Lân Văn Điển có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 19,36%. |
Công ty Lân Văn Điển có vốn điều lệ là 289.734.570.000 đồng. Tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ của Lân Văn Điển tăng từ mức 290.000 tấn năm 2013 lên 301.000 tấn năm 2014. Sản phẩm phân lân chiếm tỷ trọng khoảng 69%-74% tổng doanh thu của Công ty; sản phẩm phân NPK chiếm 26-31% tổng doanh thu.
Mối quan tâm lớn nhất của công chúng đầu tư đối với cổ phiếu VAF khi niêm yết là với giá tham chiếu là 20.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, liệu tân binh này có đủ sức hấp dẫn giới đầu tư?
Với thị trường gồm khoảng 500 DN lớn, nhỏ sản xuất phân bón, thì chỉ có hơn 10 DN, trong đó gồm Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (mã DPM), CTCP Supe và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS), CTCP Phân bón Bình Điền... là có thể so sánh với hoạt động của Lân Văn Điển. Xét riêng về quy mô và cơ cấu sản phẩm chính là NPK và phân lân nung chảy, thì những gương mặt khá tương đồng với Lân Văn Điển là Supe Lâm Thao (mã LAS), CTCP Phân lân Ninh Bình (mã NFC) và CTCP Phân bón miền Nam (mã SFG).
Tiếp đến, xét về tính hiệu quả trong kinh doanh, Lân Văn Điển có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức trung bình so với 3 DN trên. Cụ thể, chỉ số này của Lân Văn Điển là 19,36%, cao hơn so với Lân Ninh Bình và Phân bón Miền Nam, nhưng còn thấp hơn khá xa so với con số 30,25% của Supe Lâm Thao.
Trong khi đó, nếu so về thị giá, thì mức giá hiện tại của cổ phiếu LAS (Supe Lâm Thao) khoảng 28.000 đồng/cổ phiếu, cũng không cao hơn nhiều so với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu VAF của Lân Văn Điển. Phân bón miền Nam tuy có tỷ suất lợi nhuận trên vốn là 17,26%, thấp hơn so với con số 19,36% của Lân Văn Điển, nhưng thị giá của cổ phiếu SFG (Phân bón miền Nam) lại khá thấp, chỉ hơn 16.000 đồng/cổ phiếu. Do vậy, khả năng để Lân Văn Điển cạnh tranh về giá với Phân bón miền Nam trên sàn chứng khoán là không dễ.
Tuy nhiên, nếu so sánh với NFC (Lân Ninh Bình), thì tân binh VAF lại có vẻ khá nổi trội bởi tỷ suất lợi nhuận trên vốn của Lân Ninh Bình chỉ là 17,60%, thấp hơn Lân Văn Điển, nhưng thị giá cổ phiếu NFC lại đang ở mặt bằng khá cao (26.000 đồng/cổ phiếu) so với giá niêm yết 20.000 đồng/cổ phiếu của VAF.
Mặc dù vậy, chỉ số lợi nhuận trên vốn không phải là yếu tố duy nhất để so sánh hiệu quả kinh doanh, trong khi nếu so sánh lợi nhuận trên doanh thu thuần, thì Lân Văn Điển lại tỏ ra vượt trội hơn cả với 9,17%. Ở chỉ số này, Super Lâm Thao, Lân Ninh Bình và Phân bón miền Nam đều thấp hơn, với tỷ lệ lần lượt là 8,8%, 5,34% và 4,55%.
Về kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, Lân Văn Điển đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân lân nung chảy tại Thanh Hóa với công suất 500.000 tấn/năm. Dự kiến, từ quý II/2015 đến quý IV/2016, Lân Văn Điển sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân lân nung chảy (công suất 300.000 tấn/năm). Giai đoạn II từ quý IV/2016 đến quý III/2017, Lân Văn Điển sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân NPK có công suất 200.000 tấn/năm và từ quý II/2017 đến quý II/2018, sẽ mở rộng nhà máy phân lân nung chảy để nâng công suất lên 500.000 tấn/năm.
Trong hoạt động đầu tư của Lân Văn Điển, tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4/2015, một số cổ đông đã đưa một số vấn đề liên quan đến việc Công ty đang “mắc kẹt” tại một dự án tại Thái Bình. Theo ông Hoàng Văn Tại, Tổng giám đốc Công ty Lân Văn Điển, hiện Công ty vẫn đang tập trung nguồn vốn cho Dự án Nhà máy phân lân nung chảy ở Thanh Hóa và sẽ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến Dự án Nhà máy NPK Thái Bình.