5 tháng đầu năm, tín dụng mới chỉ tăng khoảng 3,17%
Trao đổi về vấn đề tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2023 đến nay tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15% và đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng.
Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà. |
Đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm thị phần khoảng 44% thị phần tín dụng, tăng trưởng khoảng 35% so với mức mà NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần, tăng khoảng một nửa so với được giao. Do đó, có rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.
Nhìn lại thời điểm cùng kỳ, đến hết tháng 5/2022, tín dụng tăng trưởng 8% so với cuối năm 2021. Trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2022 14%, năm nay nhích hơn một chút mà tín dụng tăng như thế thì cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái.
Theo ông Hà, có 3 nguyên nhân chính, đó là doanh nghiệp sản xuất khó khăn về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm khó khăn; doanh nghiệp nhỏ và vừa đa phần có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu để vay vốn ngân hàng. Thứ ba là doanh nghiệp bất động sản, nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý, ít dự án triển khai nên nhu cầu tín dụng đối với bất động sản giảm sút.
Từ các nguyên nhân này, Phó thống đốc nêu một số giải pháp, trong đó NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau nhiều động thái của NHNN, từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất đã giảm, lãi suất cho vay mới bình quân là 9,07%, giảm 0,9% so với năm ngoái. Với số liệu này, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Với các khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ nên NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có với doanh nghiệp. Với dư nợ mới, các ngân hàng sẽ tích cực cho vay nếu đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Thanh Hà, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển DNNVV, hỗ trợ tìm kiếm tháo gỡ khó khăn thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng…
Giảm lãi suất không quan trọng bằng doanh nghiệp tiếp cận được vốn
Quốc hội vừa qua 2 ngày thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách tại Kỳ họp thứ năm.
Ngay từ khi Quốc hội chưa khai mạc kỳ họp này, ở các phiên thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khó khăn của nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng đã được đặc biệt quan tâm.
Tổng hợp ý kiến của 19 tổ thảo luận về kinh tế, ngân sách, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, phản ánh ý kiến đại biểu cho rằng, trong khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ở thị trường, đơn hàng, thì doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn do thủ tục vay vốn phức tạp và nhiều trường hợp ngân hàng yêu cầu thêm phí hoặc gợi ý mua bảo hiểm. Nghịch lý ở chỗ, trong bối cảnh đó, ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận rất cao.
“Trong bối cảnh lạm phát ổn định, mà lãi suất ngân hàng tăng rất cao là điều bất hợp lý”, Ủy viên Thường trực Ủy ban tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nhận xét.
Điều bất hợp lý nữa, theo đại biểu Lâm là, doanh nghiệp khó khăn như thế, nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi rất khủng khiếp.
Đáng chú ý là, kết quả giám sát nguồn lực huy động trong phòng, chống Covid-19 chỉ ra, trong thời gian dịch dã, lãi suất cho vay giảm, nhưng giảm chậm hơn lãi suất đi vay. “Tức là ngân hàng ăn dày hơn. Ăn dày hơn thì ăn vào đâu? Vào lãi suất tiết kiệm của người dân, vào chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi đi vay. Tức là, nền kinh tế càng khó khăn, ngân hàng không chia sẻ, không hỗ trợ được nhiều lại còn tranh thủ vào đấy”, đại biểu Lâm thể hiện sự bức xúc.
Từ đó, ông Lâm đề nghị chính sách tiền tệ tới đây cần phải hướng tới để ngân hàng gắn kết lợi ích của mình thực sự với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ độc quyền “một mình một chợ”.
Nghịch lý trên tiếp tục được mổ xẻ tại phiên thảo luận toàn thể. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc quá chú trọng về kiềm chế lạm phát, nhưng lại chưa đánh giá kỹ tác động cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm cũng là những bất cập trong công tác điều hành.
“Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại. Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ”, vị đại biểu Bình Phước thẳng thắn.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng nhấn mạnh là, doanh nghiệp đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục.
“Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn còn cao), tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp”, ông An thẳng thắn.
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) khẳng định, hiện nay, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với vốn vay.
Một trong các nguyên nhân, theo đại biểu là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay, vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp.
Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước buộc phải quy định trần room tín dụng, tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát. Do đó, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo thì đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.
“Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, làm cho doanh nghiệp có thể đi đến vỡ kế hoạch trong đầu tư hoặc là trong sản xuất, kinh doanh”, vị đại biểu Sóc Trăng nêu quan điểm.
Vẫn theo đại biểu Vang, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Dẫn kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) nhấn mạnh những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông nhấn mạnh, đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, giải thể, bán lại doanh nghiệp.
Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, đại biểu Trí đề nghị.
Thống đốc: Không thể nói tín dụng tăng thấp là do chính sách
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, không thể nói tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp là do chính sách.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đối với doanh nghiệp đang cần. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Trước ý kiến của các đại biểu, Thống đốc cho hay, về lãi suất, sở dĩ năm 2022, NHNN buộc phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao là 2 lý do.
Thứ nhất là, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021.
Thứ hai là, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn (thời điểm tháng 9, tháng 10/2022, VNĐ chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%). Tăng lãi suất là giải pháp để tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm này, NHNN đã quyết liệt điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.
Lý giải việc không điều chỉnh room tín dụng đầu quý IV/2022 khi hàng loạt ngân hàng khát room, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự cố rút tiền hàng loạt xảy ra tại SCB tháng 10/2022 gây nguy cơ tác động lan truyền tới hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Vì vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm đó, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.Từ việc đổ vỡ của nhiều ngân hàng Mỹ thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn.
Về tín dụng, Thống đốc thừa nhận tín dụng 5 tháng đầu năm nay tăng thấp (khoảng 3%). Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cho rằng, không thể nói tăng trưởng tín dụng thấp là do chính sách bởi thanh khoản tiền được duy trì dồi dào, thậm chí dư thừa. Sang nửa đầu năm nay, dư địa room tín dụng của các ngân hàng rất rộng rãi, dư thừa, không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.
Nguyên nhân chính khiến tín dụng khó tăng, theo NHNN là từ phía doanh nghiệp không có đơn hàng, không có đầu ra nên cầu tín dụng yếu. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại nhưng cần có thêm thời gian. Thống đốc cho rằng, doanh nghiệp cũng như các cơ quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài.
"Về phía Ngân hàng Nhà nước thì trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, chúng tôi điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, cũng ban hành thông tư để cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải rà soát để giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay, căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ và cũng không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo", Thống đốc khẳng định.
Về tín dụng bất động sản, Thống đốc thừa nhận tăng trưởng tín dụng bất động sản thường cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế. Mặc dù vậy, muốn thúc đẩy tín dụng lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp cần tháo gỡ khó khăn pháp lý.
“Những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý, nên giải pháp bây giờ phải tập trung và tháo gỡ vướng mắc pháp lý, các doanh nghiệp cũng cần rà soát để điều chỉnh giá bất động sản để kích thích tín dụng doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà", Thống đốc nhận định.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục Dự án. Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cao, nhưng nhu cầu vay lại là vấn đề, bởi quyết định vay để mua một căn hộ là do người dân. Việc này, theo Thống đốc, sẽ được triển khai trong thời gian tới, đặc biệt trong luật nhà ở hiện nay trình Quốc hội kỳ này đã có điểm "cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân.
Riêng về việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thống đốc thừa nhận đây là việc tồn đọng, khó xử lý. Thống đốc mong đại biểu Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ bởi tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện khó khăn càng khó hơn. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngân hàng đầu tiên và cũng yêu cầu phải tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu.
"Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương cấp có thẩm quyền và hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang thực hiện rất quyết liệt các bước để trước khi phê duyệt đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật", Thống đốc cho biết thêm.
Ngân hàng Nhà nước đã bơm trả thị trường 87.200 tỷ đồng, ngân hàng dồn dập hạ lãi suất
Trong tuần qua (tính tới phiên 1/6), NHNN đã đáo hạn thêm 18.200 tỷ đồng tín phiếu. Như vậy, trong vòng 3 tuần gần đây, NHNN đã đáo hạn 87.200 tỷ đồng tín phiếu, bơm trả lại thị trường.
Trước đó, từ ngày 15/2, NHNN đã triển khai việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày để hút bớt thanh khoản hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Sau gần 1 tháng ròng rã hút thanh khoản, lượng tín phiếu 91 ngày lưu hành đến giữa tháng 3 đạt gần 110.700 tỷ đồng.
Sau 3 tuần liên tiếp đáo hạn tín phiếu, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện chỉ còn 23.500 tỷ đồng và sẽ được NHNN lần lượt bơm trả thị trường từ nay đến giữa tháng 6/2023. Lượng vốn lớn bơm ra thị trường của NHNN đang giúp thanh khoản hệ thống thêm dồi dào.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn dao động ở mức 4-5% khá ổn định trong tuần qua. Đầu tuần qua, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng là 3,97% song đã tăng trở lại mức 4,06% vào phiên 1/6.
Mặc dù vậy, lãi suất huy động trên thị trường vẫn tiếp tục hạ nhiệt. Sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 0,5% từ ngày 25/5, một loạt ngân hàng đã điuè chỉnh lãi suất huy động ở mức 0,3-0,8%/năm tùy từng kỳ hạn.
Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay là 8,5-8,6%/năm, áp dụng tại số ít ngân hàng như GPBank, ABBank. Đa số các ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi cao nhất lên mức 7,5-8,3%/năm.
Riêng nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) có lãi suất thấp nhất hệ thống, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy. Đối với gửi online, lãi suất của một số ngân hàng là 7%/năm.
Sau những động thái quyết liệu của Ngân hàng Nhà nước, VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023 do một số nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Thứ hai, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, Thứ ba, vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.
Mặt khác, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm tốc trong những tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao, thị trường bất động sản & trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cũng như triển vọng kinh tế nói chung vẫn tương đối ảm đạm.
Không dễ dàng cho nhà băng phá sản, cần khoản vay đặc biệt lãi suất 0%
Theo nghị trình Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình vào sáng 5/6.
Một trong nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là Dự thảo cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đặc biệt.
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm ảnh hưởng thế nào đến khả năng thu hồi khoản vay đặc biệt.
Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định khoản vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm do về nguyên tắc các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khả năng thanh toán, nếu không có bảo đảm sẽ không có tính cảnh báo, răn đe các ngân hàng thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo khả năng thanh toán do biết có thể được vay đặc biệt dẫn đến hệ lụy rủi ro cho người cho vay và khách hàng; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt từ “đến mức 0%” thành “là 0%” như quy định tại dự thảo (tránh việc ấn định cùng một mức lãi suất ưu đãi tối đa cho từng TCTD có thực trạng và vấn đề xử lý khác nhau); làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt, sự cần thiết của việc hỗ trợ các TCTD cho vay đặc biệt cũng như được chỉ định cho vay đặc biệt; đánh giá tác động của việc cho vay đặc biệt đối với chính các TCTD được chỉ định này.
Trong trường hợp chỉ định một số TCTD cho vay đặc biệt thì cần làm rõ căn cứ Ngân hàng Nhà nước lựa chọn TCTD để chỉ định cho vay đặc biệt cũng như căn cứ phân bổ số tiền cho vay đặc biệt đối với mỗi TCTD cho vay đặc biệt. Việc chỉ định TCTD cho vay đặc biệt với lãi suất 0% như quy định tại Điều này có mâu thuẫn với quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của TCTD quy định dự thảo không?
Tại văn bản giải trình, Chính phủ cho rằng, Ngân hàng nhà nước với nhiệm vụ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD, cần thiết cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD có nguy cơ/mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống.
Trên thực tế, có trường hợp TCTD có đủ tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho khoản vay đặc biệt, nhưng cũng đã có trường hợp/giai đoạn cấp bách, tài sản của TCTD rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu TSBĐ khoản vay đặc biệt theo quy định, NHNN đã phải cho vay đặc biệt không có TSBĐ.
