Thời sự
Kinh tế 5 năm và cú sốc Covid-19 - Bài 4: Tăng sức đề kháng cho nền kinh tế
Nguyên An - 12/10/2020 09:03
Tái cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới thể chế một cách mạnh mẽ là tiền đề để nền kinh tế Việt Nam tận dụng các cơ hội vượt lên, bứt phá.

Nếu Covid-19 không bất ngờ ập đến, có lẽ 2016-2020 sẽ là kế hoạch đầu tiên của 3 kế hoạch 5 năm gần đây nhất, chỉ tiêu GDP có thể cán đích. Cú sốc mang tên Covid-19 không chỉ khiến những đánh giá về năm 2020, về cả nhiệm kỳ 5 năm bỗng nhiên “đứt gãy”, mà quan trọng hơn, kế hoạch cho một giai đoạn mới đòi hỏi cả các nhà lập pháp cũng như hành pháp phải “mới” hơn, linh hoạt hơn.

.

Bài 4: Tăng sức đề kháng cho nền kinh tế

Bối cảnh mới, sức ép cơ cấu lại nền kinh tế không ngừng tăng, song với kết quả hiện tại của tiến trình được khởi động từ 9 năm trước, các giải pháp cần đột phá mạnh mẽ hơn.

Không như mong đợi

“Cơ cấu lại nền kinh tế có tiến bộ quan trọng, đạt được nhiều chỉ tiêu, nhưng bản thân chúng tôi rất quan ngại, vì thực ra là chưa phải thực chất và chưa hiệu quả. Mô hình tăng trưởng thay đổi rất chậm, chưa rõ nét, phát triển kinh tế tư nhân còn rất chậm, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vấn đề vướng mắc. Chắc chắn, thời gian tới, cần quyết liệt và đồng bộ hơn”.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 13 cuối tuần qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã xác định các mục tiêu cụ thể, hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước. Đó là, đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khái quát như trên, sau khi Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 gần 60 trang đã bắt đầu được “mổ xẻ”, phục vụ việc thảo luận tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Được bàn thảo sôi nổi từ 10 năm trước, đến năm 2012, lần đầu tiên, khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế là “quá trình phân bổ lại các nguồn lực cho tăng trưởng” được nêu ra trong bản kiến nghị từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đã nhận được sự đồng thuận cao trong giới chuyên gia và các đề án của Chính phủ. Để rồi, giữa tháng 2/2013, Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 được phê duyệt.

Cuối năm 2014, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao, ra nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện Đề án, để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Quốc hội cũng yêu cầu, quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng từ năm 2013 đến 2015 phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản có hiệu quả rõ rệt. Nhưng, mục tiêu này đã không đạt được, vào cuối năm 2015.

Như vậy, tái cơ cấu nền kinh tế đã có cả quá trình “vật vã” trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 24/2016/QH14. Tại đây, cơ cấu lại 3 trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng được gom thành một nhiệm vụ. Bốn nhiệm vụ khác là cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường.

Kết quả khái quát sau 5 năm, nhiều con số và chuyển biến tích cực được thống kê, song chốt lại thì “không được thành công như mong đợi”, như chính đánh giá tại báo cáo của Chính phủ. Theo đó, việc không hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) không những làm giảm thành quả của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, mà còn trở nên khó khăn hơn trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Cần nỗ lực vượt bậc

Qua hàng trăm diễn đàn, hội nghị, hội thảo liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề luôn được nêu ra như một cảnh báo là Việt Nam không còn tăng trưởng nhanh nhờ khai thác tài nguyên, thu hút đầu tư nhờ nhân công rẻ. Cú sốc Covid-19 càng cho thấy nền kinh tế cần được tăng sức đề kháng.

Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo quan điểm của Chính phủ, để đạt được những mục tiêu dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt, có kết quả rõ ràng hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Yêu cầu này có lý do từ việc Việt Nam đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn, tạo sức ép phải tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế nhanh và sâu rộng hơn.

Sức ép thứ nhất, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Từ nay đến năm 2030, xu hướng biến đổi khí hậu ở Việt Nam sẽ ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đến người lao động.

Thứ hai, nước ta bước vào thời kỳ già hóa dân số và sự gia tăng của chi phí lao động đang đặt ra thách thức cơ cấu lại các ngành sản xuất - kinh doanh dựa vào lao động kỹ năng thấp. 

Một trong các mục tiêu dài hạn của Việt Nam được đặt ra là phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải có sự bứt phá trong cả giai đoạn chiến lược, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 7-7,5%.

