Chuyển đổi số - Kinh tế số
Lợi ích của chuyển đổi số nhìn từ thực tiễn Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ
D.Ngân - 14/10/2024 07:11
Chuyển đổi số trong các bệnh viện không chỉ đơn thuần là một xu hướng công nghệ, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tạo thuận lợi cho người bệnh.

Lợi đơn, lợi kép

Thời gian qua chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành Y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện. Mục tiêu chính của quá trình này là nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh trong việc khám chữa bệnh.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã liên tục đánh giá và cải tiến quy trình để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận số lượng người bệnh lớn, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, tối ưu hiệu quả chẩn đoán và điều trị, mang đến sự hài lòng về chất lượng, phục vụ y tế tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Ứng dụng PACS cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh. 

Một trong những cải tiến bước đầu đáng chú ý của cơ sở tất cả người bệnh đặt lịch khám trước qua các nền tảng mạng xã hội, tổng đài hoặc ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được cung cấp số thứ tự và lên thẳng phòng khám, không phải qua bất kỳ phòng, ban nào khác để làm thủ tục. Điều này giúp người bệnh chủ động hơn trong việc đi khám bệnh, giảm thiểu thời gian chờ đợi.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh, Bệnh viện đã triển khai số hóa thông tin, số hóa quy trình và ứng dụng nhiều giải pháp thông minh như: Giải pháp bệnh viện thông minh HIS, Ứng dụng PACS, Hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không LIS,…

Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều ứng dụng trên các phần mềm như quản lý điều hành văn bản điện tử; quản lý hồ sơ bệnh án điện tử từ việc tiếp nhận người bệnh đến khám, chỉ định khám, chỉ định vào viện, đơn thuốc, y lệnh điều trị hàng ngày, chỉ định xét nghiệm - chụp chiếu, tiếp nhận kết quả xét nghiệm - chụp chiếu, kết thúc điều trị, thanh toán ra viện…

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân đặt lịch khám tương tự việc đặt vé máy bay, chọn chuyên khoa, giờ khám.

Sau khi đến viện, mọi người không phải xếp hàng, lấy số mà chỉ cần quét mã là lên thẳng phòng bác sỹ, mọi thông tin đã có sẵn trên hệ thống. Bệnh viện có 12 nghìn bệnh án mạn tính ngoại trú và đến nay, toàn bộ hồ sơ mãn tính giấy đã được đưa vào hệ thống.

Thay vì trước đây điều dưỡng phải mất thời gian vào kho, tìm mã số bệnh nhân, rút hồ sơ đưa bác sỹ, thì nay bác sỹ xem trực tiếp lịch sử bệnh án trên phần mềm HIS.

Nếu phải làm xét nghiệm, thay vì các phiếu chỉ định được in ra, đưa cho bệnh nhân đi xếp giấy chờ được gọi tên, thì nay, bệnh nhân chỉ cần mang mã QRcode của mình, nhân viên y tế tại phòng cận lâm sàng sẽ biết bệnh nhân cần làm gì. Kết quả số sẽ được báo về tin nhắn điện thoại của bệnh nhân và phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để bác sỹ cập nhật, kết luận.

Kết thúc khám, trong khi bệnh nhân làm nghĩa vụ tài chính tại bàn khám, thì dưới nhà thuốc đã nhận đơn và lấy thuốc chờ sẵn bệnh nhân. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc chuẩn bị thuốc có thể bắt đầu ngay sau khi có đơn thuốc từ phòng khám.

Giải pháp cấp phát thuốc thông minh triển khai được trung bình 700-780 đơn thuốc/ngày, rút ngắn trung bình thời gian cấp phát thuốc từ 6,4 phút xuống 62,8 giây; không còn tình trạng chen lấn và ùn ứ ở quầy phát thuốc; xóa bỏ hoàn toàn việc xếp số tại quầy.

Bác sỹ cũng được lợi rất nhiều từ quá trình chuyển đổi số tại Bệnh viện. Bác sỹ Lương Đình Trung, Khoa Khám bệnh nói, 2-3 năm qua, phim X-quang đã không cần phải in ra nữa.

Mọi dữ liệu cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi… của bệnh nhân đều được cập nhật lên phần mềm quản lý bệnh viện.

Giờ đây, bác sỹ chỉ cần có mã số bệnh nhân là có thể truy cập lấy ngay thông tin trên phần mềm quản lý bệnh nhân mà không cần lần giở từng trang bệnh án.

Để hiện thực hóa thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho bệnh nhân khi thanh toán, các khoa, phòng phải in được hoá đơn điện tử, mà tài chính vẫn kiểm soát được.

Bởi vậy, bệnh viện đã xây dựng quy trình số hoá việc thanh toán một cách thuận tiện, nên hồ sơ của bệnh nhân đều được các khoa, phòng giải quyết ngay khi kết thúc khám, không dồn về buổi chiều như trước.

Nhờ công nghệ thông tin, bệnh viện quản trị minh bạch nguồn tiền bệnh viện vào ra từ các hoạt động của các đơn vị.