Đối với trường hợp thực tế gần đây, TCTD bị rút tiền hàng loạt và không đủ TSBĐ, nếu Ngân hàng nhà nước không cho vay đặc biệt để chi trả cho người gửi tiền thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, tình trạng rút tiền lan truyền cả hệ thống, dẫn đến nguy cơ mất an toàn hệ thống TCTD, kéo theo sự bất ổn của kinh tế, chính trị, xã hội.
Việc cho vay đặc biệt không có TSBĐ, theo Chính phủ, không thể tránh khỏi bất lợi về khả năng thu hồi khoản vay, tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực của Bảo hiểm tiền gửi và NSNN còn hạn chế, việc cho phép TCTD phá sản là không dễ dàng (cần cân nhắc đến hệ lụy đối với sự ổn định chính trị, xã hội, an ninh, chính trị) thì biện pháp cho vay đặc biệt, kể cả khi phải cho vay không có TSBĐ vẫn cần thiết để hạn chế các tổn thất nghiêm trọng hơn về mặt kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, khoản cho vay đặc biệt chỉ áp dụng đối với một số trường hợp và có quy định về ưu tiên hoàn trả khoản vay đặc biệt .
Hồi âm băn khoăn của cơ quan thẩm tra về lãi suất cho vay 0%, Chính phủ giải thích biện pháp cho vay đặc biệt không chỉ hỗ trợ riêng TCTD vay đặc biệt mà nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi cho người dân, tổ chức gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, lợi ích của biện pháp cho vay đặc biệt lãi suất 0% cần được xét trên tổng thể, dài hạn về mặt kinh tế, xã hội.
Việc quy định rõ mức lãi suất 0% áp dụng chung đối với khoản cho vay đặc biệt tạo sự rõ ràng, minh bạch trong thực hiện vì thực tế các TCTD phải vay đặc biệt đều gặp các khó khăn như nêu trên, không có cơ sở để phân định từng mức lãi suất đối với từng trường hợp.
Về tác động , theo báo cáo, khi cho vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra lưu thông (không sử dụng nguồn NSNN), tương tự như thực hiện các biện pháp, công cụ tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở…, tác động đến thanh khoản, tiền tệ, lạm phát tùy theo diễn biến tiền tệ, thị trường. Cho vay đặc biệt là biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, ngăn chặn đổ vỡ hàng loạt, góp phần bảo đảm hệ thống thanh toán thông suốt, duy trì ổn định trật tự và an toàn xã hội, qua đó, thị trường tiền tệ, môi trường hoạt động ngân hàng, kinh doanh cũng được ổn định để thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu lực, hiệu quả.
Khi xảy ra trường hợp TCTD có nguy cơ hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, dù do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, Chính phủ cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng đổ vỡ, mất an toàn hệ thống (đây là thực tế chung các nước, không chỉ có Việt Nam). Trong đó, cho vay đặc biệt là một trong các biện pháp cần thiết được xem xét thực hiện, báo cáo nêu.
Chính phủ cũng cho rằng, đối với việc chỉ định cho vay đặc biệt thì không thể tránh các vướng mắc như ý kiến của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên biện pháp chỉ định chỉ áp dụng khi đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Đảm bảo an toàn hoạt động cũng chính là đảm bảo an toàn chi chính TCTD đó và các TCTD cũng có trách nhiệm chung trong quá trình đảm bảo an toàn hoạt động TCTD.
Điều hành thị trường trên cơ sở cân bằng tỷ giá
Trong 5 năm trở lại đây, thị trường tài chính gánh chịu nhiều biến động từ các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Việc áp dụng biện pháp chống lạm phát của các quốc gia tạo áp lực lên tỷ giá, đòi hỏi công tác điều hành phải hết sức linh hoạt.
Từ năm 2018 đến nay, thế giới chứng kiến nhiều xung đột thương mại, chính trị hay sự kiện bất ngờ, thậm chí dẫn đến những cú sốc kinh tế, tiêu biểu như cuộc xung đột Nga - Ukraine; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang (năm 2018); đại dịch Covid-19; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất về 0 - 0,25% (năm 2020); chính sách zero-Covid của Trung Quốc; thông tin vỡ nợ của Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc (năm 2021); khủng hoảng năng lượng tại châu Âu năm 2022; Silicon Valley Bank (Mỹ) sụp đổ trong những tháng đầu năm 2023...
