Thời sự
Lãi suất cho vay không giảm: Doanh nghiệp chỉ đủ cầm cự, chưa thể "phản công"
Hà Tâm - 02/08/2015 08:55
Số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và 7 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, CPI đang có mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi cầu yếu thì mặt bằng lãi suất cho vay hầu như không giảm từ đầu năm đến nay, đẩy doanh nghiệp (DN) vào tình thế khó khăn.

CPI tháng 7 năm 2015 tăng 0,13% so với tháng trước và chỉ tăng 0,68% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, lạm phát năm nay sẽ rất thấp, trong khi mặt bằng lãi suất hầu như không giảm, thậm chí còn tăng. Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường dao động ở mức 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện nay đã trở về mức của các năm 2005 - 2006 và lãi suất không còn là vấn đề nóng nữa. Thế nhưng, theo nhiều DN, lãi suất đã có thể chấp nhận được, song chỉ giúp DN có thể cầm cự, chứ chưa đủ thấp để DN vay đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Điều này sẽ khiến năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam ngày càng suy yếu, làm chậm quá trình tái cơ cấu DN.

Các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện đã trở về mức các năm 2005 -2006, nhưng mặt bằng lạm phát hiện nay thấp hơn năm 2005 - 2006, nên lẽ ra mặt bằng lãi suất phải giảm thêm mới hợp lý

 

Chưa kể, có ý kiến cho rằng, tín dụng tuy nóng trở lại, nhưng dòng vốn đổ vào trái phiếu chính phủ, đổ vào các lĩnh vực như giao thông, bất động sản… đang có dấu hiệu tăng nóng, nên sẽ hạn chế vốn vào sản xuất và đẩy lãi suất cao lên.

Một báo cáo gần đây của Ban Kinh tế Trung ương cho biết, lãi suất ngân hàng của Việt Nam trong thời gian qua luôn thuộc loại cao nhất thế giới. Trong khi ở Trung Quốc và Thái Lan suốt 10 năm qua luôn duy trì mức lãi suất ở mức 2 - 4%/năm, thì Việt Nam, lãi suất bình quân trên 10%/năm. Dù vài ba năm gần đây, lãi suất cho vay đã giảm còn 8,5 - 9,5%/năm, song vẫn rất cao so với nhiều nước trong khu vực.

Cũng cần phải nói thêm rằng, mặt bằng lãi suất hiện đã trở về mức các năm 2005 -2006, nhưng mặt bằng lạm phát hiện nay thấp hơn năm 2005 - 2006, nên lẽ ra mặt bằng lãi suất phải giảm thêm mới hợp lý.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, chính sách tiền tệ đang gánh trên vai quá nhiều áp lực: vừa phải đáp ứng vốn ngắn hạn, vừa phải đáp ứng vốn trung và dài hạn, vừa phải ghìm cương tỷ giá, vừa đứng trước áp lực phải cho ngân sách vay. Nghị quyết kỳ họp tháng Tư, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, đề xuất cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối. Trong khi đề xuất này bị các chuyên gia trong và ngoài nước phản đối, thì Bộ Tài chính lại sắp sửa đề nghị NHNN tạm ứng hoặc cho ngân sách vay khoảng 30.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ luôn yêu cầu NHNN giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN cũng muốn giảm lãi suất, nhưng những áp lực trên đã khiến việc này trở nên khó khăn.

Một giải để giảm lãi suất trung và dài hạn hiện nay là Chính phủ và NHNN phải có một gói hỗ trợ cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, giống như gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đang triển khai. Tuy vậy, giải pháp này khó khả thi trong điều kiện ngân sách hạn chế hiện nay.

Có lẽ, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là phát triển thị trường vốn. Muốn làm được điều này, thị trường vốn cần tăng cường sự minh bạch và tăng số lượng hàng hóa tốt. Nếu nâng được tỷ lệ vốn hóa trên thị trường từ mức 30% GDP hiện nay lên 60 - 80% GDP, thì sẽ giải quyết được bài toán vốn trung và dài hạn cho DN, giảm bớt gánh nặng cho ngành ngân hàng. Khi đó, lãi suất sẽ có cơ hội giảm sâu hơn.

Tin liên quan
Tin khác