Trường ĐH Ngoại thương và các đối tác phát triển đều đặt kỳ vọng lớn qua thỏa thuận hợp tác này. |
Tại buổi ký kết, TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương cho biết: “Trường ĐH Ngoại thương vừa kết thúc thí điểm cơ chế tự chủ và đang hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều bậc học và hình thức; cung cấp dịch vụ nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng cũng như chuyển giao công nghệ cho Chính phủ và các doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra tới năm 2030, ĐH Ngoại thương sẽ trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc học và hình thức ưu tiên tính ứng dụng trong đào tạo. Do đó, việc ký thỏa thuận giữa trường ĐH Ngoại thương với 4 đối tác phát triển sẽ là cơ sở mở ra giai đoạn phát triển mới cho ĐH Ngoại thương”.
Trước mục tiêu này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc DEPOCEN đưa ra lưu ý trong bối cảnh các trường đang đứng trước 4 xu hướng chuyển đổi từ đào tạo tinh hoa sang đào tạo đại chúng; từ offline sang online; từ giáo dục thuần túy sang định hướng nghiên cứu và chuyển đổi ngày càng mang đặc trưng của doanh nghiệp thì trường ĐH Ngoại thương phải nhìn nhận bằng hàng loạt câu hỏi liên quan tới đã đào tạo đại chúng chưa, có nền tảng cho phát triển online chưa hay đã chuẩn bị năng lực cho đổi mới tạo ra sản phẩm thực sự chất lượng cho xã hội chưa?
Trong khi đó, ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Giám đốc điều hành VSV lại đặt khá nhiều kỳ vọng vào việc sẽ giúp những sinh viên trẻ có thêm lựa chọn qua con đường khởi nghiệp.
“Chúng tôi sẽ cung cấp những hỗ trợ cho sinh viên ngay khi còn học ở trường để họ có môi trường cho phát triển khởi nghiệp. Chúng tôi cũng đang có dự định thiết kế trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để sinh viên có thể đến tham gia dự án khởi nghiệp thử sức mình. Đầu năm tới, chúng tôi sẽ kêu gọi vốn cho quỹ khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley, khi đó, Trung tâm khởi nghiệp của trường ĐH Ngoại thương cũng có thể tham gia để tiếp cận những nhà đầu tư, gọi vốn cho trung tâm của mình tạo cơ sở chạy các chương trình khởi nghiệp của sinh viên”, ông Linh nói.
Ông Linh cũng bày tỏ nguyện vọng làm sao ĐH Ngoại thương trở thành trường nổi tiếng đáp ưng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho xã hội và có thước đo hiệu quả bằng việc những doanh nhân thành lập doanh nghiệp có giá trị lớn là những người đã từng học tại Ngoại thương.
“Ở Mỹ có tới 0,023% là các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng có tới 23% GDP đóng góp cho nền kinh tế Mỹ đến từ những doanh nghiệp đã từng sử dụng tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đó, khi hợp tác với trường ĐH Ngoại thương, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những người làm chủ được doanh nghiệp từ những dự án khởi nghiệp. Tất cả những doanh nghiệp đó sau khi lớn dần sẽ tạo nên giá trị lớn hơn cho xã hội”, ông Linh nhấn mạnh.
Nói về những hợp tác trước mắt, ông Nguyễn Quang Thuật, Phó chủ tịch Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica cho biết: “Mặc dù Topica đã hợp tác tương đối lâu với ĐH Ngoại thương qua việc đồng hành cùng chương trình khởi nghiệp Kawai với vai trò tư vấn nhưng với việc triển khai ký kết thỏa thuận này, chúng tôi cam kết sẽ giúp ĐH Ngoại thương triển khai ứng công nghệ trong đào tạo cử nhân trực tuyến. Kỳ vọng lớn hơn là chúng tôi có thể sử dụng nguồn nhân lực đào tạo từ trường để cùng Topica phát triển các mục tiêu cung cấp dịch vụ sang các nước trong khu vực như tại Thái Lan hay Indonesia, những nước chúng tôi đang có hoạt động cung ứng dịch vụ”.
Trong khi đó, ông Tuấn, cũng đặt kỳ vọng không kém khi cho rằng, thông qua kinh nghiệm hoạt động và kinh doanh, các đối tác có thể giúp ĐH Ngoại thương giải quyết những vấn đề nội tại liên quan tới làm thế nào để đưa các startup của sinh viên ra khỏi khuôn khổ các cuộc thi cấp trường để phát triển, làm sao đào tạo từ xa thực sự đạt chất lượng hay làm thế nào để huy động được nguồn vốn của xã hội đầu tư cho trường công lập….