Doanh nghiệp
Lê Anh Tiến, đồng sáng lập Chatbot Việt Nam: “Ký sinh” trên người khổng lồ
Hồng Phúc - 28/03/2019 09:23
Phát triển chatbot (hỗ trợ bán hàng tự động) bằng cách “ký sinh” trên các nền tảng ứng dụng đã có sẵn hàng chục triệu người dùng không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí, mà còn mang lại hiệu quả cao cho Chatbot Việt Nam.
Lê Anh Tiến, CEO Chatbot Việt Nam đại diện nhóm sáng lập nhận giải Start-up Công nghệ tiềm năng do Grab trao tặng.

Mua hàng qua Messenger, tại sao không?

Chatbot Việt Nam cung cấp các giải pháp về chatbot trên các nền tảng các ứng dụng nhắn tin như Messenger, Zalo, Viber… cũng như tự động đồng bộ khách hàng đa kênh, chăm sóc, re-marketing đến nhóm khách hàng mục tiêu. Theo đó, người dùng có thể tìm kiếm thông tin, mua sản phẩm, dịch vụ qua Messenger, thay vì phải truy cập vào các trang thương mại điện tử. 

Start-up này có 3 thành viên đồng sáng lập đều ở độ tuổi 9x là Lê Anh Tiến (đảm nhiệm vị trí CEO), Hoàng Minh Phú và Nguyễn Đình Tùng, được thành lập từ tháng 11/2017, khi xu hướng khởi nghiệp với chatbot đang phát triển ở Việt Nam dựa trên công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo…

Lê Anh Tiến sinh năm 1990, tốt nghiệp khoa Điện tử - Viễn thông (Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) năm 2015, là 1 trong 10 nhân vật dưới 30 tuổi trong danh sách People to Watch 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Tiến cùng người anh song sinh đồng hành và sở hữu nhiều phần mềm đạt một số giải thưởng trong nước và quốc tế. 

“Chúng tôi tự hào là một start-up trẻ, nhiệt huyết và năng động và đang hướng tới trở thành Unicorn (start-up được định giá trên 1 tỷ USD) tại Việt Nam”, Lê Anh Tiến nói.

Với đội ngũ hiện tại, CEO Chatbot Việt Nam tự tin sẽ nhanh chóng giải quyết được khó khăn lớn nhất nói chung với các mô hình chatbot là hình thành thói quen mua hàng của người dùng qua các ứng dụng nhắn tin Messenger. 

Hiện có gần 300.000 người dùng tương tác trực tiếp vào hệ thống Chatbot Việt Nam mỗi tháng và hơn 68.000 fanpage cài đặt chatbot hỗ trợ bán hàng, trong đó, hơn 7.000 fanpage trả phí, tùy theo gói dịch vụ.

Chatbot Việt Nam phục vụ 3 nhóm khách hàng là doanh nghiệp, nhà nước, cá nhân; trong đó, gói cá nhân có giá 290.000 đồng/tháng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 dự kiến đạt 30 tỷ đồng cũng tạm đủ để tiếp tục phát triển sản phẩm đến khi bước vào giai đoạn mở rộng thị trường. 

“Khi đó, chúng tôi sẽ cần ít nhất 3 triệu USD”, CEO Chatbot Việt Nam cho biết. 

Cấy nền tảng vào nền tảng 

Mục đích ban đầu khi xây dựng Chatbot là phục vụ việc quản lý cửa hàng cà phê mà Lê Anh Tiến và đội ngũ sáng lập đang vận hành tại một không gian làm việc chung. Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm đạt hiệu quả trên mức kỳ vọng, đội ngũ này cải tiến và nhân rộng trở thành sản phẩm thương mại. 

Lê Anh Tiến cùng đội ngũ sáng lập dựa trên những con số “biết nói” để lựa chọn mô hình “ký sinh” cho Chatbot. Đó là, 48% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội, 91% cửa hàng sử dụng Facebook, hơn 30 triệu người dùng Facebook sẽ có tương đương số lượng tài khoản sử dụng Messenger. 

“Start-up có nguồn vốn hạn hẹp. Vì vậy, thay vì tốn chi phí tiếp cận người dùng đến với từng trang mua hàng, thì việc tích hợp trên nền tảng Messenger, hay chọn cách ký sinh trên người khổng lồ đã có sẵn hàng chục triệu người dùng, với hành vi sử dụng đã trở thành thói quen là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả”, Lê Anh Tiến chia sẻ.

Messenger, Instagram và WhatsApp đều thuộc quyền sở hữu của Facebook. Anh Tiến cho biết, dự kiến cuối năm 2019, cả 3 ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội này sẽ được hợp nhất. Đó là cơ hội để Chatbot Việt Nam có thể tiếp cận thêm nhóm khách hàng tại Instagram và WhatsApp cũng như có thêm dữ liệu phân tích hành vi người mua hàng. 

Lựa chọn hình thức “ký sinh” vào Facebook nghĩa là, nếu càng phụ thuộc vào mạng xã hội này, rủi ro hệ thống của Chatbot Việt Nam sẽ càng cao. Do đó, chuẩn bị sản phẩm gối đầu là kế hoạch Chatbot Việt Nam buộc phải được thực hiện. 

Đội ngũ Chatbot Việt Nam đưa ra giả thuyết, 1 - 2 năm tới, công cụ chatbot sẽ trở nên phổ biến và sẽ có thêm nhiều đối thủ tham gia vào thị trường. Khi đó, dù muốn hay không, Chatbot Việt Nam buộc phải chia sẻ lượng khách hàng. 

“Thời gian tới, Chatbot Việt Nam sẽ không quá phụ thuộc riêng vào Facebook. Sản phẩm gối đầu chúng tôi đang xây dựng sẽ dựa trên việc cấy nền tảng Chatbot Việt Nam vào các nền tảng chatbot khác. Khi đó, khách hàng của các đối thủ cạnh tranh cũng sẽ là khách hàng của chúng tôi”, Lê Anh Tiến chia sẻ về kế hoạch phát triển sản phẩm và cho biết, muộn nhất 2 tháng nữa, phiên bản “ký sinh” 2 của Chatbot Việt Nam sẽ được ra mắt.

Chatbot Việt Nam giành nhiều giải thưởng về công nghệ

Năm 2018, Chatbot Việt Nam lọt vào top 5 Cuộc thi Bình chọn Start-up Việt trong hơn 400 start up tham gia, nhận giải Start-up Công nghệ tiềm năng do Grab trao tặng và trở thành đối tác của Grab.

Dự án này còn vượt qua hơn 500 dự án trên toàn cầu, giành vị trí thứ 10 và nằm trong top 24 dự án tham dự chung kết cuộc thi GIST Tech-I Competition năm 2019 do Hiệp hội Xúc tiến khoa học Hoa Kỳ tổ chức.

Chatbot Việt Nam cũng nằm trong top 5 dự án xuất sắc nhất hạng mục E-Business WSIS Prize 2019 - World Summit on the Information Society (WSIS) được tổ chức bởi International Telecommunication Union (Geneva, Thụy Sỹ) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Tin liên quan
Tin khác