Đầu tư
Kinh tế Kiên Giang tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng
Trúc Giang - 01/09/2023 07:45
Trong nửa đầu năm nay, hầu hết các ngành, lĩnh vực của Kiên Giang đều tăng trưởng dương. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực từ công tác xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch.
Cổng Tam quan (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

Quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong Vùng

Tỉnh ủy Kiên Giang vừa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng, ước tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,29%.

Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, vươn lên đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL (năm 2022, đạt 116.000 tỷ đồng, tỉnh Long An đứng thứ nhất với 156.000 tỷ đồng), dự kiến, cuối năm 2023 đạt 129.600 tỷ đồng, tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm 2020. Đến nay, Kiên Giang thực hiện đạt mục tiêu tổng quát của Đại hội là, “duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu Vùng ĐBSCL”; thu nhập bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 74 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2020.

Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Kiên Giang tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng dương. Trong bức tranh kinh tế của tỉnh, điểm sáng và là động lực cho tăng trưởng là các ngành dịch vụ, du lịch.

Theo đó, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá cao; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 22.197,33 tỷ đồng, tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế Hỗ trợ chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; xây dựng Đề án các giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tổ chức các cuộc khảo sát và hội nghị đối thoại doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các Quy chế phối hợp trong thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 68.101 tỷ đồng, bằng 58,13% kế hoạch năm, tăng 21,57% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 410 triệu USD, tăng 1,18%; nhập khẩu 78 triệu USD, tăng 5,23%.

Các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đón gần 4,953 triệu lượt khách, bằng 59,67% kế hoạch năm, tăng 35,81% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu du lịch đạt khoảng 10.184 tỷ đồng, tăng 136,2% so với cùng kỳ, đạt 78,3% kế hoạch năm.

Về phát triển doanh nghiệp, lũy kế từ đầu năm nay đến ngày 15/6/2023, có 708 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 16.640 tỷ đồng, tăng 44,38% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 23,50 tỷ đồng, tăng 82,87% so cùng kỳ, đây là tín hiệu cho thấy quy mô vốn của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên.

Doanh nghiệp Kiên Giang và Ấn Độ ký bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị Quốc tế xúc tiến Thương mại - Du lịch - Đầu tư giữa Ấn Độ và Kiên Giang năm 2023.  Ảnh: Khánh Thủy

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Kinh tế của tỉnh Kiên Giang 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng khá cao, đó là kết quả mang lại từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhất là chính sách hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ người lao động…

Đặc biệt, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối thị trường, giới thiệu hình ảnh, các điểm đến du lịch địa phương được tỉnh thực hiện có hiệu quả đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, góp phần tích cực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trong những tháng đầu năm nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa du lịch, sản phẩm đặc trưng và các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh... có hiệu quả. Qua đó, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư, thương thảo, thỏa thuận, nhiều hợp đồng giao thương các sản phẩm hàng hóa được ký kết; tạo sức lan tỏa rộng lớn đến các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, vươn lên đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2022, đạt 116.000 tỷ đồng, tỉnh Long An đứng thứ nhất với 156.000 tỷ đồng), dự kiến, cuối năm 2023 đạt 129.600 tỷ đồng, tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm 2020. Đến nay, Kiên Giang thực hiện đạt mục tiêu tổng quát của Đại hội là, “duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; thu nhập bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 74 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2020.

Cụ thể, về hoạt động xúc tiến trong tỉnh, Trung tâm đã tổ chức 3 cuộc, trong đó, vận động, hỗ trợ 32 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản  phẩm đặc trưng kết hợp với quảng bá, giới thiệu đến khách tham quan tại lễ hội trong tỉnh như Phan Thị Ràng, Tao đàn Chiêu Anh Các, Giỗ Tổ Hùng Vương…

Tổ chức buổi kết nối giao thương với sự tham gia của 16 doanh nghiệp tuyên truyền giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng đủ điều kiện để đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Về hoạt động xúc tiến ngoài tỉnh, Trung tâm đã tổ chức 6 cuộc, vận động và hỗ trợ 77 doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu thế mạnh đầu tư Kiên Giang; sản phẩm OCOP, kết hợp quảng bá, giới thiệu du lịch tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Bến Tre. Tại những cuộc xúc tiến trên, các doanh nghiệp đã ký kết 7 bản ghi nhớ trên các lĩnh vực thương mại, du lịch; 2 đơn vị mở đại lý phân phối nước mắm Phú Quốc và trà Mãng Cầu tại Hà Nội.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Chương trình khảo sát điểm đến và tham gia Hội nghị quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Đà Nẵng và Lào Cai.

Về hoạt động xúc tiến nước ngoài, Trung tâm đã phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, các sở, ngành và các đơn vị liên quan tiến hành triển khai thành lập đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để tham gia hội chợ triển lãm ngoài nước (Hoa Kỳ, Đức...) và tổng hợp, trình UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, trong tháng 5/2023, Trung tâm chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại và du lịch tại Kansai, Kobe, Kanazawa và Tokyo (Nhật Bản). Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, đại diện lãnh đạo Trung tâm và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin kết nối với một số các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, cơ hội kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tour tuyến du lịch vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Kiên Giang.

Đặc biệt, vào cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức Hội nghị quốc tế xúc tiến thương mai - du lịch - đầu tư Ấn Độ và Kiên Giang năm 2023. Đây là lần đầu tiên có hơn 140 doanh nhân từ 11 bang của Ấn Độ trên các lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, hóa chất, công nghệ thông tin, du lịch; cùng với đó là 3 hiệp hội như Hiệp hội Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ, Hội đồng Kinh doanh quốc tế Dhronacharya, Phòng Kinh doanh quốc tế Ấn Độ tham gia với các doanh nghiệp thành viên đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch tại Kiên Giang. Đây cũng là đoàn doanh nhân Ấn Độ lớn nhất tới Việt Nam trong thời gian gần đây. Tại Hội nghị, doanh nghiệp hai bên đã ký 4 bản ghi nhớ về hợp tác, phát triển trên lĩnh vực giày da, du lịch, giáo dục và thủy sản.

Mới đây, Trung tâm cũng đã kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023 (diễn ra từ ngày 16 - 20/8/2023 tại Bangkok). Đây là dịp để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, liên kết hợp tác, mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hóa đặc trưng của tỉnh tại Thái Lan.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa cũng như tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch, bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, những tháng còn lại trong năm 2023, Trung tâm tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức đầu tư, thương mại, du lịch ở nước ngoài và cơ quan xúc tiến trên cả nước để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới trong và ngoài nước

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các quy định pháp luật, chính sách về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thông tin tình hình thị trường; hỗ trợ, tư vấn các nhà đầu tư, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả hơn. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…

Tin liên quan
Tin khác