Khi chứng khoán Mỹ có phiên rung lắc và các cổ phiếu vốn hoá lớn sụt giảm mạnh, cổ phiếu của Meta Platforms Inc (công ty mẹ của Facebook) giảm gần 25% riêng trong phiên ngày 27/10. Trong bối cảnh này, một số nhà đầu tư tự nhủ cần nhìn vào diễn biến cổ phiếu trong dài hạn. Tuy nhiên, điều này dường như cũng không chính xác.
Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu Meta cách đây 5 năm - thời điểm công ty vẫn giao dịch dưới tên gọi Facebook cho tới nay, thì giá cổ phiếu đã giảm khoảng 49%. Trong khi cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 tăng 45%. Theo đó, cổ phiếu Meta không chỉ xoá sạch đà tăng trong 2 năm đại dịch, gạt bỏ thành quả khi chuyển mình từ một doanh nghiệp mạng xã hội sang công ty công nghệ, mà còn quay trở lại mức năm 2015.
Meta là một thành phần của nhóm FAANG, các công ty công nghệ khổng lồ, tưởng chừng không thể đánh bại bao gồm Meta (Công ty mẹ của Facebook), Amazon, Apple, Netflix và Alphabet (Công ty mẹ của Google). Dù giá cổ phiếu của nhóm này luôn ở mức cao, nhiều nhà đầu tư vẫn xem đây là tài sản an toàn, bởi các ông lớn này đang chiếm một phần quan trọng của nền kinh tế, từ bán lẻ, giải trí cho tới thiết bị thông minh. Trong khi đó, nền tảng tài chính của các doanh nghiệp cũng rất tích cực, với dòng tiền tốt, doanh thu, lợi nhuận vượt trội so với các đối thủ khác trên thị trường.
Hiện tại, dù nhóm 5 cổ phiếu này vẫn chiếm tới hơn 13% giá trị của chỉ số S&P 500, nhưng “hào quang” dường như đã thuộc về quá khứ.
Trước tiên, giới đầu tư có cái nhìn dè dặt hơn với Meta, nhất là về tham vọng của CEO Mark Zuckerberg khi tập trung vào thế giới ảo (metaverse). Cùng với đó, nhà đầu tư thay đổi suy nghĩ về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp, nhất là khoản lợi nhuận có thể mang lại trong vài quý tới.
Nếu như giá cổ phiếu Meta đã giảm tới 72% trong 12 tháng qua, thì các cổ phiếu còn lại của nhóm FAANG cũng trải qua quãng thời gian đầy thử thách, với mức giảm 40%-60%. Chỉ riêng Apple Ince là khá khẩm hơn cả.
“Nhà đầu tư đang trải qua khủng hoảng về mức độ tự tin với tăng trưởng của doanh nghiệp”, Gene Munster, đồng sáng lập Loup Ventures, hãng đầu tư công nghệ nói và cho biết thêm, nhiều người tin rằng, xu hướng đi xuống của các gã khổng lồ công nghệ có thể kéo dài nhiều năm.
Thực tế, không phải mới đây nhà đầu tư mới lo lắng về Meta. Tháng 2/2022, Meta lập kỷ lục “bốc hơi” vốn hoá trong lịch sử chứng khoán Mỹ, khi vốn hoá giảm hơn 251 tỷ USD chỉ trong 1 phiên, sau khi công bố báo cáo lượng người dùng Facebook giảm sút. Phiên giao dịch ngày 27/10 được xem là lịch sử lặp lại, khi nhà đầu tư lo lắng việc Công ty đang tiêu quá nhiều tiền sản xuất các thiết bị phần cứng, đầu tư nghiên cứu công nghệ phục vụ tham vọng xây dựng thế giới ảo.
Thông điệp từ các cổ đông, nhà đầu tư của Facebook là rất rõ ràng: Họ không muốn đánh cược vào một điều “to tát” nhưng có thể phải trả giá cao trong nhiều năm ròng. Điều nhà đầu tư muốn là hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn tại mảng chủ chốt: mạng xã hội. Đây là tâm lý bình thường của giới đầu tư, nơi lợi nhuận mang lại là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, điều này trở nên khó khăn khi áp dụng với các công ty công nghệ lớn, nơi mà việc thử nghiệm và tiên phong trong các lĩnh vực kinh doanh mới là ưu tiên hàng đầu.
Chẳng hạn, Netflix là công ty tiên phong trong lĩnh vực DVD qua mail, rồi tới streaming, là đối thủ của Walt Disney Co trong lĩnh vực truyền hình. Hay Amazon từ bán sách, các thiết bị gia dụng cho tới mọi thứ. Facebook từng chỉ là trang cá nhân của các sinh viên đại học trở thành mạng xã hội khổng lồ, thâu tóm mảng tin nhắn, ảnh và video và trở thành Meta.
“Facebook là ví dụ điển hình của một doanh nghiệp thành công, bắt đầu từ con số không và đạt được rất nhiều thành tựu. Nhưng câu hỏi đặt ra là, họ có thể lặp lại kỳ tích này hay không? Vẫn có rất nhiều ý kiến lo ngại, tiêu cực về câu chuyện kinh doanh mới của Meta”, Marshall Front, giám đốc đầu tư tại Front Barnett Associates chia sẻ.
Chưa kể, hiện tại, mảng kinh doanh cốt lõi của Meta đang chậm lại. Trong giai đoạn 2013-2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của Meta đạt khoảng 42%. Tuy nhiên năm nay, doanh số bán hàng của Công ty dự kiến sẽ giảm 1%, theo ước tính của các chuyên gia do Bloomberg thực hiện.
Một nguyên nhân khác khiến giới đầu tư bi quan với cổ phiếu của các công ty công nghệ chính là việc lãi suất đang được nâng lên. Lãi suất cao hơn ảnh hưởng mạnh tới các công ty công nghệ, bởi giá trị của nhóm này được tính toán dựa trên triển vọng lợi nhuận trong tương lai. Trong khi đó, khi lãi suất càng cao, thì mức lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai càng giảm sức hút trong hiện tại. Và lãi suất cao hơn cũng khiến giới đầu tư ít sẵn lòng đánh cược vào những câu chuyện còn mơ hồ trong tương lai.
Lạm phát tiếp tục leo thang và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra rất cứng rắn với chủ trương nâng lãi suất. Nhiều điều có thể thay đổi cùng với bức tranh vĩ mô, tuy nhiên hiện tại, nhà đầu tư cảm thấy cần dè chừng hơn với nhóm công nghệ, Scott Kessler, người đứng đầu bộ phận đầu tư lĩnh vực công nghệ tại Third Bridge chia sẻ quan điểm.