Các đại biểu đánh giá kinh tế tuần hoàn là mô hình ưu việt, vừa giúp doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, vừa bảo vệ môi trường và hướng đến nền kinh tế phi phát thải. |
Nhận định này được ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đưa ra tại Chương trình đối thoại “Kinh tế tuần hoàn – Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng triển khai tại Việt Nam”. Chương trình do VBCSD-VCCI phối hợp cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức chiều nay 7/10 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của thế giới, lượng rác thải nhựa của Việt Nam rất lớn. Với tốc độ đẩy rác thải nhựa, gồm cả túi nilon dùng 1 lần, ra môi trường khoảng hơn 8 triệu tấn/năm thì có lẽ Việt Nam đứng thứ 4 ở châu Á về xả rác thải nhựa. Nếu không có biện pháp ngăn chặn trên quy mô quốc gia và quốc tế, đến năm 2030 theo ước tính của Liên hợp quốc, ngoài biển sẽ nhiều nhựa, sắt, thép và nguyên vật liệu xây dựng hơn cá đang bơi, ông Nguyễn Quang Vinh nêu.
Lâu nay chúng ta vẫn phải đấu tranh giữa một bên là hoạt động kinh doanh, đầu tư và sản xuất và một bên là bảo vệ môi trường. Có lẽ kinh tế tuần hoàn là lời giải tốt, giúp giải quyết xung đột trên, bởi ưu việt của kinh tế tuần hoàn là vừa giúp doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, vừa hướng đến nền kinh tế phi phát thải và bảo vệ môi trường.
Tổng thư ký VCCI cho rằng, những lợi ích kinh tế tuần hoàn mang lại cho doanh nghiệp, cho xã hội cần mổ xẻ kỹ lưỡng. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần ứng dụng tư duy của kinh tế tuần hoàn vào mô hình kinh doanh của mình.
Theo ông Ernesto Hartikainen, chuyên gia cao cấp về kinh tế tuần hoàn của Quỹ đổi mới Phần Lan (SITRA), tình trạng rác thải tràn lan tại nhiều bãi biển hiện nay là hậu quả của việc tiếp cận mô hình kinh tế trong quá khứ của các quốc gia, đó là việc quá chú trọng thói quen tiêu dùng lãng phí tài nguyên, thậm chí “tài nguyên” rác.
Minh chứng cho sự lãng phí đó, ông Hartikainen cho hay, ô tô là phương tiện đi lại chính ở các nước, nhưng phần lớn thời gian ô tô lại “đứng yên” ở các bãi đỗ xe. Theo thống kê sơ bộ, trên 92% thời gian của ô tô ở các nước là “đứng yên”, 60% văn phòng để trống… cho thấy sự lãng phí rất lớn đối với các nền kinh tế.
Các phát thải hiện nay chủ yếu đến từ quy trình quản lý vật liệu, cách sản xuất và xả thải sản phẩm hàng ngày. Mô hình kinh tế tuyến tính (nguyên vật liệu - thiết kế - sản xuất - phân phối - sử dụng - rác thải) như hiện nay gây nhiều hậu quả tới môi trường, do vậy cần phải thay đổi bằng mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Hartikainen khuyến nghị.
Bức tranh kinh tế tuần hoàn có thể hiểu đơn giản là làm sao để nguyên vật liệu được đưa vào sản xuất một cách phù hợp, sau đó tái sử dụng sản phẩm, phụ phẩm và vật liệu thải ra một cách hiệu quả.
Theo chuyên gia này, có 5 mô hình kinh doanh chính trong kinh tế tuần hoàn, gồm: kéo dài vòng đời ản phẩm, bán dịch vụ thay vì bán sản phẩm (ví dụ bán dịch vụ ánh sáng thay vì bóng đèn), chia sẻ nền tảng, tái tạo tài nguyên và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Hartikainen nhận định.