; một số kho đầu tư dở dang đang làm thủ tục chuyển nhượng nhưng chưa chuyển nhượng được (Kho Tây Ninh: Đầu tư năm 2010, đến năm 2013 dừng thi công, chi phí đầu tư xây dựng dở dang 30 tỷ đồng; Tổng kho Đà Nẵng: Góp vốn đến năm 2012 là 22,93 tỷ đồng, năm 2014 tạm dừng thi công; Kho Vũng Áng - tỉnh Hà Tĩnh: Được phê duyệt phương án chuyển nhượng từ năm 2016 nhưng đến nay chưa có đối tác, đến tháng 10/2017 nhà kho bị sập hoàn toàn do bão).

Một số dự án chậm được bàn giao đưa vào sử dụng dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn như MobiFone (một số dự án mở rộng mạng lưới Metro cho các tỉnh khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Đông Nam Bộ): Các hợp đồng mua thiết bị truyền dẫn được đầu tư từ năm 2017, nhưng đến cuối năm 2020, MobiFone mới bàn giao đưa vào sử dụng. Nguyên nhân theo giải thích của đơn vị chưa thuê được kênh (quang trắng) từ phía đối tác.

Được Kiểm toán Nhà nước điểm danh trong quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn là  PVGAS: Công ty mẹ 568,79 tỷ đồng; Công ty mẹ - MobiFone 724,20 tỷ đồng. Nợ khó đòi lớn có PVGAS: Công ty mẹ 255,40 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam 70,41 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam 16,16 tỷ đồng; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí 233,57 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định. Kiểm toán Nhà nước ban hành 22/22 thông báo kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2020.

Tổng hợp sơ bộ kết quả đến 30/9/2021, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp Kiểm toán Nhà nước không triển khai kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị theo dự kiến.

Tin liên quan
Tin khác