Đồ họa: Đan Nguyễn |
Xét về kim ngạch xuất khẩu, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 (sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông).
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan trong 9 tháng qua đạt 7,817 tỷ USD, tăng tới gần 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan nhiều mặt hàng, trong đó có 12 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD. Đặc biệt, có 2 mặt hàng đạt kim ngạch rất lớn là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,963 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,422 tỷ USD).
Ngoài ra, một số mặt hàng tuy chưa đạt 1 tỷ USD, nhưng có quy mô khá, như giày dép (781 triệu USD), dệt may (766 triệu USD), điện thoại (644 triệu USD…).
Trong quan hệ thương mại với Hà Lan, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn (9 tháng của năm nay đạt 7,337 tỷ USD, cao hơn mức 5,068 tỷ USD cùng kỳ năm 2021).
Mới qua 3 quý năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đã cao hơn mức xuất khẩu cả năm sang thị trường này từ trước đến nay. Mức xuất siêu trong 9 tháng năm nay cũng chỉ thấp hơn kỷ lục 7,62 tỷ USD đã đạt được năm 2021, cao hơn mức xuất siêu cả năm từ năm 2020 trở về trước.
Xuất khẩu và xuất siêu lớn của Việt Nam sang Hà Lan do nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố về mặt hàng, quy mô xuất nhập khẩu của Hà Lan…, còn có yếu tố tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA, mà Hà Lan là một thành viên.
Dự báo, nếu trong quý cuối năm, quy mô xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hà Lan trung bình 1 tháng đạt bằng mức bình quân của 9 tháng qua, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan cả năm sẽ đạt 10,4 tỷ USD, nhập khẩu dự kiến ở mức 704 triệu USD, xuất siêu khoảng 9,7 tỷ USD. Nếu đạt được kết quả này, Việt Nam sẽ có 6 thị trường xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Để đạt được kỳ vọng này, cần kết hợp thực hiện nhiều giải pháp.
Trước hết, cần khai thác triệt để lợi thế khi xuất khẩu vào Hà Lan. Hà Lan là nước có GDP bình quân đầu người khá cao trên thế giới (năm 2020 đạt 59.300 USD, đứng thứ 7 thế giới); tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong cơ cấu nền kinh tế chỉ chiếm chưa đến 2%, tỷ trọng dịch vụ cao (khoảng 70%). Bên cạnh đó, Hà Lan có tỷ lệ dân số thành thị rất cao (92,2%), kim ngạch nhập khẩu lớn.
Cùng với đó, khai thác tối đa những lợi thế ưu đãi của EVFTA; thực hiện đúng quy định của thị trường xuất khẩu để các tránh hàng rào kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa…
9 tháng qua, một số mặt hàng xuất khẩu sang Hà Lan bị giảm kim ngạch, như hạt điều, cao su, mây tre, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại, trong đó có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu có quy mô còn nhỏ. Các doanh nghiệp và ngành hàng cần lưu ý khắc phục.
Đặc biệt, cần có cơ chế để đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Hà Lan và thu hút khách du lịch Hà Lan đến Việt Nam, vì đây là tiền đề, là cầu nối cho quan hệ thương mại giữa 2 nước.