Đáng lưu ý, để đạt được tốc độ tăng trưởng này, tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam ít nhất phải đạt 2,5-3% hàng năm và tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất là 6,5% hàng năm. Đây là mục tiêu cao so với kết quả giai đoạn 2016-2019, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc trong thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Một điểm đáng chú ý là, Dự thảo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này đã không đưa ra con số cụ thể về tiền như một nguồn lực không thể thiếu (đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là 10.567.000 tỷ đồng - tương đương 480 tỷ USD). Điều đó có lẽ phù hợp với khẩu hiệu được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra thời gian qua: “Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế”.

Đột phá từ quy trình làm luật

Khi dư địa từ tài nguyên và các yếu tố vật chất không còn nhiều, thì thể chế lại càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế.

Thống kê của Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2016-2020, có khoảng 230 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành để triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực.

Gần 10 năm là đại biểu Quốc hội, tham gia từ quá trình xây dựng đề án tổng thể cơ cấu nền lại kinh tế và giám sát thực hiện đề án, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cải cách thể chế còn chậm và vướng. Để có đột phá trong lĩnh vực này, cần đột phá từ quy trình làm luật, đây là sự thay đổi từ gốc.

Thay đổi này, theo ông Ngân, tức là thay vì đặt nặng vai trò của bộ, ngành (hiện tại các dự án luật đều được Chính phủ giao các bộ trưởng, trưởng ngành làm trưởng ban soạn thảo - PV), thì phải nâng vai trò lập pháp của Quốc hội lên tầm cao mới. Bộ máy để làm luật phải nằm trong các cơ quan của Quốc hội, phải có cơ chế huy động đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học để làm luật, chứ không phải tận dụng đội ngũ quản lý nhà nước như hiện nay.

Ông Ngân nhấn mạnh, để phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường, cần cải cách mạnh mẽ về thể chế, mà cái gốc để giải quyết được bài toán thể chế là đột phá từ khâu làm luật.

Từ góc nhìn của một đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, thay đổi cơ quan soạn thảo luật chỉ là một phần của câu chuyện cải cách.

Ông Sinh phân tích, nếu luật ban hành rồi mà nghị định, thông tư vẫn chậm và chất lượng vẫn hạn chế như hiện nay, thì kéo theo rất nhiều hệ luỵ, đó là tạo ra khoảng trống pháp lý dẫn đến tổ chức thực hiện rất khó khăn. Hệ luỵ tiếp theo là gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn (bao gồm cả cơ hội đầu tư), thậm chí đình trệ cả sản xuất, tệ hại hơn là làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, từ đó làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật.

“Ví dụ điển hình, Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực và Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực đã gây thiệt hại cho ngân sách gần 5.000 tỷ đồng”, ông Sinh nói.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chất lượng đội ngũ xây dựng luật, văn bản dưới luật còn hạn chế và vẫn còn tình trạng cài cắm lợi ích trong xây dựng luật. Ông Sinh cho rằng, khắc phục được 2 vấn đề này thì thể chế kinh tế thị trường sẽ có tiến bộ.

Ở góc nhìn khác, TS. Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore) nhìn nhận, tình hình về cơ bản rất thuận cho Việt Nam, nhưng chưa có gì phát triển đột biến ở 3 vấn đề nền tảng: thể chế, nắm bắt cuộc cách mạng số và kiến tạo khả năng cộng hưởng với thế giới.

Trong một số lần trao đổi với báo chí, TS. Vũ Minh Khương tạm chia nỗ lực cải cách của Việt Nam thành 2 giai đoạn: Đổi mới từ 1986 đến 2015 và Đổi mới từ 2016 đến 2045. Bí quyết của giai đoạn 2, theo ông, cũng sẽ là bàn tay vô hình, nhưng nó không nằm ở thị trường, mà ở thể chế.

“Với thể chế, chúng ta phải có thiết kế bộ máy để tạo nên sức mạnh vô hình, làm người cán bộ làm việc xả thân như nông dân trên đồng ruộng và doanh nhân trên thị trường. Lợi ích, cơ chế yểm trợ và niềm tin với ý thức trách nhiệm sẽ tạo nên bàn tay vô hình này”, vị chuyên gia nặng lòng với đất nước từng chia sẻ.

Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó có cú sốc Covid-19, nhưng từ điểm “tạm dừng” của kinh tế thế giới và khu vực, Việt Nam có thể đứng ở vạch xuất phát mới để rút ngắn khoảng cách với nhiều nền kinh tế khác. Chặng đường này hanh thông hay khúc khuỷu, tuỳ thuộc vào việc Việt Nam sẽ tận dụng cú sốc Covid-19 như thế nào để phục hồi và tăng tốc.

Tin liên quan
Tin khác