Với hàng loạt sự kiện có tác động trực diện tới nền kinh tế toàn cầu, chính phủ các nước đã có những động thái trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm ổn định kinh tế quốc gia.
Tỷ giá luôn được đánh giá là nhân tố quan trọng trên thị trường. Chính sách tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường tài chính. Hiện nay, USD vẫn là đồng tiền thanh toán đóng vai trò trung tâm trong thương mại, hệ thống tài chính nói chung và hệ thống tiền tệ thế giới nói riêng.
Theo đó, khi USD tăng giá, có xu hướng làm tăng giá nhập khẩu nước ngoài, tác động trực tiếp làm tăng giá hàng hóa, đồng nghĩa lạm phát cũng bắt đầu tăng lên. Điều này có nghĩa là, giá nhập khẩu sẽ cao hơn và nguồn dự trữ USD tại các quốc gia dần cạn kiệt do chi phí thanh toán bằng USD tăng lên. Thực tế cho thấy, hầu hết hàng hóa được định giá bằng USD, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp phải đối mặt với áp lực lạm phát bổ sung do USD tăng mạnh.
Với chuỗi hoạt động kiềm chế mức tăng quá nóng của lạm phát, USD đã đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ vào tháng 9/2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, tuy USD có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng áp lực từ biến động tỷ giá vẫn là bài toán của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trước tình hình bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, với 3 biểu hiện chính, gồm: áp lực lạm phát, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và diễn biến kinh tế tiêu cực ở nhiều quốc gia.
Tại Mỹ, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội về sự phát triển chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại lớn với Mỹ, định kỳ nửa năm 1 lần. Bên cạnh đó, Khung đánh giá tỷ giá hối đoái toàn cầu của Kho bạc Mỹ được ban hành nhằm tạo công cụ đánh giá các khoản định giá tiền tệ có hợp lý so với điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia hay không.
Ngoài ra, Mỹ còn ban hành Đạo luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại (năm 2015) nhằm thiết lập các tiêu chí để xác định thao túng tiền tệ.
Tại châu Âu, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến an ninh năng lượng và gây lo ngại về hoạt động kinh tế ở khu vực châu Âu. Trong năm 2022, ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Đối với Nhật Bản, trước những lo ngại liên quan đến chênh lệch tỷ giá có thể phát sinh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản xây dựng báo cáo công bố về tỷ giá ngoại hối định kỳ hàng tháng. Đối với chính sách điều hành tỷ giá, sự can thiệp của các cơ quan, ban, ngành chỉ dành cho những trường hợp rất đặc biệt với sự tham vấn trước phù hợp, trên tinh thần tôn trọng tính tự do giao dịch của thị trường.
Tại Trung Quốc tồn tại 2 loại nhân dân tệ là CNY và CNH. Trong đó, CNY bị kiểm soát tập trung bởi chính quyền trung ương Trung Quốc, còn CNH là đồng tiền thực hiện giao dịch ngoại hối tự do trên thị trường, đáp ứng mục tiêu quốc tế hóa tiền tệ quốc gia và không bị kiểm soát bởi chính quyền trung ương. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý nhân dân tệ bằng cách thiết lập tỷ giá ngang giá trung tâm, quy định về biên độ giao dịch mà nhân dân tệ trong nước được phép giao dịch trong phạm vi 2% theo cả 2 hướng tăng và giảm.
Chính sách ngoại hối cho phép chính quyền Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối thông qua việc gây ảnh hưởng lên lãi suất của các tài sản bằng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài, thiết lập và lựa chọn thời gian, khối lượng giao dịch đối với hợp đồng kỳ hạn của các ngân hàng quốc doanh tại Trung Quốc và việc chuyển đổi tiền thu được từ ngoại hối của các doanh nghiệp nhà nước.
Với vai trò quan trọng trong việc giám sát và dự báo tác động trên thị trường tài chính nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - tổ chức tài chính quốc tế của Liên hợp quốc - góp phần điều hòa thị trường trước những biến động tỷ giá, duy trì các cam kết về tỷ giá hối đoái để đảm bảo trật tự cân bằng trên thị trường chung, tăng trưởng bền vững và thịnh vượng.
Tuy nhiên, chính sách điều hòa trước biến động tỷ giá hối đoái chỉ có hiệu quả khi sợi dây liên kết với lập trường chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ) nhất quán. Theo chiến lược điều tiết thị trường toàn cầu, ổn định tỷ giá luôn là chính sách quan trọng, nằm trong cam kết của các thành viên G7, G20 và IMF.
Đơn cử, trong nội dung Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 từ năm 2013 đến nay, sự biến động quá mức của các dòng tài chính và những biến động bất ổn trong tỷ giá hối đoái có tác động bất lợi đối với sự ổn định kinh tế và tài chính. Theo đó, các nước áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt và đồng nhất trên tinh thần hợp tác chặt chẽ để cùng nhau phát triển.
Điều hành tỷ giá nằm trong chính sách ngoại hối của các quốc gia. Tại Việt Nam, cân bằng tỷ giá được xác định là mục tiêu quan trọng. Từ năm 1999, nước ta đã có những quy định cơ bản về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước nói chung và cân bằng tỷ giá nói riêng.
Theo Nghị định số 86/1999/NĐ-CP, Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng là nền tảng để ứng phó với biến động tỷ giá, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ về việc điều hòa chính sách ngoại hối dựa trên các nghiệp vụ liên quan đến tỷ giá.
Hiện nay, để quản lý dự trữ ngoại hối rõ ràng và hiệu quả hơn, Quỹ Dự trữ ngoại hối, Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng được tách biệt dưới sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, theo Điều 2 và khoản 2, Điều 3, Nghị định số 50/2014/NĐ-CP.
Ngày 17/10/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Nhìn lại cả năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thay đổi biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND. Đây là sự chủ động thích ứng trước áp lực biến động tỷ giá trên thị trường.
Có thể thấy, chính sách can thiệp tỷ giá được xem là một công cụ để đối phó với áp lực thị trường, không phải là biện pháp thay thế. Các cơ quan chức năng cần thiết lập chính sách kiểm soát linh hoạt dựa trên sự cho phép tỷ giá hối đoái biến động theo thực tế thị trường để phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế và hạn chế can thiệp ngoại hối trong trường hợp điều kiện thị trường rối loạn, đồng thời tránh tích trữ, dự trữ ngoại hối quá mức.
Một số ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng đáng ngạc nhiên
Báo cáo "Cập nhật ngành ngân hàng và bất động sản và Tác động đến thị trường chứng khoán" do SSI Research vừa công bố cho thấy, nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế rất yếu 4 tháng đầu năm.
Trong nhóm 12 ngân hàng lớn và trung bình mà SSI nghiên cứu, tín dụng chỉ đạt 12% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với quý 1/2022 (20%) và chỉ tương đương với thời điểm dịch bệnh bắt đầu (quý 1/2020).
Hiện tại, một số ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng đáng ngạc nhiên. Theo SSI Research, động lực tăng trưởng chính đến từ các khoản cho vay ngắn hạn cho doanh nghiệp. Dư nợ cho vay ngành bất động sản và xây dựng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có thể thấy rõ tại một vài ngân hàng. Trong khi tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng tốt thì tín dụng các lĩnh vực khác tăng chậm, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước không mấy thuận lợi.
Xét trên toàn hệ thống, theo SSI Research, tín dụng tính tới tháng 4/2023 chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm, riêng tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 9,78%.
Nhiều khả năng, con số mà SSI Research thống kê là tín dụng kinh doanh bất động sản. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, tính đến ngày 25/4, tín dụng bất động sản tăng 3,51%, trong đó vay mua nhà cá nhân sụt giảm mạnh, vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng ngân hàng nửa cuối năm sau sẽ phụ thuộc vào sự tiến triển về mặt pháp lý của các Dự án bất động sản. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, các ngân hàng mới có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ. Hiện tại, vấn đề này đang được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, thay vì một giải pháp tổng thể cho toàn bộ các dự án. Do đó, tác động đối với từng ngân hàng có tỷ trọng cho vay với thị trường bất động sản cũng sẽ rất khác nhau. Tương tự như vậy, việc cơ cấu lại nợ cũng sẽ được cân nhắc theo từng trường hợp cụ thể dựa vào khả năng hồi phục của khách hàng.
Cụ thể, với các dự án không vướng mắc pháp lý, SSI Research kỳ vọng các dự án này có thể nhận được nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục xây dựng và đủ điều kiện tái cơ cấu. Các khoản cho vay mua nhà liên quan sau đó cũng có thể được xem xét để giãn thời gian trả nợ. Như vậy, nhà phát triển bất động sản có thể hoàn thành dự án và bàn giao căn hộ cho người mua nhà sau này. Theo đó, rủi ro nợ xấu phát sinh từ chuỗi giá trị bất động sản liên quan đến các dự án đó có thể dần được kiểm soát vào năm 2024.
Tuy nhiên, với các dự án có vấn đề pháp lý phức tạp (như sai quy hoạch). Việc gia hạn thêm 1 năm cho các dự án này có thể là chưa đủ. Do đó, việc cơ cấu các khoản vay cho những dự án này và các khoản vay mua nhà liên quan có thể được ngân hàng xem xét một cách cẩn trọng.
Trong khi đó, điểm mấu chốt của những ngành nghề khác (như thép, xuất nhập khẩu, năng lượng tái tạo...) là liệu các doanh nghiệp này có thể sớm có đơn đặt hàng mới trở lại hay có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá ưu đãi để cải thiện dòng tiền đủ để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong nửa cuối năm 2024 hay không.
“Chúng tôi đang theo dõi việc hạ lãi suất có giúp nhu cầu tín dụng phục hồi hay không đặc biệt là trong thời điểm mà tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang rất yếu do tình hình kinh tế không thuận lợi”, các chuyên gia phân tích nhận định.
Mặt bằng lãi vay chưa thể giảm đại trà
Từ tuần này, các ngân hàng rục rịch lên kế hoạch điều chỉnh lãi suất với các khoản cho vay hiện hữu. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đại trà chưa thể giảm ngay do các ngân hàng còn tồn kho khá lớn lượng vốn đắt huy động trước đó.
Từ đầu tuần này, thêm hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của nhóm Big 4 còn 5,5%/năm, nhóm ngân hàng TMCP lớn và trung giảm hết về mức dưới 8%/năm và chỉ còn lác đác ngân hàng nhỏ có lãi suất 8 - 8,3%/năm. Với các kỳ hạn dài, lãi suất huy động chỉ còn 8,6%/năm.
Điểm đáng chú ý là, lãi suất huy động có sự phân hóa rõ rệt. Theo đó, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn của nhóm Big 4 đang thấp hơn nhóm ngân hàng TMCP từ 1 - 3%, cho thấy tình trạng dư thừa vốn tại các ngân hàng không đồng đều. Trong khi các ngân hàng lớn thừa vốn, thì các ngân hàng nhỏ vẫn phải duy trì lãi suất cao để thu hút vốn. Theo đó, không phải ngân hàng nào cũng có thể sớm giảm lãi suất cho vay.
Hiện nhiều khách hàng vay vốn vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi vay với dư nợ cũ. Phía ngân hàng TMCP cho biết, sẽ giảm 0,3 - 0,5% lãi vay với khách hàng hiện hữu, song chỉ áp dụng với một thời gian hoặc với gói tín dụng nhất định, chưa thể áp dụng sâu rộng.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, quý IV/2022 và quý I/2023, ngân hàng này phải chịu mặt bằng lãi suất huy động quá cao, lãi suất huy động mới bắt đầu hạ nhiệt vài tháng. Trong khi đó, cung - cầu tín dụng biến đổi quá nhanh (cuối năm 2022, cầu lớn, nhưng ngân hàng thiếu room; đầu năm nay, thanh khoản bắt đầu dồi dào, thì cầu tín dụng lại quá yếu) khiến ngân hàng đang ế một lượng “vốn đắt” rất lớn.
“Chúng tôi rất muốn giảm lãi suất để kích cầu tín dụng, song đang tồn một lượng không nhỏ vốn huy động với lãi suất cao, cần thời gian để tiêu thụ hết thì mới giảm lãi suất được. Hiện chúng tôi chỉ có thể giảm lãi suất cho khách hàng vay mới, còn khách hàng hiện hữu thì chỉ giảm được trên cơ sở chọn lọc, nếu giảm ngay toàn bộ, sẽ gây áp lực rất lớn với ngân hàng”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Theo các ngân hàng thương mại, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho ngân hàng hạ lãi vay, giảm chi phí vốn, từ đó hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay được triển khai rộng đến đâu còn tùy thuộc vào việc ngân hàng “tồn kho” vốn đắt bao nhiêu, cũng như huy động được bao nhiêu vốn giá rẻ thời gian tới.
“Số vốn huy động giá cao của ngân hàng còn nhiều, song sẽ vơi dần. Lượng vốn mới giá thấp hơn dần trung hòa chi phí giá vốn cho các ngân hàng. Đến khi trung hòa được chi phí, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay nhiều hơn”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB nhận định.
Tồn kho vốn đắt vẫn còn, trong khi sức ép giảm lãi suất cho vay ngày càng tăng khiến các ngân hàng đứng trước nguy cơ sụt giảm NIM (chênh lệch lãi suất huy động/lãi suất cho vay).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau 2 năm đạt đỉnh lợi nhuận, ngành ngân hàng sẽ phải giảm tốc, co hẹp NIM để hỗ trợ nền kinh tế và tự cứu mình. Năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 29 ngân hàng ở mức 34%, nhưng năm nay, đa số chỉ đặt mục tiêu 13 - 15%.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tính toán, năm 2022, NIM bình quân của các ngân hàng khoảng 3,5%. Với lãi suất cho vay chịu áp lực giảm như hiện nay, NIM ngân hàng sẽ quay về mức 3,2% như năm 2021 - vẫn là con số khả quan.
Lợi nhuận ngân hàng năm 2023 đang có nhiều yếu tố bất lợi như: thu nhập từ lãi dự kiến kém đi (tín dụng tăng thấp, NIM giảm); thu nhập ngoài lãi giảm; áp lực dự phòng tăng mạnh. Đây là lý do khiến “cổ phiếu vua” chưa bứt phá sau khi lãi suất điều hành hạ nhiệt.
Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế (gồm cả hạ lãi suất) đang tác động tích cực lên ngành ngân hàng. Trước mắt, ngành này có thể sẽ hạ nhiệt tăng trưởng từ đỉnh, song vẫn giữ được tốc độ sinh lời khả quan và triển vọng sáng sủa dài hạn.
“Trong chu kỳ 3 - 4 năm, chúng tôi vẫn thấy dư địa lớn để các ngân hàng Việt ghi nhận các động lực tăng trưởng mạnh mẽ (tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tỷ lệ NIM khoảng 4% và tăng trưởng thu nhập phí trên 20%)”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank nhận định.
Theo Maybank, 4 năm qua, các ngân hàng niêm yết đã tạo ra trên 25% lợi tức đầu tư mỗi năm cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng theo chiến lược mua và nắm giữ. Một số ngân hàng như VIB, SHB và VPB thậm chí còn tạo ra lợi nhuận trung bình 35 - 50% cho các nhà đầu tư này.
Mặc dù triển vọng dài hạn vẫn sáng sủa, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn, song để đầu tư vào cổ phiếu vua, giới chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần nhìn vào dấu hiệu dòng tiền để tránh bị “chôn vốn”. Lý do là ngành ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành tương đối lớn với gần 60 tỷ cổ phiếu, vì thế, để cổ phiếu này lên giá mạnh, cần thêm dòng tiền lớn chảy vào.
Riêng với doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, chưa thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất quay về thời kỳ “tiền rẻ”. Hơn nữa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không thể trông chờ vào mỗi chính sách lãi suất, nhất là trong bối cảnh năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp như hiện nay. Chưa kể, nếu lãi suất giảm sâu quá, sẽ có những “phản ứng phụ” không mong muốn.