Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 78 năm ngày mất của bác sĩ A.Yersin (1/3/1943 - 1/3/2021) ảnh: hoàng lệ hà |
Huyền thoại về “”ngọn đuốc” sử”
Bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin (A.Yersin) sinh ra ở Thụy Sĩ, nhưng lại chọn Nha Trang - Khánh Hòa là “bến đỗ” của cuộc đời. Có nhiều lý do dẫn đến mối nhân duyên này, nhưng có lẽ, phong cảnh hữu tình và con người thân thiện là một trong những lý do. Điều đó được ông cảm nghiệm trong cuốn nhật ký (ngày 6/5/1891): “Rời Sài Gòn phải mất 28 tiếng đồng hồ mới tới Nha Trang, tàu phải neo cách bờ 1 dặm và chỉ đậu lại 1 giờ, vì thế không lên được bờ. Thật đáng tiếc vì vùng này có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục…”. Giờ đây, người dân Nha Trang nhắc đến ông với tên gọi “ông Năm” đầy thân thương.
Ngược dòng sử sách, năm 1886, A.Yersin sang Pháp làm việc ở Viện Pasteur Paris và là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur. Đến năm 1988, ông bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa tại Trường đại học Paris với đề tài “Một chứng nhiễm trùng huyết của bệnh lao thể nghiệm”. Chứng bệnh đó hiện nay được mang tên ông. Cũng trong năm đó, ông cộng tác với bác sĩ Emile Roux và tìm ra độc tố vi trùng bạch hầu. Kết quả cơ bản này đã mở đường cho những công trình nghiên cứu trong những năm kế tiếp, tiến tới việc điều chế các huyết thanh kháng độc.
Năm 1890, A.Yersin quyết chí viễn du và lên đường sang Viễn Đông trên chuyến tàu buôn của Hãng Hàm Rồng. Và rồi, vào cái ngày định mệnh 29/7/1891, vẻ đẹp mê hồn của xứ sở trầm hương - Nha Trang đã “chinh phục” ông.
Từ đây, ông đã đi qua 1/3 lãnh thổ Việt Nam, xuyên qua những khu rừng rậm nguyên sinh, vượt “nóc nhà” cao nguyên. Bước chân ông đã in dấu trên dãy Trường Sơn kỳ vĩ. Cuộc thám hiểm kéo dài 4 năm trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Năm 1893, ông khám phá cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên), thuộc xứ sở sương mù Đà Lạt ngày nay.
Đôi điều về huyền thoại A.Yersin
Năm 1895, A.Yersin sáng lập Viện Pasteur Nha Trang. Năm 1902, ông là Hiệu trưởng đầu tiên Trường đại học Y khoa Đông Dương (nay là Trường đại học Y Hà Nội).
A.Yersin đã từng qua các chức vụ: Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang, Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Đông Dương, đại diện Viện Pasteur Paris tại Đông Dương, Tổng giám đốc các viện Pasteur Đông Dương, Giám đốc danh dự Viện Pasteur Paris khi bác sĩ Emile Roux tạ thế.
Những kỷ niệm về ông lưu dấu tại Khánh Hòa được Nhà nước công nhận cụm di tích cấp quốc gia xếp hạng, gồm: Thư viện A.Yersin tại viện Pasteur Nha Trang, chùa Linh Sơn, khu mộ A.Yersin tại Suối Dầu và các công trình, địa danh như Nhà làm việc của ông trên đỉnh Hòn Bà; Công viên Alexandre Yersin; đường Yersin, đường Xóm Cồn; Trường THCS Yersin TP. Nha Trang, Trường THCS A.Yersin huyện Cam Lâm… Ngoài ra, rất nhiều con đường, trường học, cơ sở y tế tại các tỉnh, thành phố trong nước mang tên A.Yersin.
Dịch Covid-19 làm chúng ta nhớ lại đại nạn dịch hạch, một trong những căn bệnh khủng khiếp trong lịch sử loài người. Đỉnh điểm là vào năm 1894, bệnh dịch hạch hoành hành và trở thành đại dịch tại Quảng Đông, Hồng Kông (Trung Quốc) và bác sĩ A.Yersin được yêu cầu đến Hồng Kông để nghiên cứu về dịch bệnh này. Ông đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì khoa học. Trong điều kiện thiếu thốn thiết bị y tế, ông tự xây dựng phòng thí nghiệm bằng tre nứa thô sơ, với các dụng cụ thí nghiệm, kính hiển vi… do ông mang theo.
Bác sĩ A.Yersin đã tìm tòi, miệt mài ngày đêm nghiên cứu và kết quả là ông đã phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch, tác nhân gây bệnh dịch hạch. Chưa dừng lại, ông đã nhanh chóng điều chế ra huyết thanh ngừa bệnh và chữa trị thành công cho người bệnh. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, vi khuẩn được đặt theo tên ông là “Yersinia pestis”.
Riêng tại Nha Trang, A.Yersin đã sống và làm việc trong 50 năm, hoàn thành 55 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cống hiến cho đời sống con người. Trong đó, có công trình khoa học cộng tác cùng bác sĩ Emile Roux tìm ra độc tố bạch hầu; nghiên cứu ký ninh trị bệnh sốt rét từ cây canh-ki-na do ông di thực.
A.Yersin thực nghiệm nhiều giống cây cao su, ca cao, cà phê, trà… từ châu Âu vào Việt Nam. Ông đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương, là người phát hiện ra Hòn Bà (Khánh Hòa). Ông còn là nhà thiên văn học, dự báo thời tiết giúp ngư dân xóm Cồn đi biển, tránh giông bão. Ông nuôi trồng và sản xuất ra các sản phẩm để có nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học, giúp đỡ người nghèo, khám chữa bệnh không lấy tiền.
Ngày 1/3/1943, ông mất và được chôn cất tại Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) với di nguyện mãi nằm tại mảnh đất này. Tình yêu của ông dành cho Nha Trang quá bao la và rộng mở, như di chúc ông để lại: “Khi tôi chết, tôi ước muốn chôn cất ở Suối Dầu… Hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi”.
Theo nguyện vọng của người dân tỉnh Khánh Hòa, với tấm lòng ái mộ bác sĩ A. Yersin, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định thành lập vào ngày 11/11/1992.
Để tưởng nhớ công lao, sự hy sinh, đóng góp và tấm lòng nhân ái của bác sĩ A.Yersin - “Công dân danh dự Việt Nam”, hàng chục năm qua, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp kết nối tổ chức các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, phát huy tài sản quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học A.Yersin, tìm hiểu và vận dụng những thành tựu của A.Yersin, tấm lòng nhân ái và tình yêu con người của ông được lan tỏa rộng rãi với nhiều hoạt động cụ thể.
Hàng năm, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa tổ chức các lễ kỷ niệm ngày sinh 22/9, tưởng niệm ngày mất 1/3, viếng mộ đầu năm, tổ chức phòng khám bệnh từ thiện A.Yersin khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, thực hiện dự án hỗ trợ nuôi dạy trẻ em khuyết tật, giúp đỡ người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, trao Giải thưởng A.Yersin cho các học sinh giỏi Trường THCS Yersin Nha Trang và Trường THCS A.Yersin huyện Cam Lâm, kết nối nhiều hoạt động với TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)…
Các hoạt động của Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa đã và đang được sự đóng góp của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, tiếp bước con đường nhân văn cao cả của bác sĩ A.Yersin và lan tỏa tinh thần “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống” của ông.
Lấy ““ngọn đuốc” sử” làm… du lịch
Những di sản to lớn mà bác sĩ A.Yersin để lại không chỉ được “trưng bày trong tủ kính”, mà ngày càng được chính quyền tỉnh Khánh Hòa, người dân Nha Trang và những người ái mộ ông chung tay lan tỏa, nâng tầm giá trị bằng những việc làm rất cụ thể.
Ngày 17/6/2022, hưởng ứng Liên hoan Du lịch biển Nha Trang 2022, tại Quảng trường 2/4, đường Trần Phú, TP. Nha Trang, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức mắt Chương trình “Hành trình theo dấu chân bác sĩ A.Yersin”, nhằm vinh danh vị danh nhân vĩ đại của nhân loại đã sống, gắn bó và dành trọn cuộc đời với xứ sở trầm hương.
Chương trình như là một trải nghiệm mới để người Việt Nam và nước ngoài có thể hiểu rõ thêm về cuộc đời, những đóng góp và thành tựu quý giá mà ông đã để lại cho nhân loại và lịch sử của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Đồng thời, sản phẩm du lịch mới còn góp phần làm phong phú sản phẩm, dịch vụ du lịch cho du khách khi đến với Nha Trang - Khánh Hòa.
Ngay sau khi Chương trình ra mắt, Chi hội Lữ hành Khánh Hòa đã tổ chức tour trải nghiệm cho các đại biểu tham gia Liên hoan Du lịch biển Nha Trang 2022 và khách du lịch. Đại biểu và du khách được tham quan công viên mang tên nhà khoa học lừng danh A.Yersin; tản bộ dọc cầu Trần Phú ngắm cảnh sông Cái và biển Nha Trang, với cửa Đại và xóm Cồn, lầu Ông Tư - nơi bác sĩ Yersin đã gắn bó hơn 50 năm; thăm Viện Pasteur Nha Trang - do bác sĩ A. Yersin thành lập năm 1895 và Bảo tàng Yersin - nơi trưng bày nhiều bút tích của A. Yersin.
Đến Suối Dầu, du khách được nghe kể về bác sĩ A.Yersin từng khai hoang làm trang trại chăn nuôi và trồng trọt, lấy kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học và giúp đỡ người nghèo; viếng mộ, thắp hương tưởng niệm ông…
Chị Lê Thị Hoa (một du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, Chương trình “Hành trình theo dấu chân bác sĩ A.Yersin” là hình thức du lịch mới lạ, gây xúc động mạnh không chỉ với người lớn, mà với cả thế hệ trẻ. Đến với Nha Trang - Khánh Hòa, du khách không chỉ vui chơi, giải trí bằng các loại hình du lịch biển, mà còn có cơ hội tỏ bày tình cảm, lòng biết ơn đối với những cống hiến to lớn, tấm lòng nhân ái của vị bác sĩ, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đáng kính dành cho nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng”.
Theo ông Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, điều mà cộng đồng làm du lịch ở Nha Trang mong muốn là du khách khi đến Nha Trang - Khánh Hòa không chỉ biết đến du lịch biển, mà còn biết đến du lịch văn hóa, du lịch về nguồn qua vị bác sĩ đáng kính A.Yersin. “Từ khi triển khai đến nay, tour đã nhận nhiều phản hồi tích cực của du khách. Hội Lữ hành Khánh Hòa và các công ty du lịch sẽ cố gắng hoàn thiện tour và quảng bá rộng rãi đến du khách”, ông Đức phấn khởi.