Quốc tế
Lo ngại vốn đầu tư mạo hiểm vào Đông Nam Á "ngủ đông" đến năm 2025
Đông Phong - 04/05/2024 10:27
Quý I/2024 chứng khiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Đông Nam Á giảm xuống mức thấp nhất hơn 5 năm qua. Đáng ngại hơn, xu hướng suy giảm này có rất ít dấu hiệu phục hồi.
Dòng vốn chảy vào các start-up Đông Nam Á chỉ đạt 1 tỷ USD trong quý I/2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Reuters

Các công ty khởi nghiệp (start-up) ở Đông Nam Á đã huy động được 1 tỷ USD vốn cổ phần trong quý I/2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước và chưa bằng một nửa so với quý IV/2023, theo báo cáo đánh giá thương vụ SE Asia Deal Review của DealStreetAsia (Singapore). Tổng cộng có 180 giao dịch rót vốn vào các startup được thực hiện trong quý I, giảm 13 giao dịch so với một năm trước.

Báo cáo của DealStreetAsia nêu rõ: "Sau đợt điều chỉnh sâu vào năm 2023, kỳ vọng về sự phục hồi đầu tư vốn mạo hiểm ở Đông Nam Á trong năm nay là rất cao". "Một số chỉ số chính đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm do khủng hoảng thanh khoản toàn cầu, làm giảm định giá và khẩu vị rủi ro đối với các vòng cấp vốn lớn", DealStreetAsia đánh giá.

Hoạt động huy động vốn vào các startup Đông Nam Á bắt đầu từ cuối những năm 2010 và đạt đỉnh cao vào năm 2021 khi các công ty công nghệ số hoạt động trong các lĩnh vực từ fintech đến chăm sóc sức khỏe từ xa đã kiếm bội trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dòng vốn mạo hiểm vào các startup khu vực có chiều hướng đi xuống kể từ quý IV/2021 với​ giá trị các giao dịch chỉ đạt 8 tỷ USD do sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ toàn cầu trong thời kỳ đại dịch bị chững lại và lãi suất bắt đầu tăng. Cần lưu ý rằng Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước những đợt điều chỉnh của thị trường do các startup khu vực thiên về cung cấp dịch vụ tiêu dùng có tính cạnh tranh cao hơn.

Các cuộc khảo sát trước đây của DealStreetAsia cho thấy số tiền huy động hàng quý của các startup Đông Nam Á liên tục vượt quá 1 tỷ USD sau quý I/2019.

Xét theo ngành, thương mại điện tử là một trong những ngành chứng kiến dòng vốn mạo hiểm sụt giảm mạnh nhất trong quý I/2024 do các nhà đầu tư tránh xa các khoản đặt cược thâm dụng vốn. Thương mại điện tử chỉ có 10 thương vụ cấp vốn cổ phần trong quý I và chỉ huy động được 18 triệu USD, mức huy động hàng quý thấp nhất kể từ năm 2019.

Trong những năm gần đây, sức cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử khu vực ngày càng gay gắt khi xuất hiện những “tay chơi” mới như TikTok của "gã khổng lồ" Internet Trung Quốc ByteDance. Còn "cựu binh" như Lazada thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba vào tháng 1/2024 đã sa thải tới 30% nhân viên của mình trên toàn khu vực.

Thị trường IPO toàn cầu trở nên ảm đạm, nên các startup và nhà đầu tư gặp hạn chế trong cách thức bán cổ phần để kiếm lời. Điều này khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các giao dịch ở giai đoạn đầu (early-stage) nên "giá trị các giao dịch này lần đầu tiên vượt qua số tiền huy động được ở giai đoạn sau này (late-stage) kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát", theo DealStreetAsia.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các đợt thoái vốn lớn bị trì hoãn đến năm 2025", ông Shane Chesson, đối tác sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Openspace Ventures (Singapore), bình luận trên tờ Nikkei Asia. Bởi theo lý giải của ông Chesson, thị trường cần sự ổn định và các nhà đầu tư có thể cho các công ty thêm một năm nữa để củng cố tình hình tài chính.

Báo cáo của DealStreetAsia nêu rõ chỉ có 5 thương vụ gọi vốn ở giai đoạn sau được các startup Đông Nam Á hoàn thành trong quý I/2024, mức thấp trong ít nhất 5 năm. Trong đó, thương vụ gọi vốn lớn nhất khu vực (71,3 triệu USD) được thực hiện bởi Asialink Finance, một công ty fintech tại Philippines. Một công ty fintech khác của Philippines, UNOBank, cũng thực hiện thành công một thương vụ thuộc top 10 khu vực với số vốn huy động là 32,1 triệu USD để mở rộng hoạt động ngân hàng số.

Các start-up gọi được lượng vốn lớn trong quý I còn có SingAuto của Singapore (45 triệu USD) và Be Group của Việt Nam (30,3 triệu USD).

Singapore và Indonesia từ lâu là những thị trường khởi nghiệp hàng đầu khu vực. Nhưng quý I năm nay chứng kiến điều khác biệt khi cả hai thương vụ gọi vốn lớn ở Philippines đều được bơm vốn bởi nhà đầu tư Creador của Malaysia, giúp nâng tỷ trọng cấp vốn khu vực của quốc gia này lên 14,2%, chỉ kém một chút so với nước đứng thứ 2 là Indonesia với mức 14,8%.

Tin liên quan
Tin khác