Công trình cống ngăn mặn kênh 10 ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất được khởi công từ đầu năm 2010, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiên Giang làm chủ đầu tư.
Công trình này có tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Công trình này do Công ty Thanh Long thực hiện, sau hơn hai năm thi công cầm chừng thì bỏ dở giữa chừng vì lý do chủ đầu tư thiếu vốn.
| ||
Công trình Cống ngăn mặn kênh 10 Hòn Đất vừa khởi động lại |
Hậu quả của việc bỏ dở giữa chừng công trình này là hàng ngàn ha lúa, cây ăn trái trong khu vực bị thiệt hại nặng, do tình trạng ngập úng cục bộ, không thoát nước ra cửa biển được khi mưa lũ về.
Người dân nơi đây đã nhiều năm phản ánh vấn đề này đến các cấp chính quyền về thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nhưng tới nay công trình này mới được cấp vốn bổ sung và thi công trở lại.
Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, ông Lê Văn Tiển vừa cho hay, dự kiến, Công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa lũ 2013.
Hiện tại, cống ngăn mặn này đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần Vinaconex 27 Đồng Tháp tiếp tục thi công và đến nay đã hoàn thành hơn 75% khối lượng. Các phần việc còn lại như đổ cột, lắp nắp cống, giàn van đang được đẩy nhanh tiến độ
Phó trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang), ông Nguyễn Thanh Văn cho biết, từ năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất và được Bộ NN-PTNT phê duyệt kinh phí đầu tư xây dựng 27 cống ngăn mặn từ huyện Hòn Đất đến huyện Kiên Lương. Tuyến ven biển này đã tương đối hoàn thành, chỉ còn ít cống dang dở do thiếu vốn.
Ông Nguyễn Thanh Văn cho biết thêm, cũng vào năm 2008, Kiên Giang được Bộ NN-PTNT phê duyệt kinh phí 730 tỷ đồng để đầu tư hệ thống cống ngăn mặn tuyến ven biển vùng bán đảo Cà Mau từ huyện An Biên đến An Minh.
Tuy nhiên, đến năm 2012, tỉnh mới được bố trí vốn từ chương trình hỗ trợ mục tiêu quốc gia của chính phủ, với 82 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã giải ngân và đang thi công xây dựng 5 cống vùng bán đảo Cà Mau. Số 22 cống còn lại sẽ tiếp tục phải chờ vốn.
Tại cuộc họp mới đây về tháo gỡ nợ đọng đầu tư công, ông Phạm Vũ Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, qua báo cáo sơ bộ, hiện nay số nợ đọng của các dự án công trình do các ngành và chính quyền địa phương làm chủ đầu tư vào khoảng trên 160 tỷ đồng. Nguyên nhân chính để xảy ra nợ đọng, khiến các đơn vị chậm triển khai, thi công và công trình dang dở là do đầu tư dàn trải.
“Việc cân đối và bố trí vốn hàng năm của tỉnh hay trung ương đều có giới hạn. Thế nhưng, khi giao về cho các ngành và địa phương lập kế hoạch đầu tư thì lại đầu tư nhiều dự án, công trình theo nhóm công trình đầu tư đã được duyệt. Nếu tập trung vốn đầu tư dứt điểm từng dự án, công trình thì sẽ không gây ra lãng phí, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, không tạo ra nợ đọng với các đơn vị triển khai và làm ảnh hưởng đến kế hoạch bố trí vốn cho năm sau”, ông Phạm Vũ Hồng nêu vấn đề.
Huy Thịnh