Việc ký kết các FTA giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó tăng mạnh nhất là hàng may mặc Ảnh: Đ.T |
Có thêm hàng chục tỷ USD nhờ FTA
Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã có thêm hàng loạt hiệp định thương mại tự do, “cầu nối” cho thương mại ở cả chiều xuất và nhập khẩu. Tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi, đến tháng 8/2020 là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và từ tháng 1/2021, thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA).
Hầu hết các FTA thế hệ mới giai đoạn này đều kết nối với các khu vực thị trường quan trọng như EU, Anh, Canada, Mexico…
Tại báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Công thương cho hay, các FTA đã tác động tích cực tới xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam.
Năm 2022, kim ngạch thương mại với các nước trong CPTPP tăng hơn 14% so với năm 2021, đạt 104,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP ghi nhận mức tăng tích cực, như xuất sang Canada tăng hơn 20%, sang Brunei tăng tới 163%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2022 đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký kết FTA.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sử dụng mẫu C/O EUR.1, EUR.1 UK và C/O CPTPP sang các thị trường thuộc 3 FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và UKVFTA) trong năm qua đạt 16,09 tỷ USD.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi cụ thể là CPTPP 5%, EVFTA 26%, UKVFTA 24%.
Nguồn: Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 của Bộ Công thương
Với EVFTA, năm ngoái, thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực EU đạt hơn 62,2 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2021. Các nước EU nhập khẩu gần 47 tỷ USD hàng hóa Việt Nam trong năm ngoái, tăng gần 17% so với năm 2021.
Trong khi đó, UKVFTA, có hiệu lực từ đầu năm 2021, đã đưa trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm qua đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2%.
Bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, khảo sát của VCCI cho thấy, có 18% đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh các nước ASEAN chưa có FTA với Vương quốc Anh, ít nhiều doanh nghiệp Việt đang có lợi thế của “người đi trước”.
Cũng theo khảo sát trên, EVFTA là FTA được các doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng nhanh nhạy nhất. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp từng thu được lợi ích nhất định từ EVFTA. Lợi ích phổ biến nhất mà doanh nghiệp nhận được từ EVFTA là ưu đãi ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các FTA
Hiện tại, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam từ các FTA vẫn thấp, như CPTPP đạt gần 5% (2,54 tỷ USD), UKVFTA khoảng 24% (1,428 tỷ USD), EVFTA cao nhất, đạt gần 26% (12,1 tỷ USD).
Đáng nói là, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chiếm đa số khi xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, trong khi doanh nghiệp nội địa chủ yếu gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Đây cũng là khu vực doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan theo các FTA thế hệ mới nhiều nhất.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tại EU và Anh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ theo Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) của EU với mức thuế suất tương đương so với EVFTA và UKVFTA trong những năm đầu thực hiện.
Sau khi GSP kết thúc từ ngày 31/12/2022, doanh nghiệp chuyển hướng sang sử dụng C/O EUR.1 nhiều hơn và kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU và Anh Quốc sẽ tăng trong năm 2023 và những năm tới.
Theo các chuyên gia, xét một cách toàn diện, thì các FTA, trong đó có CPTPP... đã đem lại lợi thế thuế quan 10-20% cho hàng hóa của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực, tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, với các thị trường khu vực châu Mỹ thuộc CPTPP như Canada, Mexico, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam là khoảng cách địa lý xa xôi, chênh lệch thời gian 12-14 tiếng, nên khó khăn trong giao tiếp vì lệch múi giờ.
Giải thích việc tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP còn thấp, gần 5%, tương đương 2,54 tỷ USD trong năm 2022, Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân chính là do quy tắc xuất xứ trong CPTPP được coi là chặt nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Để tận dụng lợi thế các FTA đem lại, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các hiệp định này. Cùng với đó, từng doanh nghiệp cũng cần tăng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh, nhằm kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu.
Bộ Công thương cho biết sẽ cùng các địa phương thí điểm xây dựng hệ sinh thái, trước tiên là 1 - 2 lĩnh vực, ngành hàng tại mỗi tỉnh, để tận dụng cơ hội từ các FTA.
Là doanh nghiệp có hệ sinh thái khá toàn diện và lợi thế ở lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, Tập đoàn PAN đã tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại, trong đó có CPTPP, EVFTA. Tuy nhiên, “chìa khóa” để tiến nhanh sang các thị trường có FTA là doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư ngay từ đầu để đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường.
“Khi thâm nhập các thị trường khó tính trong CPTPP hay EVFTA, cách tiếp cận duy nhất là phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đề cao tiêu chuẩn về môi trường và cộng đồng”, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại (Tập đoàn PAN) chia sẻ.