Trước kia chưa áp dụng hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh y tế) trong X-quang, thay cho phim chụp, bệnh viên phải bỏ ra 2,5 tỷ đồng/năm để mua phim, thì nay chỉ bỏ chừng 400 triệu đồng.

90% bệnh nhân không cần mang phim in về vì cũng không giữ được lâu, bác sỹ đọc kết luận ngay sau khi chụp với hình ảnh chất lượng nhờ hình ảnh liên thông trên hệ thống và được lưu trữ vĩnh viễn trong lịch sử hồ sơ khám chữa bệnh của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cơ sở đã đưa thêm vào ứng dụng PACS đem lại những hiệu quả rất tích cực. Ứng dụng cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh một cách chính xác bao gồm chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm…

Sau khi chụp chiếu xong, toàn bộ hình ảnh sẽ ngay lập tức được truyền tới màn hình của bác sỹ chẩn đoán, đáp ứng yêu cầu của các khoa lâm sàng, giúp bác sỹ đọc kết quả nhanh chóng, chính xác mà không cần chờ có bản in.

Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi, thời gian khám, chẩn đoán, điều trị của cả người bệnh và bác sỹ.

Bên cạnh đó, phần mềm PACS còn hỗ trợ đắc lực trong việc kết nối và lưu chuyển thông tin giữa các khoa, phòng, hỗ trợ việc tham khảo nhanh kết quả chiếu chụp hình ảnh, kết nối thanh toán viện phí, tra cứu hồ sơ bệnh nhân cũ, giúp người bệnh và bác sỹ thuận tiện tra cứu thông tin khi người bệnh quay lại khám và điều trị trong những lần sau.

Cùng với đó, hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không LIS từ các khoa lâm sàng về phòng Xét nghiệm cũng là một trong những điểm nổi trội, giúp vận chuyển mẫu nhanh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng mẫu và đảm bảo kết quả xét nghiệm một cách chính xác nhất.

Ứng dụng công nghệ cao rút ngắn thời gian điều trị

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bên cạnh việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ còn liên tục cập nhật và ứng dụng những công nghệ mới, những kỹ thuật tiên tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.

Một số ứng dụng có thể kể đến như hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đột quỵ, phần mềm trí tuệ nhân tạo VinDr trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế, triển khai hội chẩn trực tuyến từ xa Telehealth của Bộ Y tế, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI), hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS),… tất cả vì mục tiêu tiếp cận nhanh, chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời nhằm mang lại hiệu quả chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Nằm trong kế hoạch cải tiến quy trình khám chữa bệnh, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đang triển khai mô hình hỗ trợ cho người bệnh tại phường Thanh Miếu, TP.Việt Trì.

Theo đó, thông qua định vị GPS, người dân tại Thanh Miếu khi gặp các vấn đề về sức khỏe sẽ được kết nối với cán bộ nhân viên của Bệnh viện ở nơi gần nhất, từ đó được hỗ trợ y tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn bộ địa bàn TP.Việt Trì và khu vực lân cận ở các giai đoạn tiếp theo.

TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Bệnh viện không còn cảnh có chỉ định ra viện từ sáng nhưng đến chiều vẫn chưa xuất viện được vì chưa hoàn thiện thủ tục.

Trước đây, khu thanh toán viện phí luôn có khoảng gần 400 người chờ đợi, xếp hàng và bệnh nhân ra viện trưa vẫn phải chờ đến chiều mới có hóa đơn, thì nay, khoảng 97% bệnh nhân nội trú ngồi tại giường bệnh thanh toán online, đợi đến lượt y tá báo ra ký nhận là xong.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang chia sẻ, một mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số trong quản trị bệnh viện, chính là việc giám sát được chất lượng khám chữa bệnh.

"Thông qua hồ sơ bệnh án điện tử, chúng tôi giám sát chặt chẽ, nắm rõ chuyên môn bác sỹ tới đâu, kết luận đầy đủ, sát với tình trạng bệnh hay không, chuyên môn vững vàng hay không", TS. Nguyễn Văn Thường cho biết.

Hoạt động số hóa đã đáp ứng được 85% các quy trình vận hành trong bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Để có được sự chuyển mình mạnh mẽ trong 4 năm qua, theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, khó khăn nhất ban đầu là nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường truyền, hệ thống mạng nội bộ, máy chủ, hệ thống giao thông ảo trong bệnh viện.

Xác định còn rất nhiều việc phải làm vì chuyển đổi số phải làm từng bước, phù hợp với nhu cầu của từng cơ sở khám chữa bệnh, tối ưu hơn nữa, tạo thuận lợi hơn cho người dùng, TS.Nguyễn Văn Thường cho hay, ông muốn tới đây chuyển đổi số phải giám sát được chất lượng lâm sàng. Từ đó, sẽ nắm được bác sỹ chẩn đoán bệnh đã đủ chưa, dùng thuốc đúng phác đồ hay chưa, thuốc tương tác trong một lần điều trị như thế nào.

Tin liên quan
Tin khác