Kỳ vọng tốc độ tăng
Mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 là tăng 4,8-5,3%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của năm 2022 (4,75%), năm 2023 (3,65%). Kỳ vọng tốc độ tăng năng suất lao động căn cứ vào các yếu tố tác động - bao gồm tăng trưởng GDP và số lao động đang làm việc.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,42%. Số lao động đang làm việc đạt 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng số lao động đang làm việc so với cùng kỳ năm trước đạt 0,19%. Theo đó, tốc độ tăng năng suất lao động (bằng tốc độ tăng GDP theo giá so sánh chia cho tốc độ tăng số lao động đang làm việc) so với cùng kỳ năm trước là trên 6,2% - là tốc độ tăng khá cao.
Từ kết quả của 6 tháng đầu năm và các yếu tố tác động, có nhiều dự báo về tốc độ tăng năng suất lao động cả năm và so với mục tiêu đề ra.
Trước hết là tốc độ tăng GDP (theo giá so sánh) trong 6 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước; có xu hướng cao lên qua các quý; tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó tăng cao hơn ở nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí), nhóm ngành dịch vụ.
Kết quả 6 tháng cho thấy, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt cận trên của mục tiêu (6,5%), thậm chí có thể cán mốc 7%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến kịch bản cao (tăng trưởng 7%).
Không chỉ tốc độ tăng trưởng GDP cao lên, mà sự chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế cũng là một trong những yếu tố tác động đến năng suất lao động xã hội. Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp - xã hội cao hơn nhiều so với nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản và cao hơn của nhóm ngành dịch vụ. Trong khi đó, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ cao gấp đôi tốc độ tăng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản. Tỷ trọng lao động theo mục tiêu năm 2024 của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản là 26,5%, thấp hơn tỷ trọng tương ứng của các năm trước. Tỷ trọng tương ứng của các nhóm ngành còn lại là công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ cao lên.
Yếu tố cơ bản nhất của tốc độ tăng năng suất lao động là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Mục tiêu năm 2024, tỷ lệ này là 28-28,5%, cao hơn các con số tương ứng của các năm trước.
Một số vấn đề đặt ra
Tuy tốc độ tăng khá, mức năng suất lao động tăng, nhưng mức năng suất lao động thực tế của Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam tuy tăng, nhưng vẫn thấp; ở khu vực nông thôn, ở một số vùng còn thấp.
Cơ cấu chuyên môn kỹ thuật của các trình độ đã có sự chuyển dịch từ năm 2022 so với năm 2010: sơ cấp năm 2010 là 3,8%, năm 2022 là 7,1%; trung cấp tương ứng là 3,4% và 3,7%; cao đẳng là 1,7% và 3,7%; đại học trở lên là 5,7% và 11,9%.
Nếu xét về tỷ số các loại trình độ (năm 2010 sơ cấp là 1/trung cấp là 0,89/cao đẳng, đại học là 1,42; năm 2022 sơ cấp là 1/trung cấp là 0,52/cao đẳng, đại học là 2,20), thì sự chuyển dịch đã theo hướng “thày” cao lên, “thợ” thấp hơn. Do vậy, cần phải rà soát xu hướng chuyển dịch của tỷ số này để hợp lý hơn.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành còn chậm. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản vẫn lớn theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động đang làm việc phi chính thức tuy giảm trong mấy năm nay, nhưng vẫn chiếm trên dưới 2/3 tổng số. Chất lượng đào tạo cũng còn những hạn chế, bất cập về một số mặt, như đào tạo giữa lý thuyết và thực tế, giữa các ngành nghề, giữa đào tạo và sử dụng…