Thời sự
Lo xuất khẩu tăng trưởng chậm lại
Nguyên Đức - 11/05/2015 15:51
Sự tăng trưởng chậm lại của kim ngạch xuất khẩu đang khiến các cơ quan quản lý nhà nước lo ngại. Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh còn nhắc đến cụm từ “căng thẳng” khi nói đến tình hình xuất khẩu và cả nhập siêu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Thực tế, xuất khẩu trong 4 tháng qua vẫn đang tăng so với cùng kỳ. Con số được ước tính là 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm ngoái và cũng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm.

“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại là do giá xuất khẩu và cả lượng xuất khẩu một số mặt hàng, đặc biệt là dầu thô và nông sản giảm mạnh”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh bình luận.

Sự tăng trưởng chậm lại của kim ngạch xuất khẩu đang khiến các cơ quan quản lý nhà nước lo ngại.

 

Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, chỉ trong 4 tháng qua, riêng xuất khẩu dầu thô đã sụt giảm khoảng 1 tỷ USD do giá giảm. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước chỉ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Một bản báo cáo vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố cũng đã cho biết, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại là do cả giá và lượng. “Chỉ riêng trong quý I/2015, chỉ số giá hàng xuất khẩu tính theo USD đã giảm 3,62% so với cùng kỳ. Nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì xuất khẩu cũng chỉ tăng 10,52%, vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ (13,2%)”, báo cáo của Ủy ban viết và cho biết, theo Tạp chí The Economist, chỉ số giá hàng hóa thế giới tháng 4/2015 đã giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều này rõ ràng đang ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm. Những diễn biến tỷ giá được cho là cũng đang gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Chỉ tính riêng đối với xuất khẩu thủy sản, theo thông tin từ Bộ Công thương, trên 90% hợp đồng xuất, nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đều sử dụng đồng USD để thanh toán. Tuy nhiên, đầu năm 2014, do tỷ giá USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác như EUR, yên Nhật, nên xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, do các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị đàm phán để giảm giá, trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.

“Xuất khẩu của Việt Nam đang thực sự khó khăn do giá cao quá. Đồng VND vẫn đang được định giá khá cao, nên có lẽ cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Trong số liệu cập nhật chính thức của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/4/2015, trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, các nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, giày dép, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Và với đà này, đóng góp của các mặt hàng này vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước vẫn sẽ tiếp tục tăng cao. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này.

Tuy nhiên, có một thực tế là, dù xuất khẩu nhóm hàng chế biến, chế tạo này ở mức cao, thì do chủ yếu gia công, lắp ráp, nên giá trị gia tăng không lớn. Trong khi đó, với nhóm nông, lâm, thủy sản, mặt hàng truyền thống và có lợi thế của Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao thì lại đang trong xu hướng giảm.

Nghịch lý trên, theo ông Trần Tuấn Anh, cần phải được giải quyết theo hướng tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường thông qua các cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), làm sao khai thác tối đa thuận lợi về ưu đãi thuế quan. Tương tự, là phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị cho hàng chế biến, chế tạo xuất khẩu của Việt Nam.

Với xuất khẩu hàng nông, thủy sản, một kế hoạch “giải cứu” cũng đang được các cơ quan chức năng thiết kế.

Tin liên quan
Tin khác