Tài chính - Chứng khoán
Lãng quên "nỗi sợ" NHNN phát hành tín phiếu, VN-Index tăng gần 26 điểm
Tùng Linh - 13/03/2024 18:30
Tâm lý nhà đầu tư trở nên ổn định hơn và dòng tiền giao dịch sôi động giúp thị trường chứng khoán có một phiên giao dịch tích cực.

Sau 2 ngày rơi sâu gần 39 điểm, tâm lý nhà đầu tư dường như đã có sự ổn định trở lại, giúp thị trường có phiên hồi phục nhẹ ở phiên ngày 12/3 dù thanh khoản giảm tương đối. Trong ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu ngày thứ 3 liên tiếp với. Tuy nhiên, các ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ động thái này dường như không còn tác động đến hành động của nhà đầu tư.

Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhiều nhóm ngành cổ phiếu ghi nhận sắc xanh và điều này kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Dù vậy, sự thận trọng vẫn diễn ra khi áp lực bán đôi lúc dâng cao và khiến các chỉ số thu hẹp đà tăng. Mặc dù vậy, lực cầu vẫn khá mạnh. Chính điều này giúp giao dịch trên thị trường trở nên khởi sắc hơn. Sang đến phiên chiều, đôi chút áp lực cũng được tạo ra và có thời điểm khiến thị trường rung lắc. Tuy nhiên, lực cầu bất ngờ dâng cao đã kéo hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu bứt phá, đà tăng lan tỏa đều đến khắp thị trường chung.

Vẫn như các phiên trước, nhóm cổ phiếu xuất khẩu biến động theo chiều hướng tích cực nhất. Trong đó, DGC bứt phá ngay từ sớm và được kéo lên mức giá trần, thậm chí còn dư mua giá trần. Chốt phiên, DGC đóng cửa ở mức 127.200 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của DGC đã kéo hàng loạt cổ phiếu cùng ngành hóa chất - phân bón như DDV, BFC, LAS... bứt phá theo. Cùng với đó, nhóm thủy sản cũng ghi nhận đà tăng mạnh của VHC với 4,3%, IDI tăng 3,1%, ANV tăng 2%. Ở nhóm dệt may, ADS hay GIL được kéo lên mức giá trần. VGT tăng 4%, MSH tăng 3%...

Nhóm cổ phiếu thép, sau nhịp nghỉ khá dài trước đó thì phiên nay có những sự hồi phục đáng kể trở lại. VGS và KVC tăng trần trong khi HSG tăng 3,4%, NKG tăng 3%. Ông lớn ngành này là HPG cũng có được mức tăng 2%.

Các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán cũng không kém cạnh khi ghi nhận dòng tiền chảy mạnh vào trong đó, IVS, ORS, VDS, VIX hay VCI được kéo lên mức giá trần. CTS tăng 5,6%, MBS tăng 5,4%, BSI tăng 4,8%...

Trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn, FPT tiếp tục gây nên bất ngờ khi ghi nhận mức tăng lên đến 4,6% và khớp lệnh hơn 5,4 triệu cổ phiếu. FPT chỉ đứng sau VCB về mức độ tác động tích cực nhất đến VN-Index với 1,58 điểm. Trong khi đó, VCB đóng góp 2,18 điểm khi tăng 1,7%. Các cổ phiếu ngân hàng cũng có một phiên giao dịch tương đối tích cực. Các cái tên của nhóm ngành này như TCB, VPB, ACB, VIB, TPB... đều tăng giá tốt.

Ở chiều ngược lại, không nhiều các mã vốn hóa lớn giảm giá. VJC là cái tên hiếm hoi giảm giá với 0,3%. VJC cũng là mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index với số điểm lấy đi là 0,04. Các mã tác động xấu tiếp theo là những cái tên thuộc nhóm midcaps như SBT, TCD, CAV...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 25,51 điểm (2,05%) lên 1.270,51 điểm. Tại sàn HoSE, có 433 mã tăng, 64 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,17 điểm (1,78%) lên 238,2 điểm. Sàn HNX có 136 mã tăng, 40 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (0,84%) lên 91,53 điểm.

Top cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index chủ yếu là các cổ phiếu ngần hàng

Đầu tàu dẫn dắt phiên tăng hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn đầu là VCB, VPB, MBB, ACB, CTG, BID. Cùng đó, FPT cũng nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chung. 

Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 982 cổ phiếu, trị giá 26.292 tỷ đồng, 26,7% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.710 tỷ đồng. Tại sàn HNX và UPCoM, giá trị giao dịch đạt lần lượt 2.272 tỷ đồng và 836 tỷ đồng.

VIX là cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất thị trường với 37,3 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, hai cổ phiếu chứng khoán là SSI và VND khớp lệnh lần lượt 36 triệu đơn vị và 35 triệu đơn vị.

Giao dịch khối ngoại phiên 13/3.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng hơn 500 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VNM với 243 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VHM cũng bị bán ròng 121 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MWG được mua ròng mạnh nhất với 68 tỷ đồng. DCM và HPG được mua ròng lần lượt 42 tỷ đồng và 31